Xã Vân Thủy, huyện Chi Lăng nếu trước đây còn diện tích đất trống thì đến nay đã được phủ bằng màu xanh của các loại cây keo, thông, hồi... Ông Kiềm Văn Sương, thôn Bản Dù, xã Vân Thủy chia sẻ: Trước kia cứ chờ có dự án hỗ trợ giống, phân bón, kỹ thuật thì mới dám trồng, nhưng vài năm trở lại đây, tôi thấy rừng cho thu nhập ổn định nên đã tự đầu tư trồng, chăm sóc. Như năm 2023, gia đình tôi khai thác gỗ thông với tổng gần 1.000 cây, giá trị đạt khoảng 400 triệu đồng. Sau khi khai thác, tôi tiếp tục đầu tư cây giống, phân bón để trồng và chăm sóc bạch đàn với diện tích hơn 3 ha. Nhờ được chú trọng chăm sóc, hiện cây đang trong quá trình sinh trưởng, phát triển tốt.
Cùng với ông Sương, người dân trên địa bàn xã Vân Thủy cũng đã tích cực, chủ động trồng rừng. Ông Linh Đức Tiến, Chủ tịch UBND xã Vân Thủy cho biết: Toàn xã hiện có trên 2.000 ha rừng trồng thông, keo, bạch đàn... trong đó, có trên 1.500 ha rừng trồng đã thành rừng, đem lại hiệu quả kinh tế từ 100 – 200 triệu đồng/hộ/năm. Đây là kết quả của quá trình tuyên truyền, vận động và đặc biệt là nhờ người dân nhận ra rằng trồng rừng là con đường làm giàu bền vững.
Không chỉ người dân xã Vân Thủy, phong trào xã hội hóa trồng rừng đã lan rộng khắp các nơi trên địa bàn tỉnh. Điều đáng mừng là trong quá trình chuyển biến ấy, người dân không còn là “người đi sau”, mà đã trở thành chủ thể quyết định. Bà con chủ động tìm giống, học hỏi kỹ thuật, liên kết sản xuất để bao tiêu sản phẩm.
Bên cạnh người dân, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực lâm nghiệp cũng thể hiện vai trò tích cực trong quá trình xã hội hóa. Tiêu biểu như Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Lộc Bình, hiện đang quản lý và khai thác khoảng 4.300 ha rừng, trong đó, có khoảng 2.500 ha rừng sản xuất. Bình quân một năm, công ty trồng mới 250 ha rừng (chủ yếu là cây keo, thông, bạch đàn). Đồng thời, hằng năm, công ty thuê khoán người dân thực hiện trồng, chăm sóc rừng với diện tích 800 ha.
Theo số liệu của Chi cục Kiểm lâm, hằng năm, chỉ tiêu trồng rừng trên địa bàn tỉnh là 9.000 ha, trung bình mỗi năm, nguồn vốn Nhà nước hỗ trợ cho trồng rừng thấp. Vì vậy, để hoàn thành mục tiêu phát triển rừng, chi cục đã tham mưu Sở Nông nghiệp và Môi trường tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các huyện, thành phố chủ động nguồn kinh phí hỗ trợ trồng rừng, đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong bảo vệ và phát triển rừng.
Nhờ đó, trung bình mỗi năm, toàn tỉnh trồng mới trên 9.000 ha rừng, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Riêng năm 2024, toàn tỉnh trồng mới trên 9.700 ha rừng, trong đó, hơn 9.200 ha rừng trồng mới từ nguồn xã hội hóa do các công ty, doanh nghiệp, người dân đầu tư. Từ đầu năm 2025 đến nay, toàn tỉnh trồng mới khoảng 3.500 ha rừng. Diện tích đất có rừng tăng qua các năm, từ 518.766,49 ha năm 2020 lên 580.280,41 ha năm 2024, độ che phủ rừng đạt 64,1% năm 2024.
Từ việc phát triển rừng đã góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống người dân, trung bình 1 ha rừng gỗ nhỏ chu kỳ từ 5 – 7 năm cho giá trị từ 150 – 200 triệu đồng, 1 ha rừng gỗ lớn từ 12 năm trở lên đạt 350 triệu đồng. Năm 2024, giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt hơn 4.000 tỷ đồng, đạt kế hoạch đề ra.
Bà Nguyễn Thị Kim Loan, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm cho biết: Chuyển biến rõ nét trong xã hội hóa trồng rừng là minh chứng cho sự thay đổi tích cực trong nhận thức của người dân. Thời gian tới, đơn vị tiếp tục phối hợp với UBND các huyện, thành phố tuyên truyền về quản lý bảo vệ và phát triển rừng, thúc đẩy xã hội hóa trồng rừng, đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào quản lý rừng, xây dựng các mô hình trồng rừng gắn với chuỗi giá trị nhằm nâng cao thu nhập cho người dân.
Xã hội hóa trồng rừng đã thực sự “bén rễ” từ lòng dân. Hiện nay, rừng là sinh kế, đem lại thu nhập cao cho bà con. Việc chủ động trồng, chăm sóc rừng góp phần quan trọng hoàn thành các chỉ tiêu trồng rừng và phát triển kinh tế lâm nghiệp theo hướng bền vững.
Nguồn: https://baolangson.vn/mam-xanh-tu-long-dan-5047666.html
Bình luận (0)