Sau 36 giờ tranh luận tại Brussels, các nhà đàm phán đã đưa ra những quy tắc về cách sử dụng AI ở châu Âu, điều mà họ gọi là “Đạo luật AI” và cho rằng nó sẽ không ảnh hưởng đến sự phát triển của lĩnh vực này.
Ủy viên thị trường nội bộ của EU, Thierry Breton, tuyên bố: “Lịch sử! Với thỏa thuận chính trị về Đạo luật AI được ký kết ngày hôm nay, EU trở thành lục địa đầu tiên đặt ra các quy tắc rõ ràng về việc sử dụng AI”.
Ông nói thêm: “Đạo luật AI không chỉ là một cuốn sách quy tắc – nó là bệ phóng cho các công ty khởi nghiệp và nhà nghiên cứu ở EU dẫn đầu cuộc đua toàn cầu về AI đáng tin cậy”.
Như vậy, “Đạo luật AI” của EU đã gấp rút được thống nhất, cũng nhanh như sự bùng nổ với tốc độ chóng mặt của các mô hình AI như chatbot ChatGPT kể từ cuối năm 2022.
Mặc dù thừa nhận sự tiến bộ và hữu ích của các mô hình AI, song các nhà phê bình vẫn lo ngại về việc công nghệ này có thể dễ dàng bị lạm dụng nhằm phục vụ cho các mục đích xấu.
Ủy ban châu Âu lần đầu đề xuất luật này vào năm 2021. Nó vẫn cần phải được các quốc gia thành viên chính thức thông qua, nhưng thỏa thuận chính trị hôm thứ Sáu được coi là rào cản đáng kể cuối cùng.
“Đạo luật AI là đạo luật đầu tiên trên toàn cầu. Một khung pháp lý duy nhất để phát triển AI mà bạn có thể tin tưởng”, Chủ tịch Ủy ban châu Âu, bà Ursula von der Leyen, cho biết và hoan nghênh thỏa thuận này.
Bên cạnh EU, các quốc gia và khu vực khác cũng đã và đang gấp rút ban hành các điều luật hoặc quy định về sử dụng AI. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ban hành lệnh hành pháp về các tiêu chuẩn an toàn AI vào tháng 10. Trung Quốc cũng đã đưa ra các quy định cụ thể về AI vào tháng 8 năm nay.
Theo Đạo luật AI, EU sẽ giám sát và xử phạt những người vi phạm thông qua một cơ quan mới gọi là Văn phòng AI. Cơ quan này sẽ có quyền đưa ra mức phạt trị giá 7% doanh thu của công ty hoặc 35 triệu euro, tùy theo mức nào lớn hơn.
Hoàng Hải (theo AFP, Reuters, AP)