Với tổng vốn đầu tư hơn 4.815 tỷ đồng, dự án Quản lý nguồn nước và ngập lụt tỉnh Vĩnh Phúc đến nay cơ bản đã hoàn thành các hạng mục. Một số công trình thuộc dự án sau khi đưa vào vận hành thử nghiệm đã góp phần nâng cao hiệu quả tiêu thoát nước, giảm thiểu nguy cơ ngập úng tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh.
Hệ thống máy bơm hiện đại tại Trạm bơm tiêu Nguyệt Đức - Yên Phương, thuộc dự án Quản lý nguồn nước và ngập lụt tỉnh vận hành hiệu quả, giảm thiểu tình trạng ngập úng trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Nguyễn Lượng
Dự án Quản lý nguồn nước và ngập lụt Vĩnh Phúc là dự án trọng điểm của tỉnh với mục tiêu tăng cường khả năng chống lũ, chống ngập úng, giảm thiểu tác động do thiên tai; kiểm soát nguy cơ ngập lụt thông qua việc điều tiết lũ, đồng thời tăng khả năng tiêu thoát, tích trữ nước và điều hòa cho hệ thống sông Phan, sông Cà Lồ.
Dự án góp phần cải tạo môi trường sinh thái và hình thành các hồ điều hòa, phù hợp với quy hoạch chung xây dựng đô thị Vĩnh Phúc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Dự án Quản lý nguồn nước và ngập lụt có tổng mức đầu tư hơn 4.815 tỷ đồng, trong đó, vốn vay từ Ngân hàng Thế giới 2.896,6 tỷ đồng, vốn đối ứng của tỉnh hơn 1.922 tỷ đồng; tỷ lệ giải ngân dự án đến hết tháng 6/2024 là 3.911 tỷ đồng, trong đó, tỷ lệ giải ngân vốn đối ứng của tỉnh là 1.679 tỷ đồng (đạt 87,3%).
Dự án được triển khai với 3 hợp phần gồm quản lý ngập lụt; quản lý chất lượng nguồn nước; hỗ trợ thực hiện, tăng cường thể chế và hỗ trợ kỹ thuật.
Trong đó, hợp phần 1 của dự án bao gồm xây dựng hệ thống các trạm bơm tiêu Kim Xá, Ngũ Kiên, Nguyệt Đức - Yên Phương và hệ thống kênh hút, kênh xả, cấp điện; nạo vét 4 sông huyện Bình Xuyên, xây dựng điều tiết Cầu Tôn, Cầu Sắt và bãi đổ bùn Đồng Mong.
Hợp phần 2 bao gồm hệ thống thu gom, xử lý nước thải tại 3 thị trấn: Tam Hồng (Yên Lạc), Thổ Tang (Vĩnh Tường) và Hương Canh (Bình Xuyên); 14 điểm xử lý nước thải phân tán tại các khu đông dân cư dọc sông Phan.
Theo thông tin từ Ban Quản lý dự án sử dụng vốn vay nước ngoài (VPMO), chủ đầu tư dự án, các hạng mục hợp phần 1 và hợp phần 2 của dự án cơ bản đã hoàn thành, các công trình đang trong quá trình vận hành thử nghiệm để nghiệm thu, bàn giao công trình.
Hợp phần 3 dự án gồm các phần việc: Hỗ trợ thực hiện dự án; dịch vụ tư vấn; hỗ trợ đấu thầu; giám sát thi công; giám sát môi trường; giám sát và đánh giá thực hiện dự án; sổ tay cảnh báo lũ sớm; thiết lập quy trình vận hành và quản lý nguồn nước theo lưu vực sông.
Hiện nay, hợp phần 3 của dự án chỉ còn 2 phần việc chưa hoàn thành là sổ tay cảnh báo lũ sớm và thiết lập quy trình vận hành, quản lý nguồn nước theo lưu vực sông đang trong quá trình thẩm tra, trình thẩm định phê duyệt.
