Ngày 31.7, tại Bảo tàng tỉnh Bình Định, nhóm chuyên gia Viện Khảo cổ học Việt Nam đã báo cáo sơ bộ kết quả khai quật đợt 2 phế tích tháp Đại Hữu.
Đây là công trình tiếp diễn đợt khảo cổ “mở màn” hồi 2023, trên diện tích 200m2.
Đợt khai quật thứ 2 tiến hành trên phạm vi 300m2, từ giữa tháng 5 đến tháng 7.2024.
Phế tích tháp Đại Hữu tọa lạc trên đỉnh núi Đất, nay thuộc thôn Chánh Mẫn, xã Cát Nhơn, huyện Phù Cát.
Di tích lần đầu tiên được nhắc đến vào năm 1909 bởi công trình nghiên cứu “Thống kê, khảo tả các di tích Chàm tại An Nam” của Henri Parmentier.
Lần khai quật này đã làm xuất lộ toàn bộ phần thân tháp, nền móng, tiền sảnh phía Đông, nền móng chân đế phía Bắc, một phần nền móng chân đế phía Nam và Tây.
Kết thúc đợt khai quật, các chuyên gia phát hiện 156 hiện vật đá (đá cát kết, đá hoa cương, đá ong) là những di vật còn lại từ bệ thờ, mảnh minh văn, lá nhĩ đá, đá trang trí điểm góc, phù điêu trang trí hình người, tượng hình động vật, phù điêu trang trí hình cánh sen, cối và chày.
Hiện vật đất nung nhiều hơn (522 hiện vật, chưa tính gạch) gồm gốm trang trí điểm góc, ngói mũi lá, phù điêu hình động vạt, gốm gia dụng.
Chủ trì đợt khảo cổ, TS Phạm Văn Triệu trình bày “những nhận thức ban đầu”: Tháp có bình đồ hình vuông, thân mỗi cạnh dài 9,8m, lòng tháp mỗi cạnh 3,8m. Đây là công trình kiến trúc quy mô lớn, độ bền vững cao, được xây dựng theo truyền thống kiến trúc tháp Champa.
So sánh với những kiến trúc Champa đã khái quật và nghiên cứu, kết hợp minh văn đã phát hiện đến nay, ông Triệu nhận định: Tháp Đại Hữu khả năng có niên dại khoảng giữa thế kỷ 13.
TS Phạm Văn Triệu nhận xét: “Phế tích tháp Đại Hữu cùng với các kiến trúc tôn giáo đồng đại như Cánh Tiên, Phú Lốc, Thủ Thiện, phế tích tháp Mắm là những công trình kiến trúc to lớn, trang trí đẹp, phản ánh một giai đoạn chính trị ổn định, kinh tế phát triển, nhu cầu đời sống tôn giáo tăng lên của lịch sử vương quốc Champa. Việc hiện diện của các mảnh gốm gia dụng niên đại khoảng thế kỷ 17 – 18 gắn liền với thành Chánh Mẫn cho thấy khu vực phế tích còn là căn cứ quân sự quan trọng của nhà Tây Sơn”.
Phế tích tháp Đại Hữu mang đậm dấu ấn kiến trúc tôn giáo của văn hóa Ấn Độ, phản ánh mối quan hệ mở rộng giữa vùng đất Vijaya với các nền văn hóa bên ngoài, sự tiếp thu có chọn lọc, kết hợp với tín ngưỡng bản địa, góp phần làm giàu bản sắc văn hóa Champa trong lịch sử.
Tại buổi báo cáo sơ bộ kết quả khai quật khảo cổ đợt 2 phế tích Đại Hữu, Bình Định, các đại biểu đã nghe ý kiến trao đổi, thảo luận của TS Lê Đình Phụng (Hội Khảo cổ học Việt Nam), nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Quang (Hội Khoa học lịch sử Bình Định), ông Đặng Hữu Thọ (nguyên Giám đốc Bảo tàng Bình Định) về đóng góp của đợt khai quật, về vị trí tháp Đại Hữu trong lịch sử Champa xưa và Bình Định ngày nay, về trách nhiệm bảo tồn, phát huy giá trị di sản trong đời sống, nghiên cứu khoa học và hoạt động tuyên truyền, giáo dục…
Nguồn: https://laodong.vn/van-hoa-giai-tri/phat-hien-moi-o-phe-tich-dai-huu-binh-dinh-1374020.ldo
Bình luận (0)