Trong cả bản tài liệu “Tuyệt đối bí mật” dài 3 trang (được chỉnh sửa, cân nhắc từng câu từ trong 4 năm cuối đời), Bác không nói nhiều về mình, mà dành để nói về Đảng, về dân, về thế hệ cách mạng kế cận, về tương lai của Tổ quốc… Mỗi câu, mỗi chữ không chỉ là lời căn dặn cuối đời, mà còn là sự đúc kết một tư tưởng lớn, một tấm lòng yêu nước thương dân sâu nặng.
Bác nhấn mạnh “Trước hết nói về Đảng”, quan tâm bậc nhất đến vai trò, vị trí và tính tiên phong của Đảng cầm quyền, một chính Đảng cần phải lấy đạo đức cách mạng làm nền tảng, có nhiệm vụ làm cho dân giàu nước mạnh; người đảng viên luôn xác định phải trung thành, tận tụy phục vụ đất nước, phục vụ Đảng, phục vụ Nhân dân. Trong chính Đảng ấy, phải có “đoàn kết”, “tự phê bình và phê bình”, “đạo đức cách mạng”, “kế hoạch nâng cao đời sống Nhân dân”.
Trong những lời cuối cùng để lại, Người quan tâm từng chi tiết tới người dân của các tầng lớp xã hội, nhắc công việc cụ thể đối với người có công trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, cho đến nạn nhân của xã hội cũ. Đó không chỉ là niềm tin vững chắc, sự khẳng định về thắng lợi cuối cùng của một dân tộc anh hùng đấu tranh vì chính nghĩa, mà còn là tấm lòng đôn hậu, bao dung, tình thương yêu con người vô bờ bến. Nhà sử học Helen Tourmel đã viết: “Hình ảnh của Hồ Chí Minh đã hoàn chỉnh với sự kết hợp giữa đạo đức khôn ngoan của Phật, lòng bác ái của Chúa, triết học của Các Mác, thiên tài cách mạng của Lê-nin và tình cảm của một người chủ gia tộc”.
Hơn nửa thế kỷ trôi qua, Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành “bảo vật quốc gia”, là kim chỉ nam soi đường cho toàn Đảng, toàn dân ta trên con đường dựng xây đất nước. Trong từng giai đoạn lịch sử, Di chúc luôn là cội nguồn tinh thần, là ngọn đuốc dẫn lối để Đảng ta vững vàng trong vai trò cầm quyền, để Nhân dân ta tin tưởng, đoàn kết và không ngừng vươn lên. Theo tâm nguyện của Người, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân An Giang luôn phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, nêu cao ý chí tự lực, tự cường, khát vọng phát triển, đạt nhiều thành tích vẻ vang trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện luôn được tỉnh đặt biệt quan tâm, trở thành nhiệm vụ then chốt trong toàn Đảng bộ. ThS Nguyễn Xuân Mỹ (Trường Chính trị Tôn Đức Thắng) đúc kết: “Để đưa An Giang sớm vượt qua khó khăn, Đảng đã đề ra chiến lược, nghị quyết và định hướng chủ trương, chính sách lớn để phát triển đúng đắn trong từng thời kỳ nhất định. Đảng lãnh đạo bằng công tác tuyên truyền, thuyết phục, vận động các tổ chức trong hệ thống chính trị và cả xã hội nhận thức, ủng hộ, tích cực thực hiện đường lối của Đảng. Đảng lãnh đạo thông qua các tổ chức đảng và vai trò tiên phong, gương mẫu của đội ngũ đảng viên trong kháng chiến và trong hòa bình xây dựng địa phương…”.
TS Nguyễn Văn Giàu (nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội) sinh ra từ vùng đất Cù lao Giêng (huyện Chợ Mới), công tác ở An Giang gần 20 năm trước khi về Trung ương. Ông bày tỏ: “Ký ức lưu lại mãi trong tôi với tấm lòng khâm phục và đầy ngưỡng mộ. Đó là lãnh đạo tỉnh An Giang qua các thời kỳ có nhiều quyết sách sáng tạo, mang tính đột phá, mở đường. Sáng tạo, quyết sách táo bạo đó không những thành công ở An Giang, cho người dân, doanh nghiệp ở An Giang, mà những thành công đó được bộ, ngành Trung ương tổng kết và hình thành chính sách mới áp dụng, triển khai trong phạm vi cả nước. Đó là chính sách giao đất cho người trực tiếp sản xuất; chuyển đổi đất trồng lúa 1 vụ năng suất thấp, rủi ro cao thành lúa 2 vụ năng suất cao; triển khai hệ thống thủy lợi đã chuyển nhiều vùng đất nhiễm phèn nặng, hoang hóa thành vùng đất màu mỡ, trù phú ở vùng Tứ giác Long Xuyên; chính sách tôn nền, làm nhà ở vượt lũ cho người dân đến năm 2000 đã cơ bản chấm dứt rủi ro tính mạng con người trong mùa nước nổi…”.
Thực hiện tâm nguyện “đảng anh em và các nước anh em nhất định sẽ phải đoàn kết lại” của Bác Hồ, quân dân An Giang một lòng chiến đấu bảo vệ quê hương trong chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc, tham gia thực hiện nghĩa vụ quốc tế giúp đất nước Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng. Tình cảm quốc tế trong sáng, cao cả đã được lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ Campuchia khẳng định nhiều lần: “Nếu không có ngày 7/1/1979, Nhân dân Campuchia chúng tôi cũng không thể có được những gì trong ngày hôm nay. Đây là chân lý lịch sử không một thế lực phản động nào có thể phủ nhận”; “Không có sự giúp đỡ của Việt Nam thì Campuchia không có ngày nay, dứt khoát là thế”.
“Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới” - Bác gửi lại cho đời sau. Việt Nam nói chung, An Giang nói riêng vẫn đang từng ngày ghi nhớ, tích cóp thành tựu để ước mong của Người trở thành hiện thực bền vững.
VẠN LỘC
Nguồn: https://baoangiang.com.vn/loi-bac-dan-truoc-luc-di-xa-a420948.html
Bình luận (0)