Hầu như mỗi tối, Anuar đều phải chuẩn bị tinh thần đối mặt với tiếng ồn từ trẻ em chơi bóng đá ở tầng trệt tòa nhà.
Các chung cư bình dân (HDB) ở Singapore thường có tầng trệt là không gian mở, được sử dụng cho các hoạt động cộng đồng. Tại tòa nhà của Afiq Anuar, một nhóm trẻ dùng không gian này chơi bóng đá, khiến cuộc sống của gia đình Anuar trên tầng hai bị đảo lộn.
Đầu bếp 33 tuổi cho biết ba con trai anh không thể ngủ trưa, làm bài tập do những tiếng la hét, bóng đập và những lời chửi thề. Khi nghe các con lặp lại những lời chửi thề mà nhóm trẻ đá bóng thường dùng, Anuar quyết định hành động.
Tháng 8/2023, anh dán 6 áp phích ở tầng trệt, yêu cầu nhóm trẻ không chơi bóng. “Khi có 15 người đá bóng, la hét, chửi thề, bạn không thể chịu nổi”, Anuar nói.
Hôm sau, một số cậu bé bóc các áp phích và tiếp tục chơi.
Anuar không phải người duy nhất bị ảnh hưởng bởi tiếng ồn từ hàng xóm ở Singapore. Các căn hộ HDB là nhà ở xã hội do chính phủ Singapore xây dựng, được bán trực tiếp cho người dân với thời hạn sở hữu là 99 năm. Khoảng 80% người dân Singapore sống trong nhà ở xã hội.
Một số tiện ích công cộng trên khắp quốc đảo gần gây bị đóng cửa do khiếu nại ồn ào trong các khu dân cư.
Hội đồng Sembawang hồi tháng 11/2023 đóng cửa tạm thời một không gian tầng trệt tại địa phương, sau khi người dân phàn nàn về tình trạng học sinh đùa nghịch, la hét. Một tháng sau, một sân bóng đá đường phố ở Bedok North bị đóng cửa tạm thời do có nhóm sử dụng sân vào đêm khuya gây ồn ào.
Tình trạng này làm dấy lên tranh luận tại nước này, nhiều người đồng cảm với những người bị ảnh hưởng, số khác cho rằng dân Singapore đang trở nên ít khoan dung hơn với hàng xóm.
Khiếu nại tiếng ồn ở Singapore gia tăng trong đại dịch Covid-19. Năm 2021, Ủy ban Nhà ở nhận 3.200 khiếu nại mỗi tháng, giảm còn 2.300 đơn mỗi tháng trong năm 2022 và 2.150 đơn mỗi tháng năm 2023. Nhưng mức này cao hơn nhiều so với trung bình 400 đơn mỗi tháng năm 2019.
Gia đình Anuar đã phải chịu đựng tiếng ồn khi chuyển đến căn hộ ở Woodlands năm 2022. Ban đầu, anh nghĩ trẻ em chơi đùa sẽ không gây ảnh hưởng nhiều. Một năm sau, anh đã 20 lần khiếu nại qua ứng dụng điện thoại OneService, 10 lần gọi cảnh sát, nhờ đến báo chí và giới chức, song không có gì thay đổi.
Góp ý trực tiếp với nhóm trẻ cũng vô ích. Madam Mas, 62 tuổi, một cư dân tầng hai khác, cho biết các trận bóng thường xuyên khiến cháu gái ba tuổi của bà mất ngủ và bà đã nhiều lần mắng nhóm trẻ. “Chúng xin lỗi, rồi tiếp tục cuộc chơi 10 phút sau đó”, bà nói.
Các gia đình trong một tòa nhà ở Hougang cũng phải chịu những tiếng gõ lớn liên tục từ hàng xóm trong hơn 10 năm. Các gia đình cố gắng góp ý, nhưng chủ nhà rất khó gần. Họ cố gắng đưa sự việc lên tòa năm 2016, nhưng phải từ bỏ vì quy trình rườm rà.
Chuyển đi cũng không khả thi. “Bố mẹ tôi đã già, chuyển nhà phải cân nhắc tài chính. Chúng tôi là nạn nhân, tại sao phải chịu thiệt thòi để đổi bình yên?”, một người nói.
