Xúc động cuộc “hội ngộ" thiêng liêng

Tấm di ảnh được phủ lá cờ Tổ quốc từ từ được mở ra, ông Nguyễn Thanh Sự - em trai liệt sĩ Nguyễn Duy Tập rưng rưng lệ. “Trời ơi, giống quá, giống quá…”, ông thốt lên với giọng đầy xúc động. Bức ảnh ấy khiến ông nhớ lại tấm ảnh thờ anh mình đã cũ ở nhà, nhưng khoảnh khắc này đặc biệt hơn vì đã đánh thức biết bao kỷ niệm về người anh đã khuất.
Liệt sĩ Nguyễn Duy Tập sinh năm 1949, nhập ngũ vào tháng 3 -1967, khi chưa đầy 19 tuổi. Thời gian ấy, đất nước đang trong cuộc kháng chiến chống Mỹ khốc liệt.
“Tôi vẫn còn nhớ, lần cuối cùng anh về thăm gia đình là vào khoảng 19h một ngày đầu năm 1968. Chỉ có một ngày ngắn ngủi bên người thân, rồi anh lên đường làm nhiệm vụ và mãi mãi không trở về”, ông Sự nghẹn lời chia sẻ.
Trong lòng ông Sự không chỉ là nỗi nhớ thương người anh, mà còn là lòng biết ơn sâu sắc đối với những người trẻ hôm nay, những người đã trao đến món quà ý nghĩa. “Đây là món quà tinh thần vô giá đối với gia đình. Tôi thực sự xúc động”, ông Sự nói.

Hơn 50 năm trôi qua kể từ ngày anh hy sinh, lần đầu tiên bà được nhìn thấy hình ảnh anh mình rõ nét và sống động đến thế. Trong ký ức của bà Mão, cô bé 7 tuổi ngày ấy, hình ảnh anh trai chỉ còn là những mảnh ghép mờ nhạt. “Lúc ấy tôi vẫn còn bé. Tôi chỉ nhớ có lần anh về phép, đưa tôi đi chơi. Sau lần đấy thì anh đi mãi không về…”, giọng bà chùng xuống, đượm buồn.
“Năm 1971, anh trai tôi nhập ngũ và chiến đấu trong một đơn vị pháo binh và hy sinh khi mới 23 tuổi. Gia đình không có một tấm ảnh nào làm kỷ niệm. Ngày anh lên đường, ai cũng nghĩ anh sẽ về, nên chẳng ai nghĩ đến việc chụp ảnh lưu niệm. Khi anh hy sinh, nhà cũng chỉ vẽ lại chân dung theo trí nhớ”, bà Mão nghẹn ngào kể lại.
Nhiều năm sau, gia đình may mắn nhận được một tấm ảnh đen trắng của anh, từ người bạn đồng ngũ gửi về. Dù bức ảnh mờ tịt, nhỏ xíu nhưng lại là kỷ vật vô giá và được Mão cất giữ như báu vật suốt mấy chục năm. Đó là hình ảnh duy nhất để thờ cúng, để tưởng nhớ người anh đã không bao giờ trở về.
Giờ đây, khi cầm trên tay bức chân dung được phục dựng sống động, nước mắt bà Mão lại trào ra: “Tôi rất xúc động. Cảm ơn các bạn phục dựng và Thành đoàn đã cho gia đình bức ảnh này. Về sau các con, các cháu có thể nhìn thấy được, đời đời sau này sẽ nhớ đến anh”, bà Mão chia sẻ.

