Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Phát triển văn hóa đọc ở Hội An

Phát triển văn hóa đọc trong thời đại công nghệ thông tin, chuyển đổi số có nhiều thay đổi và chịu những tác động phức tạp, khó lường, nhất là đối với Hội An - vùng đất từng có “một thời vàng son” của văn hóa đọc sách. Vì vậy cần có trách nhiệm định hướng thích ứng linh hoạt, phù hợp.

Báo Quảng NamBáo Quảng Nam26/05/2025

VH 1
“Phiên chợ sách” thường được Thư viện Thanh Hóa - Hội An phối hợp với các đơn vị trong và ngoài thành phố tổ chức phục vụ bạn đọc. Ảnh: ĐỖ HUẤN

Thư viện Thanh Hóa - Hội An từng được Bộ VH-TT&DL tặng Bằng khen trong công tác tổ chức tốt các hoạt động thư viện cộng đồng ở cơ sở và được tuyên dương là mô hình điển hình tiêu biểu phong trào thi đua “Dân vận khéo” năm 2024 với những thành quả đóng góp phục vụ cộng đồng.

Ban đầu thư viện có 10.000 bản sách do đoàn cán bộ thị xã Thanh Hóa vào thăm và tặng đồng bào Hội An vào tháng 4/1975, đến nay Thư viện Thanh Hóa - Hội An đã tăng lên đến 47.564 bản sách với 20.454 đầu sách.

Hằng năm, TP.Hội An dành một khoản ngân sách để bổ sung sách phù hợp; thư viện tổ chức nhiều hoạt động hấp dẫn nên lượng bạn đọc đến thư viện ngày càng đông hơn.

Ngoài phục vụ bạn đọc thư viện còn phối hợp với các thư viện, cơ quan, đơn vị, ban ngành, đoàn thể, điểm đọc ở cơ sở để hỗ trợ chuyên môn nghiệp vụ và thường xuyên biếu tặng sách, báo. Cạnh đó, thư viện tham mưu và phối hợp với các đơn vị tổ chức tốt “Phiên chợ sách”.

VH 2
“Không gian đọc Hội An” những buổi đầu hoạt động tại Bảo tàng Hội An (đường Trần Hưng Đạo). Ảnh: ĐỖ HUẤN

Đến nay, đã có 30 “Phiên chợ sách” được triển khai từ các nhà xuất bản, công ty trưng bày, giới thiệu đến từ Đà Nẵng, Huế, Hà Nội với chương trình ưu đãi “Hội sách nửa giá”, tổ chức không gian đọc miễn phí, tổ chức cho trẻ em vẽ bookmark… góp phần phát triển văn hóa đọc ở Hội An.

Ngoài Thư viện Thanh Hóa - Hội An và hệ thống thư viện nhà trường đang duy trì hoạt động hiệu quả, những năm qua TP.Hội An cũng đã phát triển nhanh các thư viện và phòng đọc ở xã phường, thôn, khối phố.

Trong cộng đồng dân cư còn có nhiều tủ sách gia đình khá phong phú và quy củ. Đây là cơ hội, là nền tảng hỗ trợ phát triển văn hóa đọc của các tầng lớp nhân dân thành phố.

Ông Nguyễn Văn Dung - Chủ tịch Hội Khuyến học thành phố cho biết, các thư viện công cộng, thư viện trường học đã giới thiệu về sách và những tài liệu hữu ích nhằm chia sẻ thông tin, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người cùng tham gia đọc để nâng cao nhận thức của mình.

Đồng thời tăng cường các hoạt động tư vấn, tập huấn, hướng dẫn kỹ năng tìm kiếm, khai thác và sử dụng thông tin trên mạng internet một cách hữu ích, an toàn; cách sử dụng sách điện tử, thư viện điện tử đạt hiệu quả.

Hội An là một thành phố văn hóa. Trong những tiêu chí của một thành phố văn hóa, nhất thiết phải có đời sống văn hóa phong phú và sâu sắc, mà trong đó không thể không có văn hóa đọc. Trong quá khứ, Hội An tự hào có “một thời vàng son” của văn hóa đọc sách.

VH 3
Điểm đọc sách tại Khu thiết chế văn hóa cộng đồng xã Cẩm Thanh. Ảnh: ĐỖ HUẤN

Theo tư liệu nghiên cứu của ThS. Phùng Tấn Đông (sống ở Hội An), cùng với phố cảng Thanh Hà của Huế, Hội An của Quảng Nam là nơi có phong trào đọc sách phát triển từ thời Duy Tân (những năm đầu thế kỷ 20) với những sách “tâm thư” của Lương Khải Siêu, Khang Hữu Vi, góp phần làm nên phong trào Duy Tân hết sức rầm rộ, phổ biến.

ThS. Phùng Tấn Đông cho biết: “Trong quá khứ, Hội An từng là chợ sách. Trong một bài viết nhân hội thảo về phong trào Duy Tân, nhà triết học Bùi Văn Nam Sơn đã nói nhiều về văn hóa đọc ở Hội An. Chính các sĩ tử miền Trung, từ các nơi như Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên... đều ra Hội An và nằm chờ hàng tháng trời để mua sách về cho kịp trào lưu thời bấy giờ.

Những nhà cách mạng, nhà giáo dục lớn ở miền Trung như nhà giáo Trần Đình Phong, bác sĩ Trần Đình Nam, anh em Lê Đình Dương, Lê Đình Thám, nhà thơ Bùi Giáng, nhà văn Phan Tứ... đều đọc sách, tích lũy kiến thức, phát triển tư duy của mình ở Hội An”.

Những năm sau ngày quê hương mới được giải phóng, ở Hội An phong trào đọc sách vẫn có sức hút mạnh mẽ và lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng dân cư với nhiều thành phần, độ tuổi khác nhau, dù đời sống kinh tế thời bấy giờ còn lắm khó khăn, thiếu thốn.

VH 4
Nhóm “Không gian đọc Hội An” phối hợp tổ chức các hoạt động khuyến khích và tạo thói quen đọc sách cho thanh, thiếu niên. Ảnh: ĐỖ HUẤN

Hiện nay, ở Hội An có một nhóm “Không gian đọc Hội An” đang hoạt động rất sáng tạo và hiệu quả, thu hút sự quan tâm chú ý của nhiều người, đặc biệt là các em thiếu niên, nhi đồng. Ra mắt và đi vào hoạt động từ cuối năm 2013 đến nay, nhóm “Không gian đọc Hội An” đã thể hiện những nỗ lực đầy tâm huyết của những người yêu sách, say mê đọc sách và hoàn toàn tự nguyện theo sở thích.

Thường tổ chức hoạt động vào ngày cuối tuần, trước đây tại khu vực Bảo tàng Hội An (đường Trần Hưng Đạo) và hiện tại thì linh hoạt theo yêu cầu, mỗi lần như vậy nhóm “Không gian đọc Hội An” mang đến khoảng 500 đầu sách, báo và tạp chí các loại để phục vụ miễn phí cho nhân dân và du khách. Số sách, báo này do các tổ chức và cá nhân ở trong và ngoài thành phố đóng góp ủng hộ.

Trong bối cảnh hiện nay khi khoa học công nghệ phát triển, công nghệ số đã tác động đến nhiều lĩnh vực của đời sống, do đó văn hóa đọc cũng có nhiều thay đổi. Thực trạng về sách và văn hóa đọc nói chung trong thời đại công nghệ thông tin, chuyển đổi số ở Hội An hiện tại cũng giống thực trạng chung trên toàn quốc.

Ông Tống Quốc Hưng - Trưởng phòng Văn hóa - khoa học và truyền thông thành phố cho rằng, để tiếp tục đẩy mạnh văn hóa đọc cho mọi người và đặc biệt cho lớp trẻ trong thời đại kỷ nguyên số hiện nay, mỗi cá nhân phải tự chọn cho mình một cách đọc, một cách học cho phù hợp. Gia đình và nhà trường có trách nhiệm định hướng cho các em học sinh trong mọi lứa tuổi biết chọn lọc, biết học, biết tự đọc và đọc đúng đắn qua mạng, cũng như trên sách báo, tạp chí…

Nguồn: https://baoquangnam.vn/phat-trien-van-hoa-doc-o-hoi-an-3155503.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Hành trình bền bỉ trên cao nguyên đá
Cát Bà - bản giao hưởng của mùa hè
Đi tìm Tây Bắc cho riêng mình
Ngắm “cổng nhà trời” Pù Luông - Thanh Hoá

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm