Sau mưa bão ở địa bàn vùng núi lại nơm nớp nỗi lo sạt lở đất
Mưa dứt, nỗi lo bắt đầu
Theo thông tin từ Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự, PCTT và TKCN tỉnh Phú Thọ, từ ngày 21 đến sáng 23/7, do ảnh hưởng của cơn bão số 3, nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh đã có lượng mưa lớn, gây ra hiện tượng thấm nước sâu vào lòng đất, tăng nguy cơ sạt lở. Đến 8h30 sáng nay (23/7), theo ghi nhận tại xã Đức Nhàn, 2 tuyến đường liên xóm đã bị 1.000m3 đất đá sạt lở đổ tràn xuống mặt đường, gây ách tắc giao thông.
2 tuyến đường liên xóm xã Đức Nhàn bị sạt lở đất đá, gây ách tắc giao thông.
Ở xã Pà Cò, tình hình còn đáng lo ngại hơn. 4 hộ dân tại xóm Hang Kia bị đá lớn từ taluy dương trên tuyến đường ĐH.65 lăn xuống sát vách nhà. Ông Vàng A Dế chia sẻ trong lo lắng: Nhà tôi ngay dưới đường, đá to như bàn uống nước lăn xuống còn cách nhà chưa đến 5m. Giờ cứ thấy trời mưa là lại run, không biết bao giờ nó lăn tiếp. Mình đi sơ tán thì lo nhà, mà ở lại thì sợ nguy hiểm đến tính mạng.
Theo đồng chí Trần Văn Truyền - Chủ tịch UBND xã Pà Cò thì: Để đảm bảo an toàn, UBND xã đã vận động các hộ dân có nhà trong khu vực có nguy cơ sạt lở di dời tạm thời đến nhà người thân nhằm đảm bảo an toàn. Còn đối với tuyến đường ĐH.65 xã đã huy động lực lượng dọn đất, đá để thông xe tạm thời. Tuy nhiên, nếu mưa tiếp diễn, khả năng tiếp tục sạt lở trở lại là rất cao.
Theo dự báo thời gian tới trên địa bàn tỉnh tiếp tục có mưa nên nguy cơ sạt lở đất đá còn tiềm ẩn diễn biến khó lường.
Không chỉ ở tuyến đường ĐH.65 mà trên tuyến đường liên xã nối xóm Hang Kia (Pà Cò) với xóm Tà Dê xã Vân Hồ (Sơn La) cũng bị sạt lở đất đá tại Km 0+900, gây tắc nghẽn hoàn toàn. Còn tại xã Quy Đức, mưa lớn kèm giông lốc đã khiến một hộ dân bị sập tường nhà do đất từ taluy dương sạt lở vào. Ngoài ra, một hộ khác bị nứt tường và nền nhà do sụt lún từ taluy âm.
Tại xã Mai Hạ, chính quyền đã sơ tán khẩn cấp 13 hộ dân ở các khu vực nguy cơ sạt lở cao đến nơi an toàn. Trong đó có 12 hộ ở xóm Thanh Mai và 1 hộ ở xóm Lầu. Tại xã Minh Đài cũng đã có 4 hộ dân bị đất đá tràn vào nhà...
Ngày 23/7, theo báo cáo từ các xã, phường cho thấy: Sau đợt mưa bão vừa qua, trên địa bàn toàn tỉnh đã xuất hiện hàng chục điểm sạt lở lớn nhỏ, hàng trăm mét khối đất đá đã sạt lở xuống các tuyến đường và khu dân cư. Lực lượng chức năng các địa phương trong toàn tỉnh đã di dời 719 hộ dân nằm trong vùng nguy hiểm có nguy cơ về sạt lở đất và lũ ống, lũ quét về nơi an toàn.
Lực lượng chức năng hỗ trợ các gia đình nằm trong khu vực có nguy cơ cao về sạt lở ở xóm Thanh Mai xã Mai Hạ về nơi tránh trú an toàn.
