- Lạng Sơn mảnh đất giàu truyền thống với hơn 80% học sinh các cấp là con em đồng bào dân tộc thiểu số. Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá các dân tộc, thời gian qua, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) tỉnh đã và đang triển khai nhiều phương pháp giáo dục văn hóa dân tộc, chuyển từ hình thức truyền thụ một chiều sang những trải nghiệm đa dạng và sâu sắc, khơi dậy tình yêu và ý thức trách nhiệm của học sinh đối với di sản văn hóa quê hương.
Trong 5 năm học gần đây, thay vì những giờ học lý thuyết khô khan, nội dung giáo dục văn hóa dân tộc đã được giáo viên tích hợp một cách thường xuyên, linh hoạt và đa đạng vào các môn học như Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý và Giáo dục công dân. Đơn cử, đối với môn Ngữ văn, giáo viên sẽ lồng ghép giảng dạy các tác phẩm văn học dân gian, ca dao, tục ngữ. Hay tại các tiết học môn Lịch sử, Địa lý, học sinh sẽ được tìm hiểu về lịch sử hình thành và phát triển của các dân tộc, khám phá các yếu tố văn hóa gắn liền với địa hình, khí hậu... để từ đó bồi đắp ý thức về trách nhiệm của bản thân đối với việc bản tồn các di sản văn hóa
Điểm sáng trong công tác này là sự đa dạng hóa các hình thức giáo dục. Nếu như trước đây, việc học sinh tiếp cận văn hóa dân tộc còn mang tính hình thức, thì nay, các trường học đã chủ động thành lập các câu lạc bộ (CLB) văn hóa, văn nghệ nhằm tạo nên "vườn ươm" tài năng và tình yêu văn hóa trong các thế hệ học sinh. Tính đến năm học 2024 - 2025, đã có hơn 25 trường học từ tiểu học tới THPT trên địa bàn tỉnh thành lập và duy trì CLB truyền dạy các loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc như: hát then, đàn tính, múa sư tử mèo... thu hút trên 500 học sinh tham gia sinh hoạt thường xuyên.
Huyện Cao Lộc là một trong những địa phương tiêu biểu trong công tác giáo dục văn hóa dân tộc. Theo thống kê của Phòng GD&ĐT huyện, 100% trường học trên địa bàn huyện đều tổ chức các hoạt động đưa văn hóa dân tộc vào trường học trong các dịp lễ, khai giảng, lồng ghép vào các hoạt động ngoại khóa... Bà Nguyễn Thị Loan, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Cao Lộc, chia sẻ: Thời gian qua, các trường học trên địa bàn huyện đã chủ động nghiên cứu, sưu tầm tư liệu về lịch sử, địa lý, âm nhạc, mỹ thuật và các hoạt động văn hóa dân tộc đặc trưng của Lạng Sơn để đưa vào nội dung giảng dạy một cách sáng tạo và hiệu quả.
Bên cạnh đó, phong trào xây dựng CLB di sản văn hóa dân gian cũng phát triển mạnh mẽ, với hơn 200 CLB được thành lập trên toàn tỉnh. Các CLB này không chỉ giới thiệu mà còn tạo cơ hội cho các em học sinh được trải nghiệm các hoạt động thực tế như: thi vẽ tranh về đề tài văn hóa dân tộc (trung bình mỗi năm có trên 20 cuộc thi cấp trường); làm video clip giới thiệu di sản bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh (ước tính trên 100 sản phẩm chất lượng được tạo ra mỗi năm); thiết kế và in lịch, làm tờ rơi quảng bá di sản (hơn 1.000 sản phẩm được thực hiện) và thuyết trình về di sản bằng tiếng Anh (trên 30 buổi thuyết trình cấp trường)...
