Những tác hại nghiêm trọng khi để trẻ em sử dụng smartphone từ sớm
Hình ảnh những đứa trẻ dán chặt mắt vào màn hình smartphone hay máy tính bảng đã trở nên rất quen thuộc trong thời đại công nghệ ngày nay. Nhiều phụ huynh cho con, em của mình sử dụng smartphone hoặc máy tính bảng từ rất sớm, thậm chí xem những thiết bị này như món đồ chơi để trẻ chịu ngồi yên và không quậy phá.
Hình ảnh những đứa trẻ dán mắt vào màn hình smartphone, máy tính bảng đã trở nên rất quen thuộc trong thời đại ngày nay (Ảnh minh họa: Getty).
Tuy nhiên, theo báo cáo nghiên cứu vừa được công bố trên Tạp chí Phát triển Con người và Năng lực, việc cho trẻ em dưới 13 tuổi sử dụng smartphone và mạng xã hội có thể gây hại cho sức khỏe tâm lý của chúng, giảm khả năng điều chỉnh cảm xúc, tạo cảm giác tự ti, tách rời khỏi thực tế và thậm chí có thể dẫn đến ý nghĩ tự tử.
Sự tác động đến tâm lý khi sử dụng smartphone và mạng xã hội từ quá sớm sẽ ảnh hưởng đến bé gái nhiều hơn so với các bé trai.
Nghiên cứu được thực hiện bởi Sapien Labs, một tổ chức phi lợi nhuận chuyên nghiên cứu những tác động của cuộc sống hiện đại đến sức khỏe não bộ và tâm trí con người. Các nhà nghiên cứu của Sapien Labs đã tiến hành một khảo sát với 2 triệu người tại 163 quốc gia.
Nghiên cứu chỉ ra rằng trẻ em càng tiếp xúc với smartphone và mạng xã hội sớm, sức khỏe tâm lý và trạng thái hạnh phúc của trẻ sẽ bị giảm sút.
“Cần phải có hành động khẩn cấp để hạn chế trẻ em dưới 13 tuổi tiếp cận và sử dụng smartphone, cũng như quy định rõ ràng về môi trường số mà trẻ tiếp xúc”, tiến sĩ tâm lý Tara Thiagarajan, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết.
Các nhà nghiên cứu của Sapien Labs đã kêu gọi các bậc phụ huynh trên toàn cầu nên ngăn trẻ dưới 13 tuổi sử dụng smartphone và mạng xã hội, như một biện pháp để bảo vệ trẻ em.
Một nghiên cứu khác của nhóm các nhà khoa học và tâm lý học Canada, dẫn đầu bởi Caroline Fitzpatrick - Giáo sư giáo dục học tại Đại học Sherbrooke - cho thấy việc sử dụng smartphone, máy tính bảng ở trẻ nhỏ có thể gây ra rối loạn khả năng kiểm soát cơn giận dữ và sự thất vọng, dẫn đến tăng các cơn bùng nổ cảm xúc ở trẻ nhỏ.
Giáo sư Fitzpatrick cho biết trẻ em trong những năm đầu đời vẫn đang trong quá trình phát triển kỹ năng điều chỉnh cảm xúc, nhưng nếu cho trẻ tiếp xúc sớm với các thiết bị công nghệ như máy tính bảng hay smartphone sẽ làm ảnh hưởng đến quá trình này.
Trẻ nhỏ ở độ tuổi mẫu giáo dành quá nhiều thời gian cho smartphone, máy tính bảng có thể không học được cách kiềm chế cảm xúc của mình (Ảnh minh họa: Adobe).
Tỷ phú Bill Gates, nhà sáng lập Microsoft, cũng đã từng chia sẻ quan điểm cá nhân khi cho rằng độ tuổi phù hợp nhất để trẻ em sử dụng smartphone là năm 13 tuổi và ông cũng đã áp dụng điều này cho 3 đứa con của mình.
