Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Ngăn chặn tình trạng xây nhà trái phép lấn chiếm kênh Vách Bắc

Hơn 1 tháng qua, chính quyền xã Đô Thành (huyện Yên Thành), đã phải thành lập 2 tổ gồm công an, công chức xã giao 2 phó chủ tịch xã chỉ huy để ngăn chặn tình trạng xây nhà trái phép trên khu vực kênh Vách Bắc, 2 tổ này thay nhau trực suốt ngày đêm, mỗi ca 4-5 người, canh gác tại các vị trí người dân đã xây móng nhà và những điểm đang có nguy cơ tiếp tục xây nhà trái phép.

Báo Nghệ AnBáo Nghệ An23/05/2025

Túc trực suốt đêm để ngăn chặn

Động thái này diễn ra sau khi nhiều hộ dân lợi dụng giai đoạn xã chuẩn bị cho việc sáp nhập, đã ồ ạt xây nhà trái phép. Trên đoạn kênh này, hiện đã có đến 200 căn nhà trái phép, chưa kể 10 căn đang được rốt ráo hoàn thiện.

Kênh tiêu Vách Bắc được xây dựng từ năm 1976, dài hơn 20km, nối từ huyện Yên Thành, chảy xuống Lạch Vạn (huyện Diễn Châu) rồi đổ ra biển. Con kênh này có chức năng thoát lũ cho các xã vùng Tây Bắc Yên Thành và hơn 12.000ha đất sản xuất nông nghiệp của 2 huyện Diễn Châu và Yên Thành.

bna_91.jpg
Kênh Vách Bắc đoạn qua xã Đô Thành. Ảnh: Tiến Hùng

Ngày thường, con kênh này có lượng nước không lớn. Dòng kênh chỉ dữ tợn vào mùa mưa lũ, khi phải thoát lượng nước lớn từ thượng nguồn đổ xuống. Để bảo vệ hành lang mái đê và lòng kênh, sau khi được xây dựng, chính quyền và đơn vị quản lý, khai thác là Công ty TNHH MTV Thủy lợi Bắc Nghệ An đã phối hợp cam kết không cho người dân xây dựng nhà cửa trên khu vực bảo vệ kênh.

Tuy nhiên, do con đường chạy sát bên kênh là đường liên xã, nối từ QL1A rồi chạy qua xã Đô Thành, nối với nhiều xã của huyện Yên Thành có vị trí thuận lợi để buôn bán nên một số người dân muốn biến dải đất này thành đất ở và buôn bán.

Lãnh đạo xã Đô Thành cho hay, việc xây nhà trái phép bắt đầu từ những năm 1990, khi một số hộ dân trên địa bàn xã ra dựng lán ở dải đất ven kênh này để bán nước giải khát, sửa chữa xe đạp… theo kiểu tự phát. Hồ sơ còn lưu tại Công ty TNHH MTV Thủy lợi Bắc Nghệ An cũng cho thấy, từ năm 1992, công ty này đã có văn bản gửi UBND xã Đô Thành và UBND huyện Yên Thành phản ứng việc các hộ dân xây dựng công trình trái phép trên hành lang, trong lòng kênh Vách Bắc và đề nghị chính quyền địa phương phải khẩn trương can thiệp, chấn chỉnh.

bna_33.jpg
Một ngôi nhà vừa được đổ móng bên dòng kênh. Ảnh: Tiến Hùng

Thế nhưng, không những không ngăn chặn, UBND xã Đô Thành sau đó còn công khai bán một số diện tích đất thuộc hành lang bảo vệ và trong lòng kênh cho người dân trong xã. Từ đó, câu chuyện xây dựng nhà trái phép trên đất bảo vệ kênh Vách Bắc ở xã này trở nên phức tạp. Công ty TNHH MTV Thủy lợi Bắc Nghệ An đã nhiều lần “cầu cứu” lên huyện, tỉnh để can thiệp. Chính quyền xã, huyện và UBND tỉnh Nghệ An đã tổ chức rất nhiều cuộc họp xử lý nhưng những ngôi nhà kiên cố, khang trang vẫn tiếp tục mọc lên.

Năm 2020, UBND xã Đô Thành đã báo cáo lên huyện để xây dựng kế hoạch cưỡng chế 13 căn nhà vừa xây dựng trái phép trên mái kênh Vách Bắc. Trước khi tổ chức cưỡng chế, xã đã vận động các hộ dân này tự nguyện tháo dỡ công trình. Tuy nhiên, việc cưỡng chế không thành. Một lãnh đạo xã Đô Thành cho hay, việc cưỡng chế các căn nhà trái phép này mục đích chính là để răn đe và ngăn chặn những người khác đang có ý định xây trái phép, tuy nhiên, do khó khăn trong việc bố trí lực lượng cưỡng chế nên phải dừng lại.

bna_92.jpg
Thời gian gần đây, việc xây nhà diễn ra ồ ạt. Ảnh: Tiến Hùng

Xây nhà cấp tốc

Ông Luyện Xuân Huệ - Chủ tịch UBND xã Đô Thành cho hay, cái khó nhất trong việc ngăn chặn người dân xây nhà trái phép trên mái và lòng kênh Vách Bắc là trước đây xã đã “lỡ” bán đất cho khá nhiều người dân. Dải đất nằm sát kênh, bám đường liên xã này có vị trí rất thuận lợi để buôn bán, nên rất khó ngăn chặn.

“Họ xây vào ban đêm, rất nhanh. Chỉ cần tranh thủ vài ngày nghỉ là đã xong phần móng và sau đó lơ là một tí là họ xây xong nhà”, ông Huệ nói và cho hay, đến nay dọc theo bờ kênh này, đã có khoảng 200 hộ dân xây nhà trái phép, trong đó có nhiều căn nhà kiên cố, cho nên việc xử lý là vô cùng khó khăn. Các căn nhà này đều có mặt tiền nhà giáp đường liên xã, phía sau là lòng kênh Vách Bắc.

Ông Huệ cũng cho hay, gần đây, tranh thủ thời điểm sáp nhập xã và cuối nhiệm kỳ lãnh đạo xã, việc xây dựng trái phép lại tiếp diễn. Qua kiểm tra, chính quyền xã ghi nhận đã có hơn 10 căn nhà đã xây xong phần móng trên khu vực mái và lòng kênh Vách Bắc và đang sẵn sàng hoàn thiện trong nháy mắt.

bna_93.jpg
Một mảnh đất vừa được san lấp để chuẩn bị xây nhà. Ảnh: Tiến Hùng

“Đây là phần đất trước đó đơn vị quản lý kênh tiêu này giao cho một người dân quản lý để trồng keo, bảo vệ kênh. Tuy nhiên, nhiều ngôi nhà đã bất ngờ mọc lên trên diện tích này và nhiều nhà khác đã xây xong phần móng” - một người dân đã làm nhà sinh sống ở khu vực này cho biết, lô đất này được mua lại từ một người trong xã, giá 500 triệu đồng.

“Đất ở xã rất đắt đỏ, tôi cưới vợ, ra ở riêng, gia đình không mua được đất nên phải mua lại lô đất này và làm nhà, dù biết là trái phép nhưng không làm thì không biết ở đâu”, người này nói. Để ngăn chặn người dân xây nhà trái phép, hơn một tháng qua, chính quyền xã Đô Thành đã lập 2 tổ gồm công an, công chức xã giao 2 phó chủ tịch xã chỉ huy.

Năm 2017, UBND tỉnh Nghệ An đã giao UBND huyện Yên Thành và xã Đô Thành lập quy hoạch khu tái định cư để di dời hàng trăm căn nhà trái phép trên kênh tiêu này, tuy nhiên, Chủ tịch UBND xã Đô Thành cho hay, đến nay việc di dời này vẫn nằm trên giấy vì không có kinh phí để thực hiện và khó khăn trong việc xác định tính pháp lý các hộ dân này có thuộc diện được bồi thường để di dời hay không.

Mới đây, khi thực hiện giải phóng mặt bằng làm đường cao tốc Bắc - Nam, có 8 hộ dân xây nhà trái phép trên hành lang kênh vẫn được bồi thường với giá 12,5 triệu đồng/m2 và được hỗ trợ tài sản trên đất. Việc này tạo tiền lệ rất khó cho chính quyền sau này khi giải phóng mặt bằng vì người dân sẽ so sánh giá bồi thường.

Ngăn chặn đã khó, di dời hàng trăm hộ dân này càng khó hơn, khi quỹ đất của xã này khá hẹp trong khi xã có hơn 18.000 nhân khẩu. Được xây dựng trong điều kiện “chớp nhoáng”, nhiều căn nhà hiện đã xuống cấp.

“Để cho người dân làm mới hoặc sửa chữa, cơi nới thì xã phải chịu trách nhiệm. Nhưng không cho dân sửa cũng rất nguy hiểm vì không an toàn. Đường nào cũng khó”, ông Huệ thở dài./.

Nguồn: https://baonghean.vn/ngan-chan-tinh-trang-xay-nha-trai-phep-lan-chiem-kenh-vach-bac-10298032.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Hà Giang - vẻ đẹp níu chân người
Bãi biển 'vô cực' đẹp như tranh vẽ ở miền Trung, nổi rần rần trên mạng xã hội
 Đi theo bóng mặt trời
Đến Sapa đắm chìm trong thế giới hoa hồng

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm