Chị Hà (ngoài cùng, bên phải) giới thiệu mô hình trồng sâm Bố Chính của mình 

Sinh ra trong một gia đình thuần nông, chị Hà hiểu rõ hơn ai hết những vất vả, cơ cực của người nông dân. Nhưng chị lại nghĩ, ai cũng thoát ly khỏi ruộng đồng thì còn ai trồng trọt, chăn nuôi. Để làm giàu được trên chính quê hương mình, chị Hà đã tìm hướng đi phù hợp với điều kiện địa phương và khả năng của bản thân.

Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Nông lâm, Đại học Huế, được đi đây đi đó, chị Hà nhận thấy cây sâm Bố Chính rất dễ trồng, cho lợi nhuận khá và đầu ra ổn định. Từ những luống sâm thử nghiệm ban đầu, 2 năm trở lại đây, chị trồng hơn 4 sào trên đất nông nghiệp của gia đình. Trồng đúng kỹ thuật, chăm sóc đúng quy trình, nên diện tích trồng sâm của chị luôn cho thu nhập ổn định.

“Vùng đất Quảng Phú năm nào cũng bị ngập lụt. Ở đây, bà con muốn trồng sâm thì phải gieo giống sớm, tầm tháng 11 và thu hoạch tầm tháng 9 năm sau. Chăm sóc cây sâm Bố Chính cũng không khó, chỉ cần giữ cho đất khô ráo, không bị ngập úng. Khi thu hoạch, sâm không những bán củ mà còn bán được cả hoa nên hiệu quả kinh tế khá cao”, chị Hà cho biết.

Trước đây, đất hoa màu ở địa phương chủ yếu trồng đậu, khoai, sắn… chị Hà lại thử nghiệm với những loại cây ăn quả ngắn ngày, năng suất cao khác như các loại dưa, bí đỏ. “So với lúa nước, cây hoa màu truyền thống, thì dưa, bí đỏ… cho năng suất và thu nhập cao gấp nhiều lần”, chị Hà chia sẻ.

Hiện nay, mô hình kinh tế tổng hợp chăn nuôi bò kết hợp trồng sâm Bố Chính, cây hoa màu ngắn ngày và buôn bán vật tư nông nghiệp của chị Hà đang cho thu nhập ổn định. Gia đình chị đang chăn nuôi hơn 20 con bò sinh sản. Mỗi năm, sau khi trừ các chi phí, gia đình chị Hà thu về trên 200 triệu đồng.

Theo chị Hà, trong chăn nuôi điều quan trọng nhất là chọn giống tốt, đảm bảo giống vật nuôi luôn có sức đề kháng cao. Nuôi con gì, trồng cây gì cũng cần phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng địa phương. Chuồng trại cần được xây dựng cao ráo, thông thoáng, sạch sẽ để tránh bệnh tật. Đối với cây trồng, chị Hà chú trọng chăm sóc cây trồng đúng kỹ thuật ngay từ khâu chọn giống. Chị thường chọn giống từ những thương hiệu uy tín để đảm bảo cây có khả năng sinh trưởng tốt. Trong quá trình trồng trọt, chị chỉ sử dụng phân hữu cơ kết hợp với chế phẩm vi sinh để cải thiện đất và hạn chế sâu bệnh.

Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Quảng Phú cho biết: Phong trào "Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” đã lan tỏa sâu rộng trong cán bộ, hội viên phụ nữ trên toàn phường. Thông qua phong trào đã xuất hiện nhiều tấm gương hội viên phụ nữ điển hình làm kinh tế giỏi, xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc. Chị Hoàng Thị Hà đã trở thành tấm gương sáng trong lao động sáng tạo, vươn lên thoát nghèo bền vững từ chăn nuôi và trồng trọt. Không chỉ giỏi làm kinh tế, chị Hà còn là hội viên tích cực trong các phong trào phụ nữ tại địa phương.

Bài, ảnh: Thảo Vy

Nguồn: https://huengaynay.vn/kinh-te/lam-giau-tu-nong-nghiep-154013.html