Nên để trẻ tránh xa mạng xã hội đến năm 16 tuổi
Kết quả nghiên cứu của Sapien Labs cho biết một trong những tác động xấu đến tâm lý của trẻ khi sử dụng smartphone là tiếp cận với mạng xã hội từ quá sớm. Điều này có thể dẫn đến các nguy cơ trẻ tiếp xúc các nội dung độc hại, bị bắt nạt trực tuyến hoặc có những mối quan hệ không lành mạnh.
Nghiên cứu tương tự đến từ các nhà khoa học Anh cho thấy việc sử dụng mạng xã hội trong giai đoạn dậy thì sẽ làm giảm mức độ hài lòng của cuộc sống sau này.
Các chuyên gia tâm lý khuyên các bậc phụ huynh nên để trẻ em tránh xa mạng xã hội, ít nhất đến năm 16 tuổi.
Dĩ nhiên, việc trì hoãn để trẻ tránh xa mạng xã hội đến năm 16 tuổi là điều không dễ dàng gì. Để thực hiện điều này, cần có sự quan tâm từ các bậc phụ huynh, những người sẵn sàng hướng trẻ đến những niềm đam mê và sở thích khác bên ngoài màn hình điện thoại.
Làm gì nếu đã cho trẻ tiếp xúc với smartphone, mạng xã hội từ sớm?
Nếu sau khi đọc bài viết này, nhiều phụ huynh nhận ra mình đã để cho con sử dụng smartphone, tiếp xúc với mạng xã hội từ quá sớm và cảm thấy lo lắng về điều đó, thì nên thay đổi điều này càng sớm càng tốt.
“Nếu bạn lo lắng, nhưng không nhận thấy bất kỳ hiện tượng khác thường nào về tâm lý của con mình, bạn vẫn có thể an tâm.
Hãy thường xuyên trò chuyện với trẻ để tìm hiểu xem chúng có gặp các vấn đề về lo âu, cảm giác tự ti hoặc khó kiểm soát cảm xúc hay không. Hãy cho trẻ biết bạn sẵn sàng giúp đỡ nếu trẻ cần”, Melissa Greenberg, nhà tâm lý học lâm sàng tại Trung tâm điều trị tâm lý Princeton (bang New Jersey, Mỹ), chia sẻ.
Đáng chú ý, nhiều phụ huynh thường xoa dịu những cơn giận dữ của trẻ bằng cách cho phép chúng tiếp tục sử dụng smartphone và máy tính bảng, điều này vô tình tạo nên một vòng lặp luẩn quẩn càng khiến cho trẻ "nghiện" các thiết bị điện tử và khó kiểm soát được cảm xúc của bản thân.
Các bậc cha mẹ không nên để trẻ sử dụng smartphone, máy tính bảng một mình mà nên ở bên để giám sát và giới hạn thời gian sử dụng (Ảnh: iStock).
Vậy cha mẹ có thể làm gì để giảm bớt các cơn bùng nổ cảm xúc của trẻ nhỏ?
Các nhà nghiên cứu cho biết sự tương tác trực tiếp giữa cha mẹ và con cái luôn là giải pháp tối ưu nhất để giúp trẻ ở độ tuổi mới biết đi phát triển cảm xúc. Nếu cha mẹ bỏ qua sự tương tác mà giao phó hoàn toàn cho các thiết bị điện tử sẽ gây hại lâu dài cho trẻ.
Các nhà tâm lý học cho biết thêm trong trường hợp phụ huynh muốn để trẻ tiếp xúc với smartphone và máy tính bảng, hãy giới hạn thời gian cụ thể cho chúng sử dụng, chẳng hạn 20 phút sử dụng smartphone hoặc 15 phút sử dụng máy tính bảng mỗi ngày.
Ngoài ra, không nên để trẻ tự sử dụng các thiết bị này mà luôn có người lớn ngồi bên để giám sát và cùng trẻ khám phá những nội dung hữu ích.
Nguồn: https://dantri.com.vn/cong-nghe/nhung-tac-hai-nghiem-trong-khi-de-tre-em-su-dung-smartphone-tu-qua-som-20250724105924183.htm
Bình luận (0)