Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Ngành ngân hàng “khát” nhân lực số

Trong kỷ nguyên công nghệ, chuyển đổi số không còn là lựa chọn mà là mệnh lệnh quyết định sự phát triển của các ngân hàng. Khi hầu hết giao dịch đều đã dịch chuyển lên...

Báo Lâm ĐồngBáo Lâm Đồng26/07/2025

Trong kỷ nguyên công nghệ, chuyển đổi số không còn là lựa chọn mà là mệnh lệnh quyết định sự phát triển của các ngân hàng. Khi hầu hết giao dịch đều đã dịch chuyển lên môi trường số thì “nguồn nhân lực số” đặc biệt là các chuyên gia công nghệ có kỹ năng tài chính lại trở thành mối quan tâm mới của các ngân hàng hiện nay.

Chuyển đổi số - "Khát" nhân lực số

Khoảng gần 10 năm trở lại đây, ngành ngân hàng Việt Nam chứng kiến sự bùng nổ chưa từng có về số hóa.

Theo Ngân hàng Nhà nước, đến cuối tháng 5/2025, tỷ lệ người trưởng thành có tài khoản ngân hàng tại Việt Nam đạt gần 87%, trong đó có đến 90% giao dịch của khách hàng được thực hiện qua kênh số. Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cũng cho thấy, hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng hiện xử lý bình quân khoảng 820 nghìn tỷ đồng mỗi ngày. Cùng lúc đó, hệ thống chuyển mạch tài chính, bù trừ điện tử (do NAPAS vận hành) ghi nhận hơn 26 triệu giao dịch/ngày. Giao dịch qua mã QR tăng 78% về số lượng và 216% về giá trị chỉ trong vòng 5 tháng đầu năm 2025.

Chương trình đối soát sinh trắc học tài khoản ngân hàng với dữ liệu dân cư quốc gia đã đạt mốc 113 triệu hồ sơ cá nhân. Điều này cho thấy hạ tầng kỹ thuật đang phát triển vượt bậc và dần tiệm cận chuẩn mực quốc tế. Tuy nhiên, chính tốc độ chuyển đổi mạnh mẽ này lại đặt ra yêu cầu gắt gao về nhân sự – đặc biệt là đội ngũ có hiểu biết chuyên sâu về công nghệ, dữ liệu, bảo mật và tài chính ngân hàng. Khi các dịch vụ tài chính trở nên số hóa toàn diện, thì ngân hàng cũng cần một lực lượng “banker công nghệ” nguồn nhân lực vừa hiểu công nghệ, vừa rành nghiệp vụ tài chính.

Ngành ngân hàng “khát” nhân lực số
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng nhận định: “Chưa bao giờ ngành ngân hàng khát nhân lực số như hiện nay.” Ông nhấn mạnh rằng, sự chuyển dịch từ giao dịch trực tiếp sang giao dịch số đã tạo ra một nhu cầu mới về nhân sự, những người không chỉ biết nghiệp vụ tín dụng, kế toán, kho quỹ mà còn phải làm chủ công nghệ, hiểu vận hành hệ thống IT, sử dụng công cụ số, phân tích dữ liệu và đặc biệt là bảo mật thông tin.

Đáng chú ý là không chỉ các ngân hàng thương mại nhà nước lớn như BIDV, Vietcombank, VietinBank gặp khó trong tuyển dụng, mà ngay cả các ngân hàng tiên phong về chuyển đổi số như: MB, Techcombank, VPBank, VIB cũng thường xuyên “treo thưởng” để săn nhân tài công nghệ. Thông tin từ một ngân hàng TMCP thuộc tốp đầu ngành cho hay: “Hiện ngân hàng cần tuyển thêm hàng trăm nhân sự trong mảng công nghệ thông tin, nhưng gần như không tuyển đủ do thiếu ứng viên phù hợp. Các vị trí như chuyên gia AI, kỹ sư dữ liệu lớn, bảo mật cấp cao... đều đang ở trong tình trạng ‘săn đầu người’ khốc liệt.”

Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay các ngân hàng đang trong giai đoạn chuyển đổi số sâu rộng, đã trở thành một “cuộc đua” trong toàn ngành. Trong khi mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành nhiều quyết định chiến lược về kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025 với tầm nhìn đến 2030.

Chuyển đổi số không chỉ là công nghệ, mà là con người

Theo Ngân hàng Nhà nước, cán bộ ngân hàng cần song hành am hiểu nghiệp vụ truyền thống và thành thạo kỹ năng công nghệ thông tin để triển khai quy trình nghiệp vụ số hóa hiệu quả. Tuy nhiên, năng lực số của cán bộ vẫn còn hạn chế và chưa đồng đều giữa các nhóm nhân sự, ngân sách đào tạo còn hạn chế, đặc biệt ở các ngân hàng nhỏ và vừa.

