Tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội nghe tờ trình về chủ trương miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân. Theo nội dung tờ trình, dự kiến thời gian trình thông qua, ban hành nghị quyết tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV và áp dụng chính sách từ năm học 2025-2026.
Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn, theo số liệu thống kê năm học 2023-2024, hiện cả nước có 23,2 triệu học sinh (trong đó có 21,5 triệu học sinh công lập, chiếm 93%; 1,7 triệu học sinh ngoài công lập, chiếm 7%). Về kinh phí, để thực hiện miễn học phí và hỗ trợ học phí từ năm học 2025-2026 cho các đối tượng theo dự thảo nghị quyết ước tính khoảng 31,4 ngàn tỷ đồng/năm học.
Tham gia thảo luận về nội dung này, đa số đại biểu Quốc hội cho rằng, dự thảo nghị quyết liên quan đến miễn, hỗ trợ học phí có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện trách nhiệm chính trị và xã hội to lớn của Nhà nước đối với thế hệ trẻ và tương lai của đất nước. Đây là một bước tiến lớn, không chỉ về mặt giáo dục, mà còn là thông điệp chính sách xã hội rõ ràng là giảm gánh nặng cho gia đình, khuyến khích sinh con, nuôi con và đến trường một cách bình đẳng.
Quyết sách của Bộ Chính trị về miễn học phí không chỉ mang lại niềm vui cho hàng triệu gia đình mà còn đánh dấu một bước tiến quan trọng trong lĩnh vực giáo dục. Chủ trương này bám sát xu hướng phát triển của thời đại, thể hiện tầm nhìn kiến tạo tương lai, tư tưởng nhân văn vì con người của những người đứng đầu Đảng và Nhà nước. Một chủ trương phù hợp với xu thế phát triển của nền kinh tế tri thức và một bước tiến quan trọng trong việc đảm bảo quyền được giáo dục cơ bản cho mọi trẻ em.
Theo đại biểu, để chính sách phát huy hiệu quả, đại biểu đề nghị cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về nguồn lực tài chính, đảm bảo chất lượng giáo dục không bị ảnh hưởng khi nguồn thu học phí không còn. Đồng thời, việc phân bổ ngân sách cần hợp lý để các trường công lập tiếp tục nâng cao cơ sở vật chất, chất lượng giảng dạy, và chế độ đãi ngộ cho giáo viên.
Ngoài ra, đại biểu đề nghị cần có cơ chế kiểm soát các khoản thu khác khi áp dụng miễn học phí, tránh miễn một khoản chính thức nhưng lại phát sinh nhiều khoản khác, kể cả trên tinh thần tự nguyện của phụ huynh học sinh, như vậy mới đảm bảo học sinh được hưởng chính sách thực chất. Thực tế hiện nay có nhiều trường có thêm nhiều khoản thu như tiền đồng phục, tiền học thêm, kỹ năng mềm, bán trú… Nếu không kiểm soát, chính sách miễn học phí có thể bị “loãng” về hiệu quả.
Đại biểu đề nghị, cần có cơ chế kiểm soát chặt chẽ các khoản thu ngoài học phí, công khai, minh bạch và có sự giám sát của phụ huynh, HĐND các cấp, tránh tình trạng “miễn học phí nhưng tăng thu khác”. Thiết lập đường dây nóng, cổng thông tin phản ánh vi phạm chính sách để Nhân dân giám sát.
AN NHIÊN
Nguồn: https://baovinhlong.com.vn/thoi-su/thoi-su-goc-nhin/202505/mien-hoc-phi-cung-can-han-che-cac-khoan-thu-khac-c8803c5/
Bình luận (0)