Hình ảnh tại Diễn đàn. (Ảnh: HP) |
Ngày 10/9, tại Hà Nội đã diễn ra Diễn đàn Hải quan – Doanh nghiệp năm 2024 với chủ đề: “10 năm phát triển quan hệ đối tác Hải quan – Doanh nghiệp” do Tạp chí Hải quan và Ban Cải cách hiện đại hóa Hải quan tổ chức ngày 10/9/2024 nhân dịp kỷ niệm 79 năm thành lập Hải quan Việt Nam (10/9/1945 – 10/9/2024).
Tại Diễn đàn, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Thọ nhấn mạnh, hiện nay, Hải quan Việt Nam đang triển khai Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030 theo Quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ; trong đó có mục tiêu: “Nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hải quan, quản lý hải quan. Tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại, du lịch và vận tải hợp pháp qua biên giới, tạo môi trường xuất nhập khẩu minh bạch, công bằng, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia” và “phát triển quan hệ hợp tác, đối tác giữa Hải quan với các bên liên quan tạo nền tảng và góp phần nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về Hải quan”.
Thời gian tới, ngành Hải quan tiếp tục tập trung nguồn lực để xây dựng, hoàn thiện các văn bản pháp luật về hải quan để hướng tới đơn giản thủ tục hành chính, tạo thuận lợi về mặt thủ tục hải quan và từng bước nâng cao năng lực kiểm tra, giám sát và kiểm soát hải quan. Nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan Hải quan thông qua các công cụ số hóa, góp phần đổi mới phương thức làm việc; nâng cao hiệu suất, hiệu quả hoạt động của cơ quan Hải quan và chất lượng cung cấp dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp.
Với mục tiêu xây dựng và phát triển Ngành trong giai đoạn tới, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết phát triển quan hệ đối tác Hải quan – Doanh nghiệp và các bên liên quan sẽ tiếp tục được ngành Hải quan đẩy mạnh triển khai, tích cực đổi mới, đảm bảo ngày càng thực chất, đi vào chiều sâu; coi doanh nghiệp là đối tác hợp tác; lấy sự hài lòng của doanh nghiệp là một trong những tiêu chí quan trọng hàng đầu để đánh giá hiệu quả hoạt động của cơ quan Hải quan. Ngành Hải quan sẽ tiếp tục đa dạng hóa các hình thức thông tin, tuyên truyền đảm bảo phù hợp với đặc điểm loại hình doanh nghiệp và đặc thù địa bàn quản lý; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số vào thông tin.
Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Thọ phát biểu tại Diễn đàn. (Ảnh: HP) |
Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Thọ cho rằng, để sự đồng hành Hải quan – Doanh nghiệp ngày càng hiệu quả, ngoài nỗ lực của ngành Hải quan, không thể thiếu sự tham gia tích cực của các bộ, ngành, các hiệp hội doanh nghiệp, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và đặc biệt là sự tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp.
Do đó, ngành Hải quan mong muốn các doanh nghiệp tiếp tục phối hợp, hưởng ứng cùng cơ quan Hải quan phát triển phong phú hơn các hoạt động phát triển quan hệ đối tác Hải quan – Doanh nghiệp. Sự đồng hành, năng động, sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp sẽ là nhân tố quan trọng để tạo nên sự thành công, phát triển.
Ông Lương Khánh Thiết, Phó Trưởng ban thường trực Ban Cải cách hiện đại hóa Hải quan (Tổng cục Hải quan) cho biết, 10 năm qua, phát triển quan hệ đối tác Hải quan – Doanh nghiệp và các bên liên quan được thể hiện rõ ở các mặt. Điển hình là hoàn thiện tương đối đầy đủ cơ sở pháp lý, hệ thống văn bản hướng dẫn công tác phát triển quan hệ đối tác; hoàn thiện một bước về tổ chức bộ máy thực hiện công tác phát triển quan hệ đối tác.
Theo đó, Ban Cải cách hiện đại hóa Hải quan là đơn vị được giao chủ trì tham mưu, hướng dẫn và tổ chức thực hiện nhiệm vụ phát triển quan hệ đối tác; có trách nhiệm hỗ trợ các đơn vị triển khai hoạt động đối tác; chủ trì thực hiện một số hoạt động đối tác theo phân công của Tổng cục Hải quan, là đầu mối trong xây dựng quan hệ đối tác với các Hiệp hội doanh nghiệp. Tổng cục Hải quan cũng tổ chức thành lập các Tổ tư vấn Hải quan – Doanh nghiệp, Tổ xử lý vướng mắc… tại cấp cục và các chi cục để làm đầu mối thực hiện phát triển quan hệ đối tác tại từng đơn vị.
Tại địa phương, nhiều đơn vị đã tích cực triển khai hoạt động tham vấn với doanh nghiệp trên địa bàn như Hải Phòng, Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Bình Dương. Năm 2023, toàn Ngành đã thực hiện 846 lượt hải quan tham vấn doanh nghiệp, nội dung chủ yếu về các quy định chính sách pháp luật về thuế và hải quan, các chương trình cải cách hiện đại hóa hải quan. Việc hỗ trợ, giải đáp vướng mắc cho doanh nghiệp cũng được chú trọng. Chỉ riêng năm 2013, có 17.179 lượt yêu cầu giải đáp vướng mắc pháp luật hải quan, trong đó các Cục Hải quan tỉnh, thành phố đã tiếp nhận 15.784 vướng mắc; các đơn vị vụ, cục nghiệp vụ đã tiếp nhận 1.395 vướng mắc. Các vướng mắc được ngành Hải quan giải đáp thông qua email, điện thoại, qua văn bản, thông qua các hội nghị, hội thảo, đối thoại, tập huấn, tọa đàm…
Đánh giá cao nỗ lực của cơ quan Hải quan trong phát triển đối tác với doanh nghiệp, ông Trần Tiến Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) cho rằng, ngành Hải quan không chỉ đóng vai trò then chốt trong việc quản lý, giám sát hoạt động xuất nhập khẩu, mà còn là cầu nối quan trọng giúp doanh nghiệp logistics vượt qua các rào cản thương mại, thúc đẩy sự lưu thông hàng hóa một cách thuận lợi và hiệu quả. Việc phát triển hợp tác giữa VLA và cơ quan Hải quan trong suốt thời gian qua đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực không chỉ cho doanh nghiệp mà còn tạo điều kiện thuận lợi để hàng hóa Việt Nam nhanh chóng tiếp cận thị trường quốc tế. Hơn nữa, sự phối hợp chặt chẽ này còn góp phần xây dựng một môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư và đối tác quốc tế, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững./.
Nguồn: https://dangcongsan.vn/kinh-te/lay-su-hai-long-cua-doanh-nghiep-de-danh-gia-hieu-qua-hoat-dong-cua-co-quan-hai-quan-677327.html