Đây là những chia sẻ của ông Nguyễn Tử Quảng, Phó Chủ tịch VINASA, Chủ tịch Ủy ban AI và Đạo đức AI VINASA tại hội thảo “Khai thác sức mạnh AI để phát triển đột phá” sáng 28/5. Sự kiện nằm trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao chuyển đổi số Việt Nam – châu Á 2025 tổ chức tại Hà Nội.
Tại đây, các nhà quản lý, chuyên gia, đại diện doanh nghiệp đã trình bày về tác dụng của AI trong các lĩnh vực như quản lý nhà nước, ứng dụng trong doanh nghiệp vừa và nhỏ, phát triển phần mềm, chăm sóc khách hàng.
Người Việt là tác giả 2/4 mô hình lớn đứng sau ChatGPT
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Nguyễn Tử Quảng đánh giá cao năng lực của người Việt trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, đặc biệt là GenAI (AI tạo sinh). Ông chỉ ra 2/4 mô hình quan trọng (GPT) đứng sau chatbot ChatGPT có tác giả/đồng tác giả là người Việt: Tiến sĩ Lê Minh Thắng và Tiến sĩ Lê Viết Quốc.
Ngoài ra, Tiến sĩ Lê Minh Thắng còn thuộc nhóm 50 người trực tiếp nghiên cứu chatbot Bard trong “chiến dịch 100 ngày” của Google hồi cuối năm 2022 nhằm đối phó với sự đe dọa của ChatGPT.
Phó Chủ tịch VINASA thông tin thêm, nhiều chuyên gia AI người Việt đang công tác ở nước ngoài mong muốn được về nước cống hiến cho sự phát triển của nước nhà.
Nhân tài chỉ là một trong nhiều yếu tố giúp Việt Nam khai thác sức mạnh AI và hiện thực hóa mục tiêu trở thành 1 trong 3 nước dẫn đầu Đông Nam Á về trí tuệ nhân tạo mà Nghị quyết 57 đề ra.
Theo ông Quảng, để phát triển công nghệ AI, nhà nước có thể học tập kinh nghiệm quốc tế trong việc kích cầu doanh nghiệp ứng dụng sản phẩm, dịch vụ AI, từ đó tạo ra thị trường cho những công ty trong lĩnh vực này.
Ông dẫn ví dụ, tại Singapore, sau khi doanh nghiệp lựa chọn một sản phẩm, dịch vụ AI để sử dụng, nhà nước sẽ hỗ trợ 70% và doanh nghiệp trả 30% còn lại. Tỷ lệ này ở Nhật Bản là 50-50, Thái Lan 40-60. Với khoảng 1 triệu doanh nghiệp tại Việt Nam, việc kích cầu sẽ tạo ra một thị trường rất lớn về AI.
Một vấn đề quan trọng khác trong AI là dữ liệu và hạ tầng tính toán. Việt Nam đã có một trung tâm dữ liệu quốc gia, và ông Quảng kiến nghị thành lập một trung tâm AI công cộng để các công ty nhỏ, startup có dự án tốt có thể sử dụng nguồn lực, giải các bài toán AI.
“Nếu có thể làm những điều trên, cùng với sự tham gia của nhà nước, chúng ta sẽ có những DeepSeek hay GPT của Việt Nam”, ông Quảng khẳng định.
Cần chính sách mang tầm quốc gia để thúc đẩy phát triển AI
Nhà nước đóng vai trò rất quan trọng trong phát triển khoa học công nghệ nói chung, AI nói riêng. Với kinh nghiệm triển khai các dự án công nghệ lớn từ nhiều năm trước tại Bkav, ông Quảng cho rằng cần có chính sách mang tầm quốc gia để thúc đẩy sự phát triển của AI, kết hợp với nỗ lực của từng doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân.

Hiện tại, AI không chỉ được triển khai mạnh mẽ ở khu vực tư nhân mà còn ứng dụng trong khu vực công, các cơ quan, đơn vị nhà nước. Ông Nguyễn Quốc Cường, kiến trúc sư giải pháp và chuyên gia AI, công ty Dymamic Software Solutions, điểm qua những lợi ích mà AI mang lại như phòng họp thông minh giúp giảm thiểu giấy tờ, trợ lý ảo hỗ trợ khối văn phòng xử lý văn bản, giám sát an ninh, giao thông thông minh...
Tuy nhiên, từ quá trình xây dựng giải pháp AI cho khu vực công, đại diện các doanh nghiệp nhận thấy một số nút thắt cần được tháo gỡ về hạ tầng, dữ liệu, con người và hành lang pháp lý. Chẳng hạn, với ông Cường, việc lấy dữ liệu rất khó khăn vì chưa có khuôn khổ rõ ràng và doanh nghiệp nhà nước cũng chưa sẵn sàng đầu tư vào phần cứng chuyên biệt để làm AI vì chi phí lớn, khấu hao nhanh.
Vấn đề nan giải khác không chỉ khu vực công mà cả tư nhân gặp phải là một bộ phận nhân lực trở nên dư thừa, chưa có hướng xử lý phù hợp. “Sau khi xem xét mọi vấn đề liên quan, họ từ chối giải pháp của mình”, ông Cường kể lại.
Đồng tình với các quan điểm này, ông Vũ Thanh Tùng, Giám đốc Sản phẩm AI Cloud GreenNode, nêu ra một e ngại khiến công ty chưa chú trọng đến khu vực công, đó là thời gian triển khai, thực hiện, nghiệm thu dự án rất lâu, trong khi doanh nghiệp phải có dòng tiền để “nuôi quân”.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng “dự án chỉ 3 tháng nhưng mất đến 6 tháng làm thủ tục”, theo ông Hoàng Văn Hội, Tổng Giám đốc, Công ty Dynamic Software Solutions, là chưa có case study cụ thể cho từng ngành, từng tỉnh, thành, sở, ban, ngành. Khung pháp lý chưa rõ ràng, chưa có hướng dẫn về thời gian, ngân sách, thực thi, đánh giá hiệu quả và nghiệm thu, khiến các bên đều lúng túng.
Dù vậy, với sự ra đời của Nghị quyết 57 và Nghị quyết 68, các doanh nghiệp nhận xét đã có những chuyển biến tích cực từ khu vực công trong quá trình xử lý thủ tục, cũng như mở ra nhiều cơ hội để mọi công ty có thể tham gia giải các bài toán của thị trường.
Khẳng định vai trò quan trọng của nhà nước trong đồng hành cùng tư nhân, ông Quảng cam kết VINASA luôn là cầu nối khối doanh nghiệp với Chính phủ để đề xuất các giải pháp, kiến nghị giải quyết những nút thắt về thị trường, dữ liệu, cơ chế, thúc đẩy thay đổi khoa học công nghệ và bảo đảm sự phát triển của đất nước.

Nguồn: https://vietnamnet.vn/ong-nguyen-tu-quang-viet-nam-hoan-toan-co-the-co-deepseek-gpt-cua-rieng-minh-2405689.html
Bình luận (0)