Cán bộ, phóng viên Báo Thái Nguyên trao đổi với các đại biểu trước buổi ghi hình tọa đàm tại Trường quay của báo. Ảnh: Lăng Khoa. |
Từ tờ tin nhỏ giữa khói lửa chiến tranh
Trong không khí của những ngày kỷ niệm 100 năm báo chí cách mạng Việt Nam, chúng tôi - những phóng viên của Báo Thái Nguyên tìm gặp các đồng chí nguyên là Tổng Biên tập, Phó Tổng biên tập qua các thời kỳ để được hiểu thêm quá trình phát triển của tòa soạn. Nghe các bậc tiền bối kể những câu chuyện làm báo thời xưa, chúng tôi thầm cảm phục tinh thần và ý chí của phóng viên Báo ngày ấy, đặc biệt là những ngày đầu thành lập.
Tiền thân của Báo Thái Nguyên là tờ Tin Thái Nguyên, ra đời năm 1958, gồm 2 trang báo nhỏ, in khổ 30x40cm, in 2.500 bản, mỗi tuần một số, phát hành xuống tận cơ sở. Nội dung chủ yếu đăng tin vận động hợp tác hóa nông nghiệp, nêu gương điển hình tiên tiến trong sản xuất, văn hóa, giáo dục. Đội ngũ làm báo khi ấy chỉ vỏn vẹn 5-6 người, kiêm cả viết, in, phát hành trong điều kiện vô cùng gian khổ, phương tiện lạc hậu. Tuy vậy, các nhà báo đều có tinh thần cách mạng và nhiệt huyết cống hiến, bám sát cơ sở để đưa tờ tin trở thành công cụ tuyên truyền hữu hiệu trong cuộc sống của nhân dân.
Năm 1962, Báo Thái Nguyên chính thức ra đời trên nền tảng tờ Tin Thái Nguyên, trở thành diễn đàn phản ánh hơi thở đời sống và là tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương. Từ năm 1965, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ bước vào giai đoạn ác liệt, Thái Nguyên trở thành hậu phương chiến lược, nơi đặt nhiều nhà máy, xí nghiệp trọng điểm. Sau khi sáp nhập tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn, Báo Bắc Thái trở thành công cụ tuyên truyền trọng yếu, cổ vũ sản xuất, chiến đấu, chi viện cho tiền tuyến. Các phong trào “Tay búa tay súng”, “Ba sẵn sàng”, “Năm xung phong” được phản ánh sống động trên mặt báo.
Dù điều kiện còn nhiều khó khăn, nhưng tinh thần làm báo của đội ngũ phóng viên, biên tập viên đầy nhiệt huyết, trách nhiệm cao với bạn đọc. Các chuyên mục như “Người tốt, việc tốt”, “Phản ánh từ cơ sở”, “Ý kiến bạn đọc”… giúp tờ báo ngày càng gần gũi với nhân dân, thực hiện tốt vai trò phản ánh thực tiễn và định hướng dư luận địa phương.
Đến tờ nhật báo của địa phương
Sau ngày đất nước thống nhất, báo chí cả nước bước vào giai đoạn mới - phản ánh công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế trong điều kiện bao cấp khó khăn. Báo Bắc Thái thời kỳ này duy trì hình thức in báo định kỳ, từng bước kiện toàn bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ làm báo.
Sau Đại hội VI của Đảng (năm 1986), đất nước bước vào thời kỳ đổi mới. Báo chí được cởi mở hơn trong việc phản ánh thực tiễn, đề cập đến các vấn đề kinh tế - xã hội, pháp luật một cách đa chiều, trung thực. Báo Bắc Thái cũng không nằm ngoài xu hướng ấy. Từ hình thức, nội dung đến phong cách viết báo đều có những chuyển biến tích cực. Nhiều tuyến bài điều tra, phản biện xã hội được thực hiện công phu, khẳng định tờ báo không chỉ là kênh tuyên truyền một chiều mà còn đóng vai trò kiểm tra, giám sát xã hội. Đồng thời, tờ báo từng bước hiện đại hóa quy trình in ấn, mở rộng mạng lưới cộng tác viên, nâng cao chất lượng ảnh báo chí, bước đầu tiếp cận công nghệ xuất bản hiện đại.
Trường quay của Báo Thái Nguyên được trang bị hiện đại cho sản xuất các tác phẩm báo chí số. Ảnh: L.K |
Năm 1997, sau khi tỉnh Bắc Thái được chia tách thành Thái Nguyên và Bắc Kạn, Báo Thái Nguyên chính thức hình thành trên nền tảng kế thừa của Báo Bắc Thái. Đây là cột mốc khởi đầu cho giai đoạn phát triển mạnh mẽ của Báo Thái Nguyên. Từ 3 kỳ/tuần, báo liên tục tăng kỳ phát hành, đạt 6 kỳ/tuần vào năm 2009 và chính thức trở thành nhật báo địa phương - một trong số ít tờ nhật báo cấp tỉnh trong cả nước vào thời điểm đó. Năm 2011, báo cho ra đời thêm ấn phẩm “Thái Nguyên hằng tháng”, góp phần mở rộng phạm vi tuyên truyền, nâng cao chiều sâu nội dung và đa dạng hóa hình thức thể hiện.
Giai đoạn này cũng ghi dấu sự trưởng thành vượt bậc về chất lượng nhân lực. Đội ngũ phóng viên, biên tập viên của báo được đào tạo bài bản tại các trường báo chí lớn, góp phần nâng tầm tư duy báo chí, đổi mới cách tiếp cận và phản ánh thông tin, từng bước đáp ứng yêu cầu báo chí hiện đại.
Báo Thái Nguyên thời kỳ này không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao, mà còn khẳng định vai trò là diễn đàn tin cậy của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, góp phần tạo đồng thuận xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh trong thời kỳ hội nhập.
Đến nay, Tòa soạn có gần 80 cán bộ, phóng viên, người lao động, đều là những người vững vàng về chính trị, giỏi nghiệp vụ, am hiểu công nghệ số. Báo đã có nhà in khang trang vận hành ổn định hơn 20 năm qua, đáp ứng quy trình sản xuất báo khép kín. |
Chuyển mình mạnh mẽ trong thời đại số
Trong làn sóng chuyển đổi số mạnh mẽ của báo chí Việt Nam, Báo Thái Nguyên là một trong những cơ quan báo chí địa phương tiên phong xây dựng báo điện tử. Tháng 12-2001, tòa soạn cho ra mắt trang web Thainguyen online và đến năm 2004 thì chính thức được Bộ Văn hóa - Thông tin cấp phép hoạt động trên mạng Internet toàn cầu. Sự ra đời của báo điện tử đánh dấu bước ngoặt quan trọng, mở ra hướng tiếp cận mới với độc giả và góp phần khẳng định vị thế của một tờ báo Đảng năng động, đổi mới, hội nhập.
Hiện nay, Báo Thái Nguyên điện tử cập nhật thông tin 24/24 giờ, với hơn 40 chuyên mục, phát hành đa nền tảng như website, app di động, mạng xã hội, giúp đưa tin nhanh chóng, chính xác đến mọi đối tượng bạn đọc trong và ngoài tỉnh.
Tờ báo điện tử cũng đã đầu tư mạnh mẽ vào nội dung số: Video thời sự - truyền hình hóa báo chí; Infographic - trực quan hóa thông tin; Podcast - tiếp cận độc giả qua âm thanh; Góc nhìn bạn đọc - tăng cường tương tác công chúng.
Giao diện hiện đại, thao tác mượt mà, nội dung phong phú đã giúp báo giữ vững vai trò là kênh thông tin chính thống, đồng thời trở thành “món ăn tinh thần” không thể thiếu của người dân Thái Nguyên trong thời đại số.
Theo nhà báo Đỗ Thị Thìn, nguyên Tổng Biên tập Báo Thái Nguyên: Điểm đột phá lớn nhất của Báo Thái Nguyên trong nhiều năm qua không chỉ là duy trì báo in ổn định, mà còn ở việc phát triển báo chí trên nền tảng số, nhanh nhạy, chính xác, có chiều sâu, tương xứng với các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương khác.
Báo điện tử không chỉ phát thông tin mà còn làm tốt vai trò định hướng dư luận, lan tỏa kịp thời những vấn đề quan trọng trên đa nền tảng: Facebook, Zalo, YouTube. TikTok. Và chính sự phát triển trên nền tảng số, khả năng truyền tải thông tin nhanh nhạy - chính xác - kịp thời đã làm nên thương hiệu báo chí hiện đại của Báo Thái Nguyên.
Bước vào kỷ nguyên báo chí 4.0, Báo Thái Nguyên không chỉ giữ vai trò cơ quan ngôn luận của Đảng bộ tỉnh, mà còn là một trung tâm thông tin tin cậy, nơi người dân tìm đến để cập nhật tin tức, hiểu đúng chính sách, và truyền đi niềm tin phát triển quê hương.
Hướng đến tương lai báo chí số hóa toàn diện, Báo Thái Nguyên đang tập trung vào 6 yếu tố cốt lõi: chủ thể số - nội dung số - công nghệ số - công chúng số - kinh tế số - hệ sinh thái số. Giai đoạn này đòi hỏi tư duy tích hợp, kỹ năng đa nhiệm của đội ngũ lãnh đạo, cùng khả năng làm chủ công nghệ từ đội ngũ làm báo từ phóng viên, biên tập viên đến kỹ thuật viên.
Với mục tiêu trở thành cơ quan truyền thông đa nền tảng, đa phương tiện, nhà báo Nguyễn Ngọc Sơn, Tổng Biên tập Báo Thái Nguyên khẳng định: Chúng tôi xác định rõ mục tiêu xây dựng tòa soạn hội tụ số, ứng dụng mạnh mẽ AI, dữ liệu lớn (Big Data), khai thác tối ưu mạng xã hội để đưa nội dung báo chí đến gần hơn với độc giả.
Với những thành tích, cống hiến của các thế hệ cán bộ, viên chức, người lao động trong 63 năm qua, Báo Thái Nguyên đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba; được Chính phủ, các ban, bộ, ngành Trung ương và tỉnh Thái Nguyên tặng nhiều Cờ thi đua xuất sắc, Bằng khen, cùng nhiều phần thưởng cao quý khác. |
Nguồn: https://baothainguyen.vn/xa-hoi/202505/kien-tao-thuong-hieu-bao-chi-so-817072a/
Bình luận (0)