Ở Yew Tee, Patrick, 42 tuổi, mất ngủ mỗi ngày vì tiếng ồn ở tầng trên. Ban đêm và rạng sáng, anh nghe thấy tiếng đồ vật rơi. Ban ngày, anh nghe thấy tiếng chạy nhảy tập thể dục nhịp điệu.
“Giống như tôi đang sống trong một cái trống, hàng xóm là người cầm dùi”, Patrick nói. “Mong giới chức hành động nhiều hơn. Đây là vấn đề lớn, liên quan đến chất lượng giấc ngủ và sức khỏe tâm thần”.
Quốc hội Singapore gần đây thảo luận về tình trạng ô nhiễm tiếng ồn trong khu dân cư. “Các vụ đóng cửa tạm thời không gian chung cho thấy vấn đề này không thể thỏa hiệp. Các hành vi làm ồn là không thể chấp nhận được”, nghị sĩ Harun Alhabsyi phát biểu.
Bộ Phát triển Quốc gia cho biết loạt vụ đóng cửa là động thái mạnh tay, song cần thiết để cân bằng lợi ích người dân. Bộ trưởng Faishal Ibrahim nhấn mạnh các động thái này không bị xem nhẹ.
Nghị sĩ Yip Hon Weng đã hỗ trợ thành lập Văn phòng Dịch vụ Thành phố (MSO), cơ quan điều phối trực thuộc Bộ Phát triển Quốc gia, tạo ứng dụng OneService để thu thập khiếu nại. Ông cho biết các khiếu nại phổ biến thường liên quan đến tiếng ồn xây dựng và tiếng ồn trong khu dân sinh.
Khi xảy ra mâu thuẫn về tiếng ồn giữa hàng xóm, ông Weng thường yêu cầu ban lãnh đạo tòa nhà tạo điều kiện cho các bên đối thoại, hoặc khuyến khích họ đến Trung tâm Hòa giải Cộng đồng (CMC). Tại đây, các tình nguyện viên được đạo tạo sẽ giúp hòa giải các bên liên quan.
Nhưng chỉ 30% số người khiếu nại tìm đến CMC, dù trung tâm này hòa giải thành công hơn 80% số vụ. Nhiều nghị sĩ cũng gặp khó khăn trong nỗ lực thuyết phục người dân có mâu thuẫn về tiếng ồn tham gia hòa giải. Ngay cả khi hòa giải xong, một bên cũng có thể không tuân thủ các nghĩa vụ thỏa thuận.
Nếu quá trình hòa giải không có kết quả, người dân có thể đệ đơn lên Tòa án Giải quyết Tranh chấp Cộng đồng (CDRT), cơ quan có thể yêu cầu những cư dân vi phạm dừng hành vi làm ồn hoặc yêu cầu họ bồi thường thiệt hại.
Singapore đã lập kế hoạch thành lập một đơn vị mới trước cuối năm 2023 để giải quyết các mâu thuẫn kéo dài và nghiêm trọng liên quan đến ô nhiễm tiếng ồn giữa các hàng xóm. Đơn vị này sẽ được trao quyền điều tra các mâu thuẫn và ngăn chặn một số hành vi làm ồn. Tuy nhiên, kế hoạch này chưa được hoàn thành.
Chính phủ nước này cũng đề xuất phương án bắt buộc người dân phải hòa giải, sau khi lấy ý kiến công chúng năm ngoái. Những người liên quan đến mâu thuẫn tiếng ồn có thể bị phạt nếu không tham gia các phiên hòa giải bắt buộc.
Theo MSO, thúc đẩy chuẩn mực xã hội và sự can thiệp của chính phủ phải song hành trong vấn đề này. MSO cũng đang đào tạo cơ bản cho một số lãnh đạo địa phương để ứng phó các trường hợp mâu thuẫn tiếng ồn.
Văn phòng còn dựng một phòng trải nghiệm tiếng ồn miễn phí ở Tanglin Halt, cho phép người dân trải nghiệm những hành động hàng ngày của họ có thể tạo âm thanh tác động hàng xóm thế nào. Phòng này mở cửa đến cuối tháng 1.
“Dù phương pháp hòa giải có thể gặp nhiều thách thức, đây là cách bền vững và có ý nghĩa, nhằm đạt lợi ích chung cho mọi bên”, nghị sĩ Alhabsyi, kiêm bác sĩ tâm lý, nhận định.
Đức Trung (Theo Strait Times, AFP)