Tình trạng sạt lở nghiêm trọng cũng xảy ra ở nhiều hồ, đập tràn, công trình thủy lợi như: Đập tràn Hồng Kiên xã Minh Đài bị sạt lở khoảng 20m2 mái kè taluy; hồ thủy lợi Nà Ai xã Tân Lạc bị sạt lở chân đập sâu 3m, dài 10m, khối lượng đất trượt khoảng 100m3...
Cảnh báo nguy cơ sạt lở đất trên diện rộng
Đồng chí Nguyễn Hùng Sơn - Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự, PCTT và TKCN tỉnh Phú Thọ cho biết: Sau cơn bão số 3 với lượng mưa lớn một số khu vực đã đạt trạng thái bão hòa (trên 85%). Điều này làm giảm lực liên kết của đất đá, khiến nguy cơ sạt lở cực kỳ cao. Nhất là ở vùng núi và khu dân cư nằm dưới chân đồi.
Sau cơn bão số 3 nhiều nơi trên địa bàn tỉnh đất đã đạt trạng thái bão hòa.
Theo thông báo mới nhất của Đài khí tượng thủy văn tỉnh Phú Thọ vào hồi 15h30’ ngày 23/7, dự báo trong 24 đến 48 giờ tới do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới hoạt động mạnh. Từ đêm nay (23/7) đến chiều ngày 25/7, trên địa bàn tỉnh tiếp tục có mưa rào và dông. Cục bộ có mưa to với lượng mưa phổ biến từ 20mm-70mm. Có nơi lượng mưa trên 100mm. Mưa lớn cục bộ có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp, lũ quét trên các sông, suối nhỏ.
Đặc biệt, sẽ làm tăng nguy cơ sạt lở, sụt lún đất. Trong đó, những địa phương có nguy cơ cao về sạt lở đất bao gồm: Quy Đức, Mai Châu, Pà Cò, Tân Lạc, Cao Sơn, Đà Bắc, Mường Bi, Yên Sơn, Ngọc Sơn, Tân Mai, Tân Pheo, Vân Sơn, Yên Sơn, Đức Nhàn, Hương Cần, Khả Cửu, Lai Đồng, Long Cốc, Thượng Long, Xuân Đài...
gây lũ trên các suối nhỏ và gây nguy cơ sạt lở đất ở nhiều nơi trên địa bàn xã Tân Sơn
Trước hình thái thời tiết nguy hiểm này, Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự, PCTT và TKCN tỉnh đã chỉ đạo các địa phương tăng cường theo dõi diễn biến thời tiết, tổ chức lực lượng kiểm tra các điểm, nơi có nguy cơ sạt lở cao; kịp thời cắm biển cảnh báo, cử người canh gác tại các tuyến đường và khu vực dân cư xung yếu; thực hiện phương châm “4 tại chỗ” để sẵn sàng ứng phó trong mọi tình huống thiên tai. Cùng với đó, tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn người dân nhận biết dấu hiệu trước khi sạt lở xảy ra như: Đất nứt, nước rỉ bất thường, đá lăn lẻ tẻ... để chủ động sơ tán kịp thời.
Lực lượng chức năng dọn dẹp cây cối bị gãy đổ do sạt lở đất.
Cơn bão số 3 đã tan, nhưng những hiểm họa mà nó để lại vẫn rình rập từng nóc nhà, từng tuyến đường ở các xã vùng cao. Khi thiên tai không chỉ còn là giông bão mà là hệ lụy kéo dài sau mưa, thì việc chủ động ứng phó, di dời dân cư và gia cố các tuyến đường, mái taluy cần được triển khai khẩn trương và quyết liệt hơn bao giờ hết.
Bài học về ứng phó, thích nghi và cảnh giác chưa bao giờ cũ. Đặc biệt ở các xã vùng cao của tỉnh. Nơi những vết sạt lở có thể bắt đầu ngay sau một cơn mưa vừa dứt...
Mạnh Hùng
Nguồn: https://baophutho.vn/sau-bao-la-noi-lo-sat-lo-dat-236617.htm
Bình luận (0)