Các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp phát triển ở xã Tà Rụt -Ảnh: KĂN SƯƠNG
Nhằm cụ thể hóa định hướng phát triển theo Quy hoạch tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 86/2024/ NQ-HĐND ngày 25/10/2024 cho ý kiến về Đồ án quy hoạch chung đô thị mới Tà Rụt, huyện Đakrông đến năm 2045 (Nghị quyết số 86).
Đây là nền tảng quan trọng để xây dựng Tà Rụt trở thành đô thị loại V, phát triển đa ngành, đa lĩnh vực, đóng vai trò trung tâm liên kết kinh tế - văn hóa giữa các nước tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng, đặc biệt là qua cửa khẩu quốc tế La Lay.
Theo đó, đô thị Tà Rụt được xây dựng phát triển đạt tiêu chí đô thị loại V, với quy mô diện tích 1.416 ha, có hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại, phù hợp với bản sắc văn hóa địa phương, thích ứng với biến đổi khí hậu; hình thành trung tâm dịch vụ, thương mại, công nghiệp, logistics gắn liền với Cửa khẩu quốc tế La Lay. Đồ án quy hoạch là cơ sở cho việc lập chương trình phát triển đô thị, quy hoạch chi tiết và dự án đầu tư xây dựng.
Đô thị Tà Rụt được quy hoạch còn nhằm mục tiêu phát triển đa ngành, đa lĩnh vực gồm: Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp - làng nghề - logistics, thương mại - dịch vụ - du lịch, nông - lâm nghiệp...; là một trong những trung tâm giao lưu phát triển kinh tế - văn hóa giữa các nước tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng qua Cửa khẩu quốc tế La Lay; có vị trí quan trọng về QP-AN biên giới. Dân số đến năm 2045 đạt khoảng 18.970 người.
Hướng phát triển đô thị, Tà Rụt được quy hoạch phát triển đô thị trở thành trung tâm dịch vụ, thương mại, công nghiệp, logistics gắn liền với Cửa khẩu quốc tế La Lay, kết nối với cảng Mỹ Thủy trên cơ sở hệ thống giao thông Quốc lộ 15D, đường Hồ Chí Minh nhánh Tây.
Về thương mại - dịch vụ, hình thành trung tâm tài chính - thương mại quốc tế, hội chợ, sàn giao dịch tại khu vực trung tâm tiếp giáp với đường Hồ Chí Minh; xây dựng chợ trung tâm định hướng phát triển thành chợ đầu mối, ưu tiên phát triển các siêu thị, trung tâm thương mại đáp ứng nhu cầu cung cấp hàng hóa hai bên biên giới; phát triển các điểm thương mại, dịch vụ trong các khu đô thị đảm bảo nhu cầu thiết yếu hàng ngày của người dân.
Về du lịch, phát triển khu vực Tà Rụt - La Lay thành một địa điểm hấp dẫn để nghỉ ngơi và mua sắm giữa Lào và Việt Nam. Phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng nhằm khai thác cảnh quan thiên nhiên tại khu vực. Khai thác phát triển du lịch sinh thái ngoài trời, du lịch khám phá, trải nghiệm tại các rừng đặc dụng có thảm thực vật phong phú, đa dạng như Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông. Phát triển các điểm du lịch sinh cộng đồng gắn với văn hóa vật thể, phi vật thể của đồng bào Vân Kiều, Pa Kô; khôi phục, bảo tồn, phát huy các lễ hội văn hóa cồng chiêng, nhạc cụ truyền thống, ẩm thực...
Về công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, logictics: phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đa ngành, ưu tiên phát triển công nghiệp đóng gói, chế biến nông sản, sản xuất linh kiện, lắp ráp điện tử, may mặc... gắn với xuất nhập khẩu qua Lào và Thái Lan, tập trung phát triển theo hướng công nghệ hiện đại; đối với làng nghề ưu tiên phát triển ngành nghề địa phương như mộc mỹ nghệ, chế biến thức ăn, dược liệu,... các cơ sở sản xuất công nghiệp, làng nghề tập trung phát triển theo hướng tích hợp đa năng và phát triển bền vững. Phát triển khu dịch vụ logictics, kết nối giữa khu trung tâm thương mại và công nghiệp.
Về nông, lâm nghiệp, phát triển quy mô nhỏ diện tích canh tác trong khu vực thì yêu cầu phải xây dựng vùng nông nghiệp tập trung có quy mô phù hợp với loại hình sản xuất và điều kiện của địa phương. Dự kiến sẽ mở rộng diện tích với quy mô nhỏ, phát triển mở rộng phần diện tích sang phía Tây sông Đakrông, tận dụng phần diện tích ven sông để phát triển diện tích trồng lúa nước cho năng suất cao, đảm bảo nhu cầu lương thực của người dân.
Ưu tiên xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý vùng sản xuất và diện tích canh tác cho phát triển các cây bản địa có hiệu quả. Định hướng giảm diện tích rừng trồng tự nhiên để dành đất cho xây dựng đô thị, tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết trên toàn khu vực với các vùng trồng lân cận để tạo vùng nguyên liệu tập trung và đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phầm, thiết lập hệ thống sản xuất theo tiêu chuẩn quản lý rừng bền vững (tiêu chuẩn chứng chỉ rừng FSC) và tiêu chuẩn sản xuất hữu cơ để đáp ứng xu thế, nhu cầu thế giới về sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và thân thiện với môi trường.
Đô thị mới Tà Rụt quy hoạch đến năm 2045 phát triển theo các phân khu chức năng gồm: khu vực trung tâm hành chính đô thị; khu vực chức năng đô thị; khu trung tâm thương mại - dịch vụ; khu công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề, logistics; khu vực phát triển nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái;
Định hướng phát triển các công trình dịch vụ công cộng như: trung tâm hành chính đô thị, các nhà sinh hoạt cộng đồng; trung tâm y tế đạt chuẩn quốc gia; các cơ sở giáo dục, đào tạo, trung tâm văn hóa, thể dục - thể thao, các công trình hạ tầng điện, đường, trường, trạm...
Từ ngày tuyến đường Hồ Chí Minh hoàn thiện và Cửa khẩu quốc tế La Lay trở thành điểm xuất khẩu chiến lược, vùng đất Tà Rụt đã có bước chuyển mình rõ nét.
Với đồ án quy hoạch phát triển đô thị mới Tà Rụt do HĐND tỉnh thông qua, người dân nơi đây kỳ vọng vào một tương lai tươi sáng: Tà Rụt sẽ là đô thị năng động, sầm uất phát triển đa ngành, đa lĩnh vực; là điểm kết nối kinh tế - văn hóa giữa các vùng, miền trong nước và quốc tế, đóng vai trò động lực thúc đẩy sự phát triển bền vững cho cả khu vực miền núi phía Tây Nam của tỉnh.
Trần Anh Minh
Nguồn: https://baoquangtri.vn/ky-vong-ve-mot-do-thi-moi-ta-rut-193928.htm
Bình luận (0)