Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Khởi sắc ở Tân Đô

Xóm Tân Đô, xã Hòa Bình (Đồng Hỷ) là nơi sinh sống của 120 hộ dân, trong đó hơn 95% là đồng bào dân tộc Nùng. Những năm qua, người dân nơi đây luôn nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế và giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa, từng bước xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Báo Thái NguyênBáo Thái Nguyên28/05/2025

Đường vào xóm Tân Đô được đổ bê tông rộng rãi.
Đường vào xóm Tân Đô được đổ bê tông rộng rãi.

Đến xóm Tân Đô bây giờ, chúng tôi cảm nhận được nhiều nét tươi mới. Hai bên tuyến đường bê tông dẫn vào xóm vừa được đưa vào sử dụng, những lá cờ Đảng, cờ Tổ quốc đỏ thắm tung bay. Giữa trung tâm xóm, công trình Bảo tồn làng truyền thống dân tộc Nùng hiện ra nổi bật với nhiều hạng mục được thiết kế tỉ mỉ. Đây là công trình được Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch triển khai, mới bàn giao cho địa phương vào cuối tháng 4 năm nay.

Ông Chu Văn Hưởng, Trưởng xóm Tân Đô, phấn khởi cho biết: Được sự quan tâm hỗ trợ của các cấp, ngành và sự đoàn kết, chăm chỉ của bà con nhân dân, xóm ngày càng khởi sắc.

Để giúp bà con nơi đây từng bước vươn lên, các cấp, ngành ở huyện Đồng Hỷ đã thực hiện nhiều giải pháp, như: Tổ chức tập huấn, ứng dụng khoa học - kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp; triển khai các mô hình phát triển kinh tế; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bà con chủ động tiếp cận những kiến thức mới, tích cực chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi...

Điển hình như năm 2024, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Đồng Hỷ triển khai mô hình “Chăn nuôi gà trống thiến an toàn sinh học” tại xóm Tân Đô, quy mô thực hiện 1.500 con gà trống Ri lai, với 13 hộ tham gia. Qua tổng kết mô hình cho thấy, giống gà trống Ri lai có tỷ lệ nuôi sống qua các giai đoạn đạt từ 90% trở lên.

Hạch toán kinh tế, với 1.500 con gà nuôi trong thời gian 170 ngày, bán giá 130 nghìn đồng/kg thì thu lãi gần 85 triệu đồng. Từ hiệu quả đạt được của mô hình này, toàn xóm Tân Đô đã có gần 20 hộ tiếp tục đầu tư nuôi gà trống thiến với tổng số hàng nghìn con trong năm nay.

Mô hình nuôi gà ở xóm Tân Đô đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Mô hình nuôi gà ở xóm Tân Đô đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Cùng với việc áp dụng các mô hình sản xuất mới, người dân Tân Đô còn tích cực chuyển đổi các giống cây trồng cho năng suất cao. Ví dụ như cây chè, trung bình mỗi năm xóm thực hiện trồng lại, trồng mới khoảng 2ha, chủ yếu là các giống chè lai.

Hiện nay, toàn xóm có khoảng 30ha chè, 90% trong số đó là chè lai. Nhờ tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đời sống của người dân xóm Tân Đô ngày càng được nâng cao. Trung bình mỗi năm, xóm giảm từ 2-3 hộ nghèo và hiện chỉ còn 2 hộ.

Kinh tế phát triển, người dân Tân Đô có điều kiện góp sức xây dựng các công trình hạ tầng. Riêng năm 2024, toàn xóm Tân Đô có 27 hộ dân tham gia hiến trên 3.000m2 đất để làm đường giao thông. Đến nay, các tuyến đường trục xóm đều đã được mở rộng, bê tông hóa.

Ông Triệu Tiến Thành, một người dân xóm Tân Đô, cho biết: Để mở rộng đường vào công trình Bảo tồn làng truyền thống dân tộc Nùng, gia đình tôi đã hiến một phần diện tích đất cho xóm. Tôi thấy khi có con đường to, đẹp thì diện mạo xóm khang trang hơn nhiều.

Không chỉ chú trọng phát triển kinh tế, người dân ở Tân Đô còn quan tâm giữ gìn bản sắc văn hóa bằng nhiều cách như: Duy trì hiệu quả câu lạc bộ hát sli, lượn; tích cực tham gia các hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống do địa phương tổ chức; gìn giữ các nếp nhà sàn, lễ hội truyền thống...

Đặc biệt, công trình Bảo tồn làng truyền thống dân tộc Nùng được đưa vào sử dụng không chỉ giúp người dân nơi đây lưu giữ bản sắc văn hóa mà còn tạo điều kiện để xây dựng điểm văn hóa du lịch.  

Trước khi chia tay chúng tôi, Trưởng xóm Tân Đô Chu Văn Hưởng nói: Nhân dân trong xóm sẽ tiếp tục đoàn kết để nâng cao đời sống và hướng tới mục tiêu đưa Tân Đô trở thành điểm đến của nhiều du khách.

Nguồn: https://baothainguyen.vn/xa-hoi/202505/khoi-sac-o-tan-do-a8634c1/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Thế giới hoang dã trên đảo Cát Bà
Hành trình bền bỉ trên cao nguyên đá
Cát Bà - bản giao hưởng của mùa hè
Đi tìm Tây Bắc cho riêng mình

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm