Kỳ vọng bước ngoặt
Sáng nay (27/5), tọa đàm "Gỡ điểm nghẽn thể chế - Khơi thông nguồn lực tư nhân" được tổ chức ở Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại TPHCM.
Ông Nguyễn Bá Diệp - đồng sáng lập Tập đoàn công nghệ tài chính MoMo - nhận định Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân là "một cú sốc" đối với giới công nghệ. Ông chia sẻ rằng, từng là cán bộ Nhà nước trước khi chuyển hướng khởi nghiệp 17 năm qua, ông cảm thấy tự hào khi vai trò của mình được ghi nhận.
Ông Diệp đánh giá Nghị quyết 68 đã nêu trúng nhiều vấn đề mà các doanh nghiệp khởi nghiệp gặp phải, bao gồm nguồn vốn. Nghị quyết cũng đề cập đến việc cắt giảm các chi phí không cần thiết, điều này rất hợp lý và có lợi cho các doanh nghiệp khởi nghiệp.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thanh Hương - Giám đốc Đầu tư Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long - xúc động, nói đầu tiên là cảm giác "ấm áp" khi tiếp cận Nghị quyết 68. Bà giải thích ấm áp vì không còn cảm thấy bơ vơ nữa. Bởi sau năm 1986, doanh nghiệp tư nhân được công nhận tồn tại thì đến nay, khối này được thừa nhận là một động lực quan trọng của nền kinh tế.
Bà Hương nói thêm, Nam Long đã ra đời và vươn lên trong hơn 33 năm qua, tự chủ bằng cách lặng lẽ ra khỏi biên giới tìm kiếm nguồn vốn ngoại, mở rộng quỹ đất để phát triển và lần đầu tiên được nhìn nhận vai trò.
Cảm giác thứ 2 mà bà Hương đề cập là vinh dự: Vinh dự được chứng kiến bước ngoặt thứ 2 trong lịch sử liên quan tới doanh nghiệp tư nhân. Và cuối cùng, bà được củng cố niềm tin từ Nghị quyết 68, doanh nghiệp cảm thấy được đồng hành và khôi phục sự tin tưởng từ các đối tác nước ngoài.
Ông Đinh Hồng Kỳ, Đại diện Hiệp hội doanh nghiệp TPHCM, Chủ tịch Secoin, kỳ vọng Nghị quyết 68 sẽ là bước ngoặt đưa kinh tế tư nhân bứt phá, tương tự như Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị năm 1988 đã giúp Việt Nam từ nước thiếu lương thực trở thành quốc gia xuất khẩu hàng đầu thế giới.

Các chuyên gia, doanh nghiệp nêu những nội dung tích cực của Nghị quyết 68 (Ảnh: BTC).
Đề xuất cởi trói thể chế
Đặt nhiều kỳ vọng với Nghị quyết 68, tuy nhiên các lãnh đạo doanh nghiệp, chuyên gia cũng nêu ra băn khoăn, kiến nghị nhằm sớm giải quyết các điểm nghẽn.
Đại diện Nam Long thừa nhận suốt 3-4 năm qua, việc tạm dừng nhiều dự án bất động sản khiến dòng vốn từ nhà đầu tư nước ngoài chưa thể đổ vào Việt Nam như kỳ vọng. Trong khi đó, nhiều đối tác quốc tế vẫn rất quan tâm đến thị trường Việt Nam và sẵn sàng đầu tư dài hạn.
"Chúng tôi rất mong chính sách sẽ sớm được cụ thể hóa. Khi các nguồn lực được khơi thông, việc tham gia vào các dự án lớn như phát triển đô thị gắn với giao thông (TOD) sẽ trở nên khả thi hơn. Nam Long và các đối tác đã sẵn sàng tham gia nếu cơ chế thực thi minh bạch và kịp thời", bà Nguyễn Thanh Hương nói.
Còn ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu T&T Vina Group - nêu thực trạng mà doanh nghiệp trong ngành nông nghiệp đang gặp phải là "quản không được thì cấm" khiến nhiều sáng kiến và nhu cầu đầu tư bị bó hẹp.
Do đó, ông Tùng cho rằng Nghị quyết đã có, tinh thần cũng rất tiến bộ, nhưng nếu không đi sâu vào đời sống thì doanh nghiệp và người dân sẽ không "hấp thụ" được. Ông mong cơ chế sẽ sớm được cụ thể hóa ở cấp thực thi.
Ở góc độ chuyên gia, ông Nguyễn Xuân Thành - Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright, Trường Đại học Fulbright Việt Nam - nói Nghị quyết 68 cần thể chế hóa thành văn bản pháp luật, làm sao nêu cụ thể, rõ ràng nhưng lại linh hoạt trong thực thi.
Trong thực thi, ông Thành nêu thách thức là quyền của cơ quan hành pháp, ban hành quy định; cụ thể là ban hành xong không dám thực thi. Ông đặt vấn đề làm sao để các cơ quan quản lý Nhà nước, các cơ quan có chức năng điều tiết thị trường có dòng ngân sách đặc biệt để họ có đủ nguồn lực, tự chủ tài chính, cơ chế nhân sự thông thoáng xây dựng người tài? Đồng thời, chính sách cần trao quyền cho cán bộ thực thi để tránh vòng luẩn quẩn.
Nguồn: https://dantri.com.vn/kinh-doanh/lanh-dao-doanh-nghiep-tu-soc-den-cam-thay-am-ap-khi-co-nghi-quyet-68-20250527151227937.htm
Bình luận (0)