Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Nghĩa tình giữa hai vùng đất

Trong dòng chảy của lịch sử, giữa hai vùng đất Đắk Lắk và Phú Yên từng có “mối lương duyên” sâu đậm. Rừng và biển đã dựa vào nhau để thông thương, phát triển...

Báo Đắk LắkBáo Đắk Lắk25/05/2025

Ngược dòng lịch sử

Sau Hòa ước Pháp - Xiêm (3/10/1893), Lào tách ra khỏi Xiêm và thống nhất (trước đó là các tiểu vương quốc). Theo đó, Pháp đã sáp nhập Cao nguyên Trung phần vào Lào - tất nhiên lúc này chưa có địa danh Darlac (Đắk Lắk) theo nghĩa một đơn vị hành chính chính thức.

Đến ngày 2/11/1899, theo Quyết định số 917 của Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer thì “đại lý hành chính Đắk Lắk” mới ra đời, thuộc vùng Stung Treng - tiểu Vương quốc Champasak của Lào (sau này tỉnh Stung Treng mới được chuyển về cho Campuchia trong thời kỳ Liên bang Đông Dương).

Đến ngày 22/11/1904, Đắk Lắk mới chính thức tách ra khỏi Lào để trở về với An Nam dưới triều đình nhà Nguyễn.

Đây là dấu mốc quan trọng, chính thức “khai sinh” nên đơn vị hành chính cấp tỉnh mang tên Đắk Lắk.

Cảng Vũng Rô góp phần đưa giao thương giữa hai vùng đất Đắk Lắk - Phú Yên đi khắp nơi. Ảnh: Đào Đức Tuấn

Tuy nhiên, theo tài liệu từ Hội thảo khoa học “Đắk Lắk - 120 năm hành trình và phát triển” (22/11/1904 – 22/11/2024) do Tỉnh ủy Đắk Lắk phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức vào cuối tháng 10/2024 thì có một thời gian (từ năm 1904 – 1923), Đắk Lắk trực thuộc Phú Yên, sau đó là Kon Tum đặt dưới sự cai trị của Khâm sứ Trung kỳ thuộc Pháp. Đến ngày 2/7/1923, Đại lý hành chánh Đắk Lắk mới tách ra khỏi Kon Tum, trở thành tỉnh riêng.

Ngược dòng lịch sử để thấy rằng giữa hai vùng đất Đắk Lắk và Phú Yên đã từng một thời là “hai trong một” - và cho dù được đặt dưới sự cai trị của bất kỳ thể chế chính trị nào thì tên gọi ấy vẫn âm vang trong tâm tưởng mọi người. Những cánh rừng, dòng sông nối đại ngàn với biển cả đã kiến tạo nên không gian lịch sử, văn hóa đặc thù từ trong quá khứ cho đến hiện tại, khiến cư dân ở đây trở nên thân thiết và gắn bó từ lâu đời.

Nối quá khứ và hiện tại

Trong quá khứ, từ thế kỷ 7 - thế kỷ 15, nơi cuối nguồn sông Ba đổ ra biển qua cửa Đà Diễn (TP. Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên ngày nay) từng là trung tâm thương mại quốc tế sầm uất.

Từ thời vua Lê Thánh Tông cho đến dưới đời các chúa Nguyễn cũng như nhà Nguyễn sau này, việc trao đổi và giao thương thương mại dựa theo trục sông Ba theo chiều Đông - Tây luôn được khai thác một cách triệt để, trở thành mô hình kinh tế năng động và quan trọng nối vùng duyên hải miền Trung với Cao nguyên Trung phần, trong đó có Đắk Lắk và Phú Yên nổi lên như điểm nhấn khó quên - như câu ca rằng: “Ai về nhắn với nậu nguồn/ Măng le gửi xuống, cá chuồn gửi lên…”.  

Quốc lộ 29, con đường huyết mạch nối Đắk Lắk - Phú Yên. Ảnh: Đào Đức Tuấn

Vậy “nậu nguồn” là gì? Được biết dưới thời các chúa Nguyễn cũng như nhà Nguyễn sau này, tại cuối nguồn các con sông, quan quyền sở tại đã đặt các trạm giao dịch, thu mua lâm thổ sản giữa miền xuôi và miền ngược và các trạm đó gọi là “nguồn”. Ở sông Ba có nguồn Thạch Thành, vị trí đó nay thuộc thôn Liên Thạch, xã Hòa Phú, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên. Thạch Thành là vùng bán sơn địa tiếp giáp giữa đồng bằng Tuy Hòa và vùng núi Đắk Lắk. Ở đây còn có chợ Liên Thạch (tên gọi khác là chợ Đồn), vào đầu thế kỷ 20 người dân tộc thiểu số ở Đắk Lắk vẫn còn cưỡi voi xuống đây để trao đổi hàng hóa.

Từ quá khứ đến hiện tại, truyền thống và nghĩa tình của hai vùng đất Đắk Lắk - Phú Yên không ngừng được bồi đắp, mở mang thêm với nhiều không gian kết nối phong phú, mới mẻ, thuận tiện hơn trong tiến trình xây dựng, phát triển và hội nhập sâu rộng hiện nay. Đặc biệt là một khi Đắk Lắk và Phú Yên về lại “một nhà” theo chủ trương sáp nhập của Trung ương sẽ tạo ra dư địa mới, nguồn lực mới để thúc đẩy vùng đất “rừng vàng biển bạc” ấy vươn mình trong kỷ nguyên mới.

Nguồn: https://baodaklak.vn/van-hoa-du-lich-van-hoc-nghe-thuat/202505/nghia-tinh-giua-hai-vung-dat-dd20722/


Bình luận (0)

No data
No data

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm