
Gartner, công ty nghiên cứu và tư vấn về CNTT hàng đầu thế giới vừa công bố báo cáo thị phần dịch vụ CNTT toàn cầu, FPT lần đầu lọt Top 40 doanh nghiệp dịch vụ CNTT châu Á và Top 140 doanh nghiệp dịch vụ CNTT trên quy mô toàn cầu.
Gartner đánh giá và xếp hạng các doanh nghiệp dựa trên quy mô doanh thu dịch vụ CNTT trong năm 2024. Với doanh thu khối Công nghệ đạt hơn 1,4 tỷ USD, FPT đã tăng 6 bậc trong bảng xếp hạng khu vực châu Á và tăng 18 bậc trong bảng xếp hạng toàn cầu của Gartner.
Năm 2024, khối Công nghệ đóng vai trò động lực tăng trưởng chính của FPT với doanh thu đạt 39.110 tỷ đồng, chiếm 62,2% tổng doanh thu của Tập đoàn và lợi nhuận trước thuế đạt 5.230 tỷ đồng, chiếm 47,2% tổng lợi nhuận trước thuế của Tập đoàn.
Trong đó, mảng dịch vụ CNTT cho thị trường nước ngoài, với mức tăng trưởng doanh thu 27,4%, đóng góp 79,1% doanh thu và 91,2% lợi nhuận trước thuế của khối Công nghệ.
Đà tăng trưởng mạnh mẽ này được thúc đẩy nhờ nhu cầu chuyển đổi số bùng nổ trên toàn cầu. FPT cũng đã ký kết nhiều dự án quy mô lớn trên toàn cầu như hợp đồng 225 triệu USD tại Mỹ, hợp đồng 115 triệu USD tại Đức và hợp đồng 110 triệu USD tại Singapore.
Tất cả các thị trường trọng điểm trong chiến lược toàn cầu hóa của FPT đều ghi nhận tăng trưởng tốt. Thị trường Nhật Bản tăng trưởng ấn tượng 32,2% doanh thu so với cùng kỳ, vượt mốc 500 triệu USD trong năm 2024. Thị trường châu Á - Thái Bình Dương đạt 8.240 tỷ đồng doanh thu, tăng trưởng 34,8% so với cùng kỳ.
Chủ tịch FPT Trương Gia Bình cho biết, năm 2024, FPT công bố chiến lược (Trí tuệ nhân tạo (AI) - Bán dẫn (Bán) - Công nghệ ô tô số (Xe) - Chuyển đổi số (Số) - Chuyển đổi xanh (Xanh), trong đó, AI là trụ cột chiến lược quan trọng nhất. 2025 và những năm tiếp theo, FPT sẽ tiếp tục kiên trì khai phá những cơ hội từ năm từ khóa AI - Bán - Xe - Số - Xanh để gia tăng năng lực, khẳng định vị thế đối tác công nghệ tin cậy, uy tín trên toàn cầu và góp phần nâng cao vị thế Việt Nam như một điểm đến toàn cầu về chuyển đổi số thông minh, AI, Bán dẫn.”
Tại Diễn đàn quốc gia về doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ VI tháng 1/2025, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT cho rằng, các tập đoàn đi trước chúng ta, họ giữ doanh số hàng chục tỷ USD về các ngành truyền thống nên đội ngũ của họ hầu hết tập trung vẫn là công nghệ thông tin. Trong khi đó, Việt Nam dễ dàng chuyển sang lĩnh vực chưa to, chưa nhiều chục tỷ USD, nhưng tăng trưởng rất nhanh, đó là chuyển đổi số.
Ông Trương Gia Bình cũng chỉ ra một biến cố rất đặc biệt, đem lại tăng trưởng trong nhiều năm tới, đấy chính là mâu thuẫn địa chính trị. Khi các cường quốc rút ra khỏi Trung Quốc, họ chuyển giao công việc ấy cho Việt Nam. Thậm chí họ còn chuyển giao đội ngũ đã dày công xây dựng nhiều năm cho Việt Nam.
Bằng cách đó, FPT đã rút ngắn con đường tích lũy các kiến thức, bí kíp về ngành, công nghệ. Bây giờ khi Việt Nam đã có một đội ngũ tương đương các nước phát triển về CNTT, chúng ta cần phải thay đổi. Nghị quyết 57 như một chỉ dấu về vận nước đã đến.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Mạnh Hùng, cho rằng Việt Nam là một quốc gia với rất nhiều doanh nghiệp công nghệ số xuất sắc, có thể giải quyết mọi bài toán toàn cầu và địa phương bằng công nghệ số. Nhận định đi ra nước ngoài là nhiệm vụ đầy khó khăn nhưng đầy vinh quang, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chỉ rõ, đây là sứ mệnh của các doanh nghiệp để đưa Việt Nam hóa rồng hóa hổ, trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045.
“Doanh nghiệp hãy gắn sứ mệnh của mình với sứ mệnh quốc gia. Hãy gắn vận mệnh của mình với vận mệnh quốc gia. Và vì thế mà doanh nghiệp phát triển bền vững và trường tồn. Bởi vì dân tộc và quốc gia là trường tồn. Gìn giữ non sông, làm rạng danh non sông là sứ mệnh mới của doanh nghiệp Việt Nam, trong đó đặc biệt là các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam”, Bộ trưởng kêu gọi.
Người đứng đầu ngành TT&TT cũng đã có những phân tích, dẫn chứng thuyết phục để đi đến khẳng định rằng các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam cần phải đi ra nước ngoài và có năng lực, điều kiện để vươn ra toàn cầu.
Theo Bộ trưởng, hiện nay chính là thời điểm để các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam vươn ra chinh phục thế giới: “Cơ hội lớn nhất khi thế giới có những thay đổi lớn, khi một cuộc cách mạng công nghiệp mới đang diễn ra với nhiều công nghệ mới. Cơ hội để một quốc gia thay đổi thứ hạng chính là lúc này”.
Tính đến cuối tháng 3/2024, Việt Nam đã có 207 dự án đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực thông tin và truyền thông, tổng vốn đăng ký 2,82 tỷ USD (chiếm gần 13% tổng vốn đăng ký đầu tư ra nước ngoài), sang 33 quốc gia. Phần lớn dự án đầu tư tập trung vào Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ…
Các dự án viễn thông có quy mô lớn thường tập trung vào các nước châu Phi, các nước kinh tế đang phát triển. Viettel là một trong những nhà đầu tư rất thành công trong việc góp phần phát triển kinh tế - xã hội cũng như chuyển đổi số cho các nước đang phát triển, đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của những nước này.
Mới đây, FPT đã đề nghị tăng vốn ở 4 thị trường: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Đức và Singapore. Cùng với đó, FPT và nhiều doanh nghiệp lớn cũng đang có hồ sơ thúc đẩy hoạt động kinh doanh ra quốc tế tại các thị trường khác.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/lan-dau-tien-mot-cong-ty-cong-nghe-viet-vao-top-40-chau-a-2402898.html
Bình luận (0)