Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Những mô hình tạo chuyển động trong đổi mới giáo dục

GD&TĐ - Nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả đã đóng góp tích cực vào đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục Thái Nguyên giai đoạn 2020 - 2025.

Báo Giáo dục và Thời đạiBáo Giáo dục và Thời đại04/07/2025

Ứng dụng hiệu quả chuyển đổi số trong dạy học, quản lý

Giai đoạn 2020-2025, ngành giáo dục Thái Nguyên đã triển khai hiệu quả nhiều phong trào thi đua thiết thực. Trong quá trình triển khai, nhiều mô hình hay, nhiều cách làm hiệu quả, đặc biệt là ở công tác ứng dụng chuyển đổi số trong dạy học, quản lí, đã đóng góp tích cực vào đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục tỉnh nhà.

Xác định “Hạ tầng số là nền móng của mọi hoạt động chuyển đổi số”, Trường THPT Tức Tranh (tỉnh Thái Nguyên) sớm tập trung ưu tiên đầu tư cho hạ tầng số. Nhà trường bổ sung các thiết bị công nghệ, mở rộng đường truyền Internet, liên kết với các doanh nghiệp để tìm kiếm sự hỗ trợ công nghệ.

mo-hinh-1.jpg
Học sinh trường THPT Tức Tranh (tỉnh Thái Nguyên) được hướng dẫn tìm hiểu ứng dụng AI, nâng cao hiệu quả trong học tập.

Đồng hành cùng nhà trường, VNPT hỗ trợ, nâng cấp đường truyền tốc độ cao cho các lớp học, phòng tin, các phòng thiết bị, thư viện, các phòng của tổ chuyên môn; OLM hỗ trợ nâng cấp gói phần mềm và tập huấn chuyên sâu cho cán bộ giáo viên. Hội Cha mẹ học sinh, một số doanh nghiệp cũng ủng hộ nguồn lực, giúp nhà trường đảm bảo các điều kiện hạ tầng để triển khai chuyển đổi số.

Thư viện số của nhà trường đi vào hoạt động giúp giáo viên, học sinh truy cập tài liệu học tập, đề thi, giáo án, video bài giảng, mọi lúc mọi nơi; tìm kiếm tài nguyên liên môn, mở rộng kiến thức ngoài sách giáo khoa dễ dàng. Đây là bước đi quan trọng tạo nền móng vững chắc cho một thế hệ học sinh tự học, tự chủ và thích ứng với tương lai số.

Nhiều giáo viên đã chủ động học AI, chia sẻ kiến thức với đồng nghiệp, tham gia các khoá đào tạo chuyên sâu, và từng bước đưa công nghệ vào bài giảng hằng ngày; sử dụng Canva để thiết kế bài giảng, dùng ChatGPT để lên kế hoạch dạy học, dùng Google Form để kiểm tra, đánh giá, thử nghiệm dashboard AI để theo dõi tiến bộ học sinh.

Nhà trường cũng đã mạnh dạn tổ chức kỳ thi thử tốt nghiệp THPT online trên nền tảng OLM, tạo cơ hội để học sinh được tiếp cận với hình thức thi hiện đại, rèn luyện kỹ năng làm bài trên máy tính, và làm quen với môi trường học tập trực tuyến.

Bà Nguyễn Thị Hòa, Hiệu trưởng nhà trường vui mừng chia sẻ: “Chuyển đổi số không phải để thay thế giáo viên, mà là để nâng cấp giáo viên. Nếu như vào cuộc và hành động là để nâng cấp chính mình thì đó là điều ai cũng muốn làm và làm cho bằng được. Do vậy, cán bộ, giáo viên và các em học sinh luôn tạo được nguồn cảm hứng và một không khí làm việc, học tập tích cực, hiệu quả. Từng thay đổi nhỏ đang tạo nên một chuyển động lớn trong toàn trường”.

Đổi mới trong giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên

Giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên với đặc thù là “cánh tay mở” của hệ thống giáo dục quốc dân, có vai trò đặc biệt quan trọng trong đáp ứng linh hoạt nhu cầu thị trường lao động, phục vụ tốt hơn nhu cầu học tập suốt đời của người dân.

Xác định đúng vai trò để phát huy thế mạnh trong bối cảnh mới, Trung tâm GDNN - GDTX Phú Bình (tỉnh Thái Nguyên) vừa là điểm sáng về kết quả giáo dục, vừa là minh chứng cho tinh thần vượt khó, chủ động đổi mới và thích ứng.

mo-hinh.jpg
Trung tâm GDNN - GDTX Phú Bình (tỉnh Thái Nguyên) làm tốt vai trò tổ chức tư vấn hướng học, hướng nghiệp, góp phần phân luồng cho học sinh THPT trên địa bàn.

Trong nhiều năm qua, từng bước tháo gỡ những khó khăn về kinh phí, cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, Trung tâm GDNN - GDTX Phú Bình đạt nhiều kết quả tích cực: Tỉ lệ tốt nghiệp THPT nhiều năm đạt 100%, nằm trong nhóm dẫn đầu của khối GDNN-GDTX tỉnh Thái Nguyên; Chất lượng rèn luyện, học tập của học viên tăng đều qua từng năm: tỉ lệ học viên giỏi đạt 9,8%, khá - tốt trên 90%.

Đáng chú ý, Trung tâm đã tăng cường chuyển đổi số, 100% lớp học và học viên áp dụng học bạ số, chữ ký số, đồng bộ dữ liệu lên CSDL quốc gia, ứng dụng CNTT trong dạy học qua nền tảng trực tuyến OLM, 100% giáo viên được tập huấn và sử dụng thành thạo.

Trung tâm đã làm tốt vai trò tổ chức tư vấn hướng học, hướng nghiệp góp phần phân luồng cho học sinh THPT trên địa bàn; liên kết với các trường Cao đẳng, phối hợp tổ chức đào tạo trung cấp nghề cho học viên.

Trao đổi về định hướng giải pháp giai đoạn tiếp theo, bà Đào Thị Khuyên, Giám đốc Trung tâm cho biết đơn vị sẽ đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy học, lấy học viên làm trung tâm, giáo viên đóng vai trò định hướng, dẫn dắt và truyền cảm hứng; khuyến khích áp dụng các phương pháp dạy học tích cực, lấy trải nghiệm làm nền tảng, phát huy tư duy phản biện, sáng tạo và năng lực tự học của người học.

“Tăng cường công tác tư vấn, định hướng nghề nghiệp sát với nhu cầu xã hội. Chủ động phối hợp với doanh nghiệp, cơ sở đào tạo nghề để tổ chức mô hình học tích hợp: học văn hóa song song với học nghề. Đẩy mạnh tư vấn nghề nghiệp cá thể hóa, giúp học viên xác định rõ năng lực bản thân, lựa chọn đúng hướng đi, đáp ứng yêu cầu việc làm trong tương lai”, bà Đào Thị Khuyên nhấn mạnh.

Nguồn: https://giaoducthoidai.vn/nhung-mo-hinh-tao-chuyen-dong-trong-doi-moi-giao-duc-post738410.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Hương vị miền sông nước
Bình minh đẹp rực rỡ trên các vùng biển Việt Nam
Vòng cung hang động kỳ vĩ ở Tú Làn
Trà sen - Món quà thơm của người Hà Nội

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm