Gia cố tạm thời để hạn chế tình trạng sạt lở, xâm thực tại bờ biển xã Hoằng Tiến.
Một trong những thành quả nổi bật nhất của đề án là việc xây dựng được hệ thống lực lượng PCTT quy mô lớn với 186.583 người tham gia, trong đó chủ yếu là lực lượng quân sự, biên phòng, công an, dân quân tự vệ và lực lượng xung kích PCTT. Đặc biệt, ngay sau khi Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT ban hành Quyết định số 08/QĐ-TWPCTT ngày 27/3/2020 hướng dẫn xây dựng và củng cố đội xung kích PCTT cấp xã, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Sở Nông nghiệp và Môi trường) đã tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo thành lập các đội xung kích PCTT ở tất cả các xã, phường, thị trấn. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đang duy trì hoạt động của 547 đội xung kích PCTT cấp xã, với 50.001 người tham gia. Đây chính là lực lượng nòng cốt tại chỗ, sẵn sàng ứng phó ngay khi có tình huống thiên tai xảy ra, tạo nên một mạng lưới phòng thủ chặt chẽ từ tỉnh đến cơ sở.
Nhằm nâng cao chất lượng cho lực lượng này, các đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp và Môi trường đã tổ chức các lớp tập huấn, huấn luyện các lực lượng làm công tác PCTT. Tính riêng năm 2024, Chi cục Phát triển nông thôn đã tổ chức 6 lớp tập huấn với 338 học viên tham gia; Chi cục Kiểm lâm thực hiện 1.234 hội nghị tuyên truyền tại các thôn, bản với 15.189 lượt người tham gia, đồng thời duy trì hoạt động của 1.833 tổ tuyên truyền bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng; Chi cục Thủy lợi tập huấn diễn tập nghiệp vụ xử lý đê giờ đầu cho 3.688 người thuộc lực lượng canh đê, xung kích hộ đê, giúp nâng cao kỹ năng thực chiến cho đội ngũ này.
Hiệu quả của đề án được thể hiện rõ nét qua khả năng ứng phó với thiên tai trong thực tế. Trong giai đoạn từ đầu năm 2021 đến tháng 6/2025, tỉnh Thanh Hóa phải đối mặt với 114 trận thiên tai (gồm 9 cơn bão, 31 trận mưa lớn, 27 trận giông lốc sét, cùng nhiều loại thiên tai khác). Mặc dù thiệt hại không thể tránh khỏi với ước tính khoảng 2.151 tỷ đồng, nhưng nhờ hệ thống ứng phó được xây dựng từ đề án, tỉnh Thanh Hóa đã kịp thời triển khai nhiều biện pháp hiệu quả như đảm bảo an toàn công trình đê điều, thủy lợi, thu hoạch khẩn cấp nông sản theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng”, hướng dẫn neo đậu tàu thuyền an toàn và tiêu nước chống úng, bảo vệ sản xuất nông nghiệp...
Tuy đạt được nhiều kết quả tích cực, song việc triển khai thực hiện đề án vẫn còn những hạn chế như: Nhận thức, kỹ năng PCTT của cộng đồng ở một số nơi còn hạn chế; công tác khắc phục hậu quả ở một số địa phương còn chậm; công tác phối hợp, hiệp đồng giữa các đơn vị, địa phương đôi khi chưa đồng bộ, thống nhất, hiệu quả chưa cao, nhất là đối với vùng sâu, vùng xa; cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện bảo đảm cho các lực lượng tham gia thực hiện nhiệm vụ còn thiếu, lạc hậu, chưa đáp ứng được yêu cầu tình hình hiện nay.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả trong giai đoạn tới, Sở Nông nghiệp và Môi trường đã đề xuất một số giải pháp trọng tâm, bao gồm tăng nguồn vốn ngân sách hằng năm để thực hiện các dự án xây dựng, nâng cấp, tu bổ các công trình PCTT (đê điều, hồ đập). Nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai; đặc biệt là cảnh báo sớm các loại thiên tai xảy ra nhanh, bất ngờ như lũ quét, sạt lở đất. Cấp các trang thiết bị phục vụ công tác PCTT, tìm kiếm cứu nạn chuyên dụng, đặc biệt là các phương tiện phục vụ công tác đảm bảo an toàn tàu thuyền khu vực ven biển... Qua đó, góp phần quan trọng giảm thiểu thiệt hại, bảo vệ tính mạng và tài sản của Nhân dân, đồng thời góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Bài và ảnh: Ngân Hà
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/nang-cao-nang-luc-phong-thu-dan-su-nbsp-nhung-ket-qua-dang-ghi-nhan-254725.htm
Bình luận (0)