Các chuyên gia tài chính cũng đánh giá: Chuyển đổi số không chỉ là ứng dụng công nghệ mà là sự thay đổi văn hóa và mô hình hoạt động. Gần như mọi nghiệp vụ như mở tài khoản, phát hành thẻ, cho vay đã được số hóa. Kiến thức quản trị số và công nghệ là yếu tố quyết định sự thành công của dịch vụ ngân hàng số.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng nhấn mạnh: “Chuyển đổi số ngân hàng không thể thành công nếu chỉ tập trung vào hạ tầng công nghệ. Cốt lõi vẫn là con người, là sự thay đổi tư duy và năng lực vận hành trong một môi trường hoàn toàn mới.” Theo ông, ngành ngân hàng đang thiếu một đội ngũ “tài chính công nghệ” – những chuyên viên lai giữa nghiệp vụ và IT. Đây là lực lượng có thể hiểu logic vận hành ngân hàng và biết cách sử dụng công cụ số để tối ưu hóa quy trình, nâng cao trải nghiệm khách hàng và kiểm soát rủi ro.

Ngành ngân hàng “khát” nhân lực số
Chuyển đổi số không chỉ là công nghệ, mà là con người

Trong khi đó, TS. Nguyễn Hồng Quang – chuyên gia công nghệ ngân hàng nhìn nhận: “Ngân hàng hiện đại cần đến cả kỹ sư bảo mật, nhà khoa học dữ liệu, lập trình viên AI, kỹ sư hệ thống đám mây… Các vị trí này đang được tranh giành không chỉ trong ngành ngân hàng mà cả trong lĩnh vực thương mại điện tử, viễn thông, fintech.”

Nhu cầu về phân tích dữ liệu tài chính, bảo mật, AI, blockchain cần đội ngũ nhân lực chuyên sâu. Nhiều ngân hàng đã xây dựng hệ sinh thái tích hợp dịch vụ đặt vé, dịch vụ giao thông, thương mại... trong ứng dụng ngân hàng số, nhưng để vận hành hiệu quả cần chuyên gia công nghệ – tài chính phối hợp chặt chẽ.

Các chuyên gia công nghệ thông tin trong ngành cho rằng tổ chức tín dụng vẫn thiếu khung năng lực số định hướng, dẫn đến việc đào tạo thiếu cấu trúc. Cần xây dựng theo chuẩn quốc tế, áp dụng trong toàn ngành, từ cấp nhập môn đến lãnh đạo quản lý công nghệ. Mặc dù chưa có báo cáo thống kê số lượng chuyên viên công nghệ làm việc tại các Tổ chức tín dụng, tuy vậy các dấu hiệu cho thấy nhu cầu nhân lực công nghệ thông tin ngân hàng gia tăng khoảng 8–9% mỗi năm đến năm 2030.

Một số khảo sát nội bộ cũng cho thấy đội ngũ cán bộ ngân hàng hiện nay còn thiếu hụt lớn các chuyên viên chuyên ngành như bảo mật, AI, dữ liệu lớn, kỹ năng thiết kế hệ thống số. Tốc độ tăng trưởng vị trí IT nội bộ tại các ngân hàng lớn luôn duy trì ở mức hai con số mỗi năm.

Ngành ngân hàng đang đứng trước cơ hội lớn để vươn lên trở thành trung tâm dịch vụ tài chính số của khu vực. Hạ tầng công nghệ đang dần hoàn thiện, hành lang pháp lý ngày càng rõ ràng, sự quan tâm của Ngân hàng Nhà nước là rất lớn. Nhưng tất cả những điều đó cần một đội ngũ nhân lực đủ trình độ, đủ tư duy và đủ đam mê để dẫn dắt chuyển đổi số. Bởi “không có chuyển đổi số thành công nếu thiếu người chuyển đổi”./.

Nguồn: https://baolamdong.vn/nganh-ngan-hang-khat-nhan-luc-so-383855.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Đội hình mũi tên 5 tiêm kích SU-30MK2 đầy uy lực chuẩn bị cho đại lễ A80
Tên lửa S-300PMU1 trực chiến bảo vệ bầu trời Hà Nội
Mùa sen nở rộ thu hút du khách đến với vùng non nước hùng vĩ Ninh Bình
 Cù Lao Mái Nhà: Nơi sự hoang sơ, hùng vĩ và bình yên cùng hòa quyện

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm