Vệ sinh môi trường phòng bệnh sốt xuất huyết |
* DỊCH SỐT XUẤT HUYẾT
Hiện nay, đang là cao điểm của mùa dịch sốt xuất huyết, dịch bệnh có nguy cơ bùng phát và diễn biến phức tạp nếu chúng ta không chủ động, tích cực thực hiện các biện pháp phòng chống.
Bên cạnh sự cố gắng nỗ lực của ngành y tế và các cấp chính quyền, để phòng bệnh cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, Bộ Y tế khuyến cáo mạnh mẽ người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau:
Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng. Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu hoặc hóa chất diệt ấu trùng vào bát nước kê chân chạn.
Hàng tuần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...
Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày. Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch. Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.
Mỗi hộ gia đình, mỗi tuần hãy dành 10 phút để phòng, chống sốt xuất huyết với các động tác đơn giản sau:
Kiểm tra, phát hiện và diệt lăng quăng trong các dụng cụ chứa nước sinh hoạt bằng cách thường xuyên thau rửa, đậy nắp kín bể và các vật dụng chứa nước, thả cá để tiêu diệt lăng quăng. Thường xuyên thay nước ở các lọ hoa, thả muối hoặc hóa chất vào bát nước kê chân chạn, bể cảnh, hòn non bộ…
Loại bỏ các vật liệu phế thải, hốc nước tự nhiên, lật úp các vật dụng có thể chứa nước không sử dụng, để không cho muỗi đẻ trứng.
Phối hợp tích cực với ngành y tế trong việc thực hiện các chiến dịch diệt bọ gậy, lăng quăng, phun hóa chất phòng chống dịch bệnh.
Các thông điệp phòng chống sốt xuất huyết: Không có lăng quăng, bọ gậy, không có sốt xuất huyết; Diệt lăng quăng, bọ gậy là trách nhiệm của mọi nhà; Cộng đồng chung tay để đẩy lùi bệnh sốt xuất huyết.
Bác sĩ hướng dẫn bệnh nhi rửa tay sau khi chơi đồ chơi để phòng bệnh tay chân miệng |
* BỆNH TAY CHÂN MIỆNG
Cách phòng bệnh tay chân miệng là thực hiện tốt “3 sạch” gồm:
Ăn uống sạch: Thực hiện ăn chín, uống chín, sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày, đảm bảo vật dụng ăn uống sạch sẽ và không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa.
Ở sạch: Vi rút có thể tồn tại ở bề mặt đồ vật trong không gian sống. Vì vậy, cần thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.
Bàn tay sạch: Trẻ và người chăm sóc trẻ cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch, đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.
Thu gom, xử lý phân và chất thải của trẻ.
Khi thấy trẻ sốt và xuất hiện nốt phỏng ở lòng bàn tay, lòng bàn chân hoặc niêm mạc miệng, cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế. Khi trẻ bị bệnh phải cho trẻ nghỉ học, hạn chế tiếp xúc với trẻ khác. Không làm vỡ các nốt phỏng để tránh nhiễm trùng và lây lan bệnh. Hạn chế vận động, tăng cường dinh dưỡng, cho trẻ ăn thức ăn lỏng mềm như cháo, súp.
Nếu nghi ngờ mắc bệnh hãy liên hệ với cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và điều trị kịp thời.
Đeo khẩu trang tại cơ sở y tế để phòng bệnh Covid-19 |
* DỊCH BỆNH COVID-19
Để chủ động phòng, chống bệnh Covid-19, Bộ Y tế tiếp tục khuyến cáo người dân thực hiện tốt các biện pháp sau:
Đeo khẩu trang nơi công cộng, trên phương tiện giao thông công cộng, tại cơ sở y tế.
Hạn chế tụ tập nơi đông người (nếu không cần thiết).
Rửa tay thường xuyên bằng nước sạch, xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn.
Tăng cường vận động, rèn luyện thể lực, dinh dưỡng hợp lý.
Khi có biểu hiện sốt, ho, khó thở thì phải đến ngay cơ sở y tế nơi gần nhất để được kiểm tra, theo dõi và xử lý kịp thời…
Người dân đến và về từ các nước có số ca mắc Covid-19 cao cần chủ động theo dõi tình trạng sức khỏe để phòng, chống Covid-19 cho bản thân, gia đình và người tiếp xúc gần.
Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp với WHO theo dõi chặt chẽ tình hình dịch Covid-19 trên thế giới và đưa ra các biện pháp phòng, chống dịch bệnh phù hợp, hiệu quả.
Nguồn: https://baolamdong.vn/xa-hoi/202505/khuyen-cao-cua-bo-y-te-ve-cac-bien-phap-phong-benh-sot-xuat-huyet-tay-chan-mieng-covid-19-2e335b9/
Bình luận (0)