Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Phát động phong trào thi đua đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và “Bình dân học vụ số” trong toàn ngành Ngân hàng

NDO - Ngày 27/5, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức Hội nghị phát động phong trào “Cả nước thi đua đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” và “Bình dân học vụ số” của ngành Ngân hàng gắn với Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Báo Nhân dânBáo Nhân dân27/05/2025

Hội nghị do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng chủ trì cùng toàn thể Ban Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, lãnh đạo các đơn vị Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng,...

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng khẳng định, đây là hoạt động có ý nghĩa rất quan trọng trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

“Hội nghị hôm nay được tổ chức trong bối cảnh khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số không chỉ là động lực, mà đã trở thành nền tảng cho phát triển của thế kỷ XXI”, Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng nêu rõ.

Theo báo cáo của Ngân hàng thế giới (WB), đến năm 2024, kinh tế số đã chiếm 15% GDP của kinh tế toàn cầu, tương ứng với 16.000 tỷ USD. Nhiều quốc gia đã xác định kinh tế số là thành phần cốt lõi trong chiến lược quốc gia.

Trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với những biến động khó lường như chiến tranh thương mại, sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ, dịch bệnh, khủng hoảng kinh tế, an ninh năng lượng và biến đổi khí hậu, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số không còn là lựa chọn, mà là yêu cầu sống còn để thích ứng, tồn tại và vươn lên.

Hiện thực hóa Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, triển khai Quyết định số 923/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch số 01-KH/BCĐTW của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, Ngân hàng Nhà nước phát động triển khai 2 phong trào thi đua “Cả nước thi đua đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” và phong trào “Bình dân học vụ số” trong toàn ngành Ngân hàng.

“Đây là lời phát động và hiệu triệu toàn ngành Ngân hàng không ngừng đổi mới, ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số để hỗ trợ nền kinh tế phát triển bền vững trong kỷ nguyên mới”, Phó Thống đốc nhấn mạnh.

Phát động phong trào thi đua đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và “Bình dân học vụ số” trong toàn ngành Ngân hàng ảnh 1

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng phát biểu khai mạc Hội nghị.

Tại Hội nghị, các tham luận tập trung vào các nội dung gắn với việc thực hiện nhiệm vụ tại phong trào “Bình dân học vụ số”. Theo đó, đại diện các tổ chức tín dụng đã chia sẻ nhiều mô hình, sáng kiến tiêu biểu ứng dụng công nghệ số có thể nhân rộng; chia sẻ kinh nghiệm, hành trình lan tỏa và xây dựng văn hóa số, văn hóa đổi mới sáng tạo và văn hóa học suốt đời; chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp nâng tầm năng lực số cho nhân lực ngành Ngân hàng.

Đồng thời, đại diện các tổ chức tín dụng đề xuất các hành động cụ thể, các kiến nghị đối với Ngân hàng Nhà nước để khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số được nhân rộng và mang lại hiệu quả thiết thực cho toàn ngành.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh, quán triệt nội dung, tinh thần tại Nghị quyết số 57 và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, với tinh thần “đổi mới mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ và nhất quán”, ngày 5/3/2025, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Quyết định số 1364 Kế hoạch của ngành Ngân hàng triển khai Nghị quyết 57 và Nghị quyết số 03 của Chính phủ. Ban Thường vụ Đảng uỷ, Ban Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước đã thành lập Ban Chỉ đạo và tổ giúp việc của ngành Ngân hàng về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và Đề án 06, đồng thời xác định và xây dựng kế hoạch, các nhóm vấn đề cụ thể, rõ ràng, bảo đảm Kế hoạch nhất quán với kế hoạch của Chính phủ và Kế hoạch phát triển của ngành.

Các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng gồm: Nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy; Hoàn thiện thể chế, chính sách; Tăng cường đầu tư, hoàn thiện hạ tầng; Phát triển, trọng dụng nhân tài, nhân lực chất lượng cao; Đẩy mạnh chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả quản lý; Thúc đẩy hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo; Tăng cường hợp tác quốc tế.

“Các nhiệm vụ tại Kế hoạch đã được giao cụ thể đến các đơn vị trong toàn ngành Ngân hàng để tổ chức triển khai thực hiện”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết.

Số liệu thống kê nhanh từ một số ngân hàng thương mại cũng cho thấy, các ngân hàng đã đi rất nhanh, mạnh trong hoạt động đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.

Tính riêng từ năm 2024 đến nay, nhiều ngân hàng đã xây dựng và triển khai trên thực tế số lượng lớn các sáng kiến cải tiến quy trình hoạt động, chuyển đổi số, một số ngân hàng có hơn 100 sáng kiến/năm, tiêu biểu như: BIDV (299 sáng kiến số/ tổng số 729 sáng kiến/năm); TPBank (135 sáng kiến số /150 sáng kiến); Agribank (120 sáng kiến số); VIB (101 sáng kiến); Vietinbank (100 sáng kiến số); Shinhan Bank Việt Nam (69/166 sáng kiến); Vietcombank (98 sáng kiến)...

Đồng thời, số lượt cán bộ của các ngân hàng đã được bồi dưỡng về chuyển đổi số, công nghệ, trí tuệ nhân tạo trong thời gian từ năm 2022 đến ngày 15/5 cũng ghi nhận những con số rất ấn tượng: tiêu biểu như Vietinbank (90.825 lượt học); MB Bank (55.402 lượt học); Techcombank (50.942 lượt học); Agribank (47.148 lượt học); BIDV (38.985 lượt học); VIB (35.627 lượt học)…

Nguồn: https://nhandan.vn/phat-dong-phong-trao-thi-dua-doi-moi-sang-tao-chuyen-doi-so-va-binh-dan-hoc-vu-so-trong-toan-nganh-ngan-hang-post882645.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Thế giới hoang dã trên đảo Cát Bà
Hành trình bền bỉ trên cao nguyên đá
Cát Bà - bản giao hưởng của mùa hè
Đi tìm Tây Bắc cho riêng mình

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm