Hệ sinh thái ngân hàng ngày càng mở rộng
Nhiều ngân hàng đã lần lượt tuyên bố hoạt động theo mô hình tập đoàn tài chính - ngân hàng và hiện vẫn chưa dừng mở rộng hệ sinh thái của mình.
Năm 2025, một ngân hàng vừa lên kế hoạch lập công ty về bảo hiểm nhân thọ có vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng và góp vốn, mua cổ phần một công ty quản lý quỹ để hoàn thiện hệ sinh thái của mình. Hiện mô hình tập đoàn của ngân hàng này có 4 thành viên chính, gồm ngân hàng mẹ, công ty tài chính tiêu dùng, công ty chứng khoán và công ty bảo hiểm phi nhân thọ.
Lãnh đạo ngân hàng này khẳng định, việc mở rộng hệ sinh thái sang công ty bảo hiểm nhân thọ và quản lý quỹ là bước đi nhằm hoàn thiện hệ sinh thái dịch vụ tài chính đa dạng của Ngân hàng trong giai đoạn phát triển mới, hoàn thiện mảnh ghép trong mô hình tập đoàn tài chính đa ngành.
Với MB, sau nhận chuyển giao bắt buộc OceanBank và biến ngân hàng này thành công ty con MBV, hệ sinh thái của MB có 9 thành viên gồm 3 ngân hàng (MB, MBCambodia, MBV) và 6 công ty thành viên (MBS-chứng khoán, MBCapital-quản lý quỹ đầu tư, MIC-bảo hiểm, MB Ageas-bảo hiểm nhân thọ, MBAMC-quản lý nợ và khai thác tài sản, Mcredit-tài chính tiêu dùng).
Ông Lưu Trung Thái, Chủ tịch HĐQT MB cho biết, MB đang là tập đoàn tài chính dẫn đầu khi có đầy đủ công ty thành viên trong các lĩnh vực khác nhau. Cấu trúc này giúp MB phát triển hệ sinh thái đầy đủ, hướng tới tập đoàn tài chính dẫn đầu thị trường.
Một số ngân hàng tuy không tuyên bố hoạt động theo mô hình tập đoàn, song lại nằm trong hệ sinh thái chằng chịt với các tập đoàn bất động sản sân sau. Đồng thời, các ngân hàng vẫn liên tục lên kế hoạch mở rộng hệ sinh thái. Năm nay, MSB, SeABank, Sacombank cho biết muốn mua lại công ty chứng khoán; Techcombank công bố ý định lập công ty bảo hiểm nhân thọ vốn ít nhất 1.300 tỷ đồng.
Lợi ích và thách thức
Trong hàng chục thập kỷ qua, các ngân hàng Việt tăng trưởng chủ yếu nhờ vào nghiệp vụ ngân hàng thương mại (chủ yếu là cho vay). Song với việc NIM (biên lãi thuần) khó tăng mạnh và cạnh tranh cho vay ngày càng gay gắt, động lực tăng trưởng của các ngân hàng thời gian tới là mảng ngân hàng đầu tư (quản lý gia sản, chứng khoán, bảo hiểm, tư vấn mua bán - sáp nhập…) và dịch vụ. Đây cũng là lý do khiến cuộc đua trở thành mô hình tập đoàn tài chính đa ngành ngày càng sôi động.
Trong bối cảnh số hóa mạnh mẽ, việc đa dạng hóa hệ sinh thái, “một cổng” để phục vụ đa tiện ích cho khách hàng là vũ khí cạnh tranh của các ngân hàng. Ngân hàng có hệ sinh thái nghèo nàn khó giữ được chân khách hàng. TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng của BIDV cho rằng, xu hướng này đã hình thành rất lâu ở các nền kinh tế phát triển và Việt Nam khó tránh xu thế này.
Cùng với sự hỗ trợ của công nghệ, đặc biệt là dữ liệu lớn (Big Data) và trí tuệ nhân tạo (AI), hoạt động theo mô hình tập đoàn giúp các nhà băng tăng cường bán chéo, tung ra các sản phẩm phù hợp với đặc điểm từng khách hàng, giảm thiểu rủi ro, đa dạng hóa doanh thu. Sở hữu hệ sinh thái giúp ngân hàng cung cấp toàn diện giải pháp tài chính cho khách hàng, từ đầu tư đến tiết kiệm, quản lý tài chính, vay vốn…, từ đó vừa tối ưu hóa lợi nhuận, vừa tăng tiện ích cho khách hàng, vừa tăng tính cạnh tranh.
Tuy vậy, thực tế, rất nhiều ngân hàng, khi tận dụng hệ sinh thái đa dạng theo mô hình tập đoàn, đang lập lờ trong cung cấp và thông tin sản phẩm với khách hàng. Nhiều ngân hàng tung ra sản phẩm “sinh lời tự động” với lãi suất hấp dẫn cho khách hàng. Tuy nhiên, trong truyền thông, họ đang gây hiểu nhầm là khách hàng gửi tiết kiệm, chứ không phải đầu tư. Thực chất, khi tham gia sản phẩm này, khách hàng ký hợp đồng với công ty chứng khoán (công ty con của ngân hàng), hoặc công ty quản lý tài sản (đối tác của ngân hàng), chứ không phải ký hợp đồng gửi tiền vào ngân hàng.
Tương tự, một số ngân hàng chào bán trái phiếu, song khiến nhiều người hiểu nhầm là sản phẩm tiết kiệm.
Bài học từ bảo hiểm đội lốt đầu tư của SCB và một số ngân hàng thương mại cho thấy, nếu không có quy định chặt chẽ về sản phẩm ngân hàng đầu tư và ngân hàng thương mại, rất có thể có nhiều tranh chấp nảy sinh sau này. Thậm chí, một số kẽ hở có thể trở thành một “ổ mối” đánh sập cả con đê.
Đặc biệt, tình trạng ngân hàng nằm trong hệ sinh thái tập đoàn bất động sản càng đáng lo hơn, gắn với sự phức tạp về sở hữu chéo. Dù Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 đã siết chặt các quy định để chống sở hữu chéo, song Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thừa nhận, nếu cổ đông và người liên quan cố tình che giấu thông qua “đứng tên hộ”, NHNN rất khó kiểm soát.
Nguồn: https://baodautu.vn/mo-hinh-tap-doan-tai-chinh-cua-nhieu-ngan-hang-thuong-mai-vu-khi-canh-tranh-con-trong-phap-ly-d283313.html
Bình luận (0)