Ngoài ra, các trường học trên địa bàn tỉnh còn chú trọng tổ chức các hoạt động ngoại khóa như: tham quan, tìm hiểu thực tế tại các thôn, bản, các địa điểm lưu giữ nét văn hóa đặc trưng của địa phương (trung bình mỗi năm học có trên 1.000 hoạt động ngoại khóa được tổ chức trên toàn tỉnh) nhằm đưa học sinh đến gần hơn với cội nguồn văn hóa; tổ chức cho học sinh tham gia các trò chơi dân gian kéo co, ném còn, nhảy bao, nhảy dây, đá cầu, múa sư tử... qua đó, không chỉ mang lại niềm vui mà còn giúp các em hiểu thêm về những giá trị văn hóa ẩn chứa trong mỗi trò chơi .
Những nỗ lực không ngừng nghỉ đó của ngành GD&ĐT tỉnh đã mang lại những kết quả đáng khích lệ. Học sinh các cấp ngày càng nâng cao hiểu biết về văn hóa dân tộc, hình thành ý thức sâu sắc trong việc giữ gìn bản sắc của dân tộc, quê hương. Đồng thời, biết tôn trọng và giao lưu văn hóa với các bạn bè thuộc dân tộc khác. Em Nông Mai Anh, học sinh lớp 10 C1, Trường THPT Tràng Định, huyện Tràng Định chia sẻ: Em rất thích những tiết học có lồng ghép nội dung về văn hóa địa phương, đặc biệt là các buổi ngoại khóa trải nghiệm văn hóa dân tộc do trường tổ chức. Tại đây, chúng em được giao lưu, học hỏi về văn hóa truyền thống của nhiều dân tộc khác nhau thông qua các hoạt động văn nghệ, biểu diễn trang phục truyền thống, gói bánh chưng ngày Tết... Điều này giúp chúng em có ý thức hơn rất nhiều trong việc giữ gìn và phát triển những nét đẹp văn hóa của dân tộc mình.
Gần đây nhất, Sở GD&ĐT đã tổ chức thành công Ngày hội văn hóa các trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) năm học 2024 - 2025. Ngày hội góp phần bồi dưỡng năng lực cho cán bộ, giáo viên trong công tác giáo dục truyền thống văn hóa, đạo đức và kỹ năng sống cho học sinh; tăng cường nhận thức về bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống cho học sinh; tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích, giao lưu, học tập kinh nghiệm giữa các trường PTDTBT nói riêng và các trường học trên địa bàn tỉnh nói chung. Qua đó, góp phần thắt chặt sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong giáo dục văn hoá dân tộc cho thế hệ trẻ.
Nhà giáo ưu tú Phan Mỹ Hạnh, Phó giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Lạng Sơn khẳng định: Chúng tôi đánh giá cao sự chủ động và sáng tạo của các nhà trường trong việc đưa văn hóa dân tộc đến gần hơn với các em học sinh. Các hoạt động đa dạng và phong phú đã tạo ra một môi trường học tập sinh động, hấp dẫn, giúp các em không chỉ tiếp thu kiến thức mà còn bồi dưỡng tình yêu quê hương, lòng tự hào dân tộc. Sở GD&ĐT sẽ tiếp tục chỉ đạo và hỗ trợ các trường học để công tác này ngày càng đạt hiệu quả cao hơn.
Với những nỗ lực không ngừng và những kết quả bước đầu đầy hứa hẹn, các trường học trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đang ngày càng khẳng định vai trò là một trong những "kênh" bảo tồn, phát huy và quảng bá văn hóa dân gian hiệu quả, với tiềm năng lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng. Trong thời gian tới, ngành GD&ĐT tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác này, khuyến khích sự sáng tạo và tìm tòi của các nhà trường trong việc đưa văn hóa dân tộc vào học đường một cách thiết thực và hấp dẫn. Từ đó, trang bị cho thế hệ trẻ một nền tảng văn hóa vững chắc, giúp các em biết trân trọng, gìn giữ và phát huy những bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc, góp phần xây dựng một tương lai tươi sáng và đậm đà bản sắc.
Nguồn: https://baolangson.vn/doi-moi-phuong-phap-giao-duc-van-hoa-dan-toc-trong-truong-hoc-5048385.html
Bình luận (0)