Trong giây phút nghẹn ngào khi đón nhận di ảnh của bố chồng - liệt sĩ Đỗ Quý Ngọc, bà Ngô Thị Phiên không thể kìm được xúc động. Chồng bà, con trai duy nhất của liệt sĩ, cũng vừa qua đời. Bà hiện lo phần thờ cúng, hương khói. Bố chồng của bà đã hy sinh ở mặt trận phía Nam khi tuổi đời còn rất trẻ. Sau hành trình dài tìm kiếm, gia đình đã đưa hài cốt của ông về an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ xã Đan Phượng. “Trước đây, ảnh bố tôi chỉ là hình đen trắng", bà kể với giọng nghèn nghẹn.
Tấm ảnh duy nhất của ông đã ố vàng theo thời gian, mờ nhạt đến mức không đủ để thế hệ sau hình dung trọn vẹn về người anh hùng của gia đình. Khi biết đến dự án phục dựng ảnh liệt sĩ của Thành đoàn Hà Nội từ năm ngoái, bà đã thầm nuôi một niềm hy vọng và đã toại nguyện. Và rồi, khi nhận tấm di ảnh được phục dựng rõ nét, sống động, mọi cảm xúc dồn nén bấy lâu trong lòng bà bỗng vỡ oà.
“Tấm ảnh này không chỉ đơn thuần để thờ cúng, mà còn là cây cầu nối kết quá khứ với hiện tại, giúp các thế hệ con, cháu trong gia đình mãi mãi biết mặt, nhớ tên và tự hào về sự hy sinh cao cả của ông cha mình”, bà Phiên bày tỏ.
Tấm lòng tri ân của tuổi trẻ
Đó chỉ là một vài câu chuyện của thân nhân liệt sĩ trong số 78 gia đình vừa nhận ảnh do Thành đoàn - Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam thành phố Hà Nội chủ trì, phối hợp phục dựng và trao tặng dịp 27-7 năm nay. Từ những bức ảnh liệt sĩ không còn nguyên vẹn, rách nát, mờ nhòe theo thời gian, thậm chí là không có ảnh, qua bàn tay của nhóm bạn trẻ phục dựng ảnh Skyline, gia đình đã có một tấm ảnh rõ nét để tưởng nhớ người chồng, cha, anh ngã xuống cho nền độc lập.

Theo Phó Bí thư phụ trách Thành đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Tiến Hưng, ý tưởng thực hiện chương trình phục dựng di ảnh liệt sĩ xuất phát từ việc mong muốn thực hiện hoạt động ý nghĩa, sáng tạo nhằm tri ân các anh hùng liệt sĩ của tuổi trẻ Thủ đô.
Qua nắm bắt tâm tư nguyện vọng của thân nhân các gia đình và thực trạng ảnh thờ các liệt sĩ qua thời gian không còn được lưu giữ trọn vẹn, tháng 5-2024, Ban Thường vụ Thành đoàn đã quyết tâm phối hợp với các đơn vị thực hiện dự án "Phục dựng ảnh liệt sĩ" trên địa bàn thành phố. Đến nay hàng trăm bức ảnh đã được trao tặng tới tay thân nhân các liệt sĩ trên toàn thành phố.

Cũng theo đồng chí Nguyễn Tiến Hưng, kinh phí thực hiện chương trình này từ nguồn xã hội hóa và phát động đóng góp trong đoàn viên, thanh, thiếu nhi Thủ đô. Việc phục dựng di ảnh liệt sĩ cho các gia đình được thực hiện hoàn toàn miễn phí. Các gia đình khi nhận được di ảnh đã được phục dựng đều vui mừng, xúc động. Điều đó đã thể hiện ý nghĩa thiết thực của hoạt động này.
“Mỗi bức ảnh là một khoảnh khắc hồi sinh của ký ức, tái hiện lại thanh xuân của những người lính, những người mãi mãi nằm lại ở tuổi đôi mươi vì độc lập, tự do của dân tộc. Đây không chỉ là món quà tri ân, mà còn là lời khẳng định thiêng liêng: Thế hệ hôm nay sẽ không bao giờ quên hình ảnh, sự hy sinh của các Anh hùng liệt sĩ đã dành trọn vẹn tuổi xuân của mình cho Tổ quốc”, Phó Bí thư phụ trách Thành đoàn Hà Nội nói.
Những bức ảnh phục dựng đầy ý nghĩa này không chỉ thay lời tri ân mà còn là minh chứng cho tình cảm và trách nhiệm của tuổi trẻ Thủ đô. Qua từng khoảnh khắc được tái hiện, thế hệ hôm nay đã thể hiện rõ nét đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" đối với những Anh hùng liệt sĩ, những người đã dành trọn tuổi xuân cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
Nguồn: https://hanoimoi.vn/khoanh-khac-nghen-ngao-khi-gap-lai-liet-si-710580.html
Bình luận (0)