Lễ tốt nghiệp đại học là một trong những ngày đáng nhớ nhất trong cuộc đời của bất kỳ ai đã từng là sinh viên. Nếu đã trải qua, chắc hẳn bạn vẫn còn nhớ buổi lễ tốt nghiệp của chính mình với những bài phát biểu long trọng, niềm vui vì những năm học đã qua, nỗi buồn vì sắp chia tay bạn cùng lớp. Đặc biệt là ai nấy đều chỉn chu trong những bộ trang phục nghiêm túc và khoác lên mình chiếc áo cử nhân.
Tuy nhiên, Đại học Kyoto, một trong những trường lớn và lâu đời nhất Nhật Bản, lại có truyền thống lâu đời là cho phép sinh viên của mình mặc bất kỳ trang phục nào họ muốn trong lễ tốt nghiệp.
Bạn muốn hoá thân thành Pikachu hay Darth Vader trong Star Wars? Không thành vấn đề! Dù là Power Rangers, Samurai, Mona Lisa hay thậm chí là biến hoá thành Ninja rùa đột biến tuổi teen,… Tất cả đều được chấp nhận!
Theo Boredpanda, với quan niệm các trường đại học từ xa xưa luôn là trung tâm của tư duy sáng tạo, bởi vậy Đại học Kyoto khuyến khích sinh viên tốt nghiệp có cơ hội thể hiện bản thân trong chính buổi lễ quan trọng này.
Chính vì truyền thống độc lạ có một không hai này, đây cũng chính là dịp mà không chỉ đông đảo bạn bè, người thân của sinh viên trong trường mà còn có cả hàng trăm nhiếp ảnh gia và nhà báo tới dự buổi lễ tốt nghiệp ở Đại học Kyoto.
Ông David Hajime Kornhauser, Giám đốc truyền thông toàn cầu của Đại học Kyoto, cho biết: “Trường đại học chúng tôi có truyền thống lâu đời là chống chủ nghĩa độc tài. Vì vậy, nguồn gốc của truyền thống tự do mặc trang phục tốt nghiệp này đã có từ rất lâu, mặc dù trường đại học chính thức không dung thứ cho điều đó”.
“Bản thân tôi cũng không mặc áo choàng tốt nghiệp trong lễ tốt nghiệp của mình ở Mỹ. Vì vậy, đối với tôi, đây thực sự là một điều khá tự nhiên. Nói cách khác, chúng tôi tôn trọng sở thích cá nhân của sinh viên. Mọi người có thể tuỳ ý mặc theo kiểu truyền thống hoặc lựa chọn trở nên khác biệt để thể hiện cá tính của bản thân”.
“Có vẻ như trong một thời gian dài, sinh viên tại trường đã lựa chọn hoá thân thành bất cứ thứ gì họ muốn. Nhưng thực ra những trường hợp này cũng không chiếm số lượng lớn, thường là dưới 10%. Những sinh viên này thường trở nên nổi bật vì họ chủ ý ngồi lên hàng ghế phía trước. Vì vậy, trông giống như có rất nhiều người làm điều này, nhưng thực ra chỉ có những người ngồi hàng ghế đầu là như vậy. Ở phía sau đại đa số những sinh viên tốt nghiệp đều chủ yếu lựa chọn lễ phục truyền thống”, ông David cho hay.
Bình luận về truyền thống độc đáo này, bà Yanislava Goncharenko, Giám đốc Marketing tại Đại học Kinh tế Quốc dân Odessa, cho biết nó tạo cơ hội tốt giúp sinh viên thể hiện bản thân, thể hiện cá tính và trí tưởng tượng của họ. Nó không chỉ là tự thể hiện cá tính của sinh viên tốt nghiệp, mà còn giúp thu hút sự chú ý của công chúng, từ đó góp phần quảng bá thương hiệu độc đáo của trường đại học trên thị trường dịch vụ giáo dục với tư cách là một tổ chức giáo dục khuyến khích sinh viên thể hiện tư duy độc đáo và sáng tạo của mình.
“Cách tiếp cận sư phạm như vậy chắc chắn là rất thành công, cả về mặt giáo dục cũng như về mặt tạo ra một hình ảnh phi tiêu chuẩn về trường đại học, nơi có truyền thống được cả thế giới biết đến”, bà Yanislava Goncharenko nói.
Vào năm 2011, các nhà quản lý của Đại học Kyoto đã cố gắng kết thúc truyền thống này bằng cách chính thức cảnh báo những sinh viên tốt nghiệp tương lai rằng chỉ những trang phục truyền thống hoặc dân gian mới được phép khi tham dự buổi lễ. Kết quả là thông báo này đã phải hứng chịu sự phẫn nộ lớn của đông đảo quần chúng – không chỉ ở riêng Kyoto, mà trên khắp Nhật Bản – khiến sự quan tâm đến trường đại học giảm mạnh. Sau vài năm cố gắng thiết quân luật nhưng không thành, mọi thứ lại trở lại như cũ và thậm chí còn sáng tạo hơn.
“Chủ tịch và các giám đốc điều hành hàng đầu của Kyoto đều từng là sinh viên tốt nghiệp của trường, bởi vậy họ thường có sự đồng điệu và thấu hiểu cảm giác của sinh viên hơn là ban quản lý trường học”, ông David Hajime Kornhauser giải thích.
Đại học Kyoto được thành lập vào năm 1897 và là trường đại học lâu đời thứ hai ở châu Á. Dù có bề dày lịch sử lâu đời nhưng Kyoto không ngại thách thức các xu hướng truyền thống đã được thiết lập từ lâu. Cách tiếp cận như vậy hoàn toàn hợp lý bởi xét cho cùng, chính sự phá cách táo bạo này đã giúp trường đào tạo ra những nhân vật có sức sáng tạo kiệt xuất cho nhân loại, chẳng hạn như Yoshino Akira – người đã phát minh ra pin li-ion cho điện thoại thông minh và đoạt giải Nobel hoá học năm 2019 hay nhà văn nổi tiếng Nhật Bản Takakura Teru,…
Dưới đây là tuyển tập những bộ trang phục đẹp nhất, sáng tạo nhất và hài hước nhất từ các lễ tốt nghiệp của Đại học Kyoto trong những năm qua.
Phương Thảo(Nguồn: Boredpanda)
Bổ ích
Xúc động
Sáng tạo
Độc đáo