Theo VPMO, quá trình vận hành thử nghiệm các công trình thuộc dự án Quản lý nguồn nước và ngập lụt cho thấy, khả năng chống lũ, ngập úng trong phạm vi hoạt động của dự án đạt khoảng 712 km2. Hiệu quả của dự án được kiểm chứng qua 2 cơn bão số 2 và số 3 trong năm 2024.
Với các trạm bơm tiêu đã đi vào vận hành thử nghiệm, từ đầu tháng 5 đến ngày 20/9, các công trình đã giúp tiêu thoát tổng lượng nước ra sông Hồng và sông Phó Đáy đạt gần 100 triệu m3, góp phần giảm thiểu nguy cơ ngập úng, đảm bảo ổn định cuộc sống, sản xuất kinh doanh cho người dân trên địa bàn tỉnh.
Ngoài tăng khả năng tiêu thoát nước, hệ thống công trình còn tích trữ thêm khoảng 7,5 triệu m3 nước điều hòa cho khu vực sông Phan và sông Cà Lồ, cải tạo môi trường sinh thái thông qua việc điều hòa nguồn nước và hệ thống thu gom, xử lý nước thải.
Đánh giá về chất lượng dự án, theo đại diện VPMO, dự án đã được Ngân hàng Thế giới đánh giá đạt được 4/5 chỉ số mục tiêu của dự án gồm: Tỉ lệ người dân được hưởng lợi trực tiếp từ dự án đạt 495,5 nghìn người/376 nghìn người theo yêu cầu; tỷ lệ nữ giới được hưởng lợi từ dự án đạt 50,1%/50% theo yêu cầu; tỉ lệ người được hưởng lợi từ quản lý ngập lụt đạt 395,5 nghìn người/255,1 nghìn người theo yêu cầu; tổng diện tích được bảo vệ khỏi ngập lụt bởi dự án là 712 km2, vượt 31,8% diện tích theo yêu cầu.
Hiện nay, chỉ còn tỉ lệ người được hưởng lợi từ xử lý nước thải của dự án mới đạt 100 nghìn người/120,9 nghìn người, chưa đạt theo yêu cầu.
Để nâng cao khả năng tiêu thoát nước, giảm thiểu nguy cơ ngập úng, góp phần cải thiện môi trường sinh thái của tỉnh theo hướng bền vững, VPMO đang phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan tiếp tục rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đôn đốc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ triển khai các hạng mục còn lại của dự án.
Hiện nay, VPMO đang tuyển tư vấn kiểm định độc lập để kiểm định chất lượng toàn bộ hệ thống công trình theo quy định trước khi nghiệm thu hoàn thành tổng thể các hạng mục công trình.
Trước mắt, để khắc phục một số sự cố đối với các công trình thuộc dự án bị hư hại sau bão số 3 vừa qua, VPMO đã thuê đơn vị tư vấn kiểm định chất lượng công trình độc lập, thuộc Viện Khoa học Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) đánh giá tổng thể các nội dung liên quan đến hư hại, xác định nguyên nhân, trách nhiệm của các bên liên quan, khuyến nghị giải pháp công trình phù hợp, đảm bảo dự án vận hành ổn định, bền vững, phát huy tối đa hiệu quả đầu tư.
Bên cạnh đó, VPMO giao nhà thầu khẩn trương khắc phục các sự cố công trình, đảm bảo chất lượng thi công theo đúng thiết kế, hoàn thiện công trình theo cam kết hợp đồng.
Theo kế hoạch, trong nửa đầu năm 2025, dự án Quản lý nguồn nước và ngập lụt tỉnh sẽ được hoàn thiện và bàn giao đưa vào sử dụng.
Hoàng Sơn
Nguồn: https://baovinhphuc.com.vn/Multimedia/Images/Id/117804/Nang-cao-nang-luc-tieu-thoat-nuoc-giam-thieu-nguy-co-ngap-ung
Bình luận (0)