Văn hóa đọc thời đại 4.0

Ngày hội đọc sách 2024

Những người làm công tác xuất bản khẳng định sự xuất hiện của sách nói hay sách điện tử sẽ không triệt tiêu sách giấy, mà chỉ mở ra cách tiếp cận đa dạng hơn cho độc giả.

“Ngày hội vui, sách đến muôn nơi. Tình người yêu sách, đẹp tươi nụ cười. Từng trang sách cho ta ấm áp tình người, tin yêu cuộc đời, dệt thêu núi sông. Lời Bác nói thân yêu, hãy đi thật nhiều, hãy đọc thật nhiều, làm giàu tri thức, bảo vệ non sông, xây dựng quê hương… Mừng đón Ngày Sách Việt Nam, sách mang cho ta những điều hay, sách nâng tri thức vững tương lai”.

Sáng 24/4, tại TP.HCM, những ca từ trong bài Hát mừng Ngày Sách Việt Nam cất lên bởi thạc sĩ Thái Thu Hoài – Phó trưởng khoa Xuất bản, Đại học Văn hóa TP.HCM – truyền cảm hứng cho nhiều sinh viên, người trẻ có mặt tại đây.

Cùng đó, những câu chuyện xoay quanh xu thế của văn hóa đọc trong bối cảnh chuyển đổi số được đưa ra thảo luận tại tọa đàm “Văn hóa đọc trong thời công nghệ 4.0”. Đây là sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ nhất.

Văn hóa đọc thời đại 4.0
Từ trái qua: Thạc sĩ Thái Thu Hoài, TS Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc Đối ngoại Fonos Thái Minh Châu chia sẻ tại tọa đàm sáng 24/4. Ảnh: T.H.

Văn hóa đọc tỷ lệ thuận với nền kinh tế quốc gia

Tại buổi giao lưu, một số sinh viên Đại học Văn hóa TP.HCM nêu lý do khiến bản thân chưa thực sự hứng thú với việc đọc. Theo đó, rào cản từ bên trong, truyền thống đọc sách trong gia đình, thiếu thời gian, bị phân tâm bởi những ứng dụng mạng xã hội… là những nguyên nhân chính được đề cập.

TS Nguyễn Mạnh Hùng – Chủ tịch HĐQT Thái Hà Books – cho rằng điều quan trọng nhất để đọc nhiều sách là bản thân mỗi người phải yêu thích sách và tìm được cảm hứng mỗi khi cầm cuốn sách, tiếp đến mới là kỹ năng đọc.

“Chúng ta phải xem đọc là một công việc mang tính chất chủ động. Con người có những thói quen tự nhiên, không cần cố gắng như ăn uống, hít thở, quan sát xung quanh. Nhưng để có được thói quen đọc, phải trải qua thời gian, sự kiên trì và nỗ lực”, TS Hùng nói.

Thạc sĩ Thái Thu Hoài dẫn một số liệu thống kê cho thấy tỷ lệ đọc sách của người dân Việt Nam trong năm qua là 20%. Những năm gần đây, mô hình tủ sách nở rộ. Các thư viện quan tâm chọn lọc sách để gửi về nơi cung ứng cần thiết. Ngày 23/4 vừa qua, lễ ký kết phối hợp hoạt động giữa Thành đoàn và Đường sách TP.HCM được thực hiện với mong muốn đưa sách đến thanh niên nhiều hơn.

Theo đó, câu hỏi đặt ra là: Tại sao sức đọc của chúng ta lại có vấn đề trong khi ngành xuất bản đã nỗ lực thực hiện công tác khuyến đọc?

Giảng viên Thu Hoài nói yếu tố tuổi thơ, gia đình, nhà trường chính là những nguyên nhân tác động đến thói quen đọc. Giải pháp cho vấn đề này là sự đồng bộ từ cấp quản lý, thiết chế xã hội, giới xuất bản đến từng cá nhân; phải ý thức được rằng văn hóa đọc tỷ lệ thuận với sự phát triển kinh tế của quốc gia.

“Thế hệ trẻ cần hiểu được giá trị của việc đọc: Đọc để làm nghề, làm người, để cảm thấy hạnh phúc vì được thư giãn sau mọi lo toan, vướng bận của cuộc sống. Khi ấy, thói quen đọc mới có thể hình thành”, thạc sĩ Thu Hoài lý giải.

Văn hóa đọc thời đại 4.0
Bạn đọc trải nghiệm sách nói tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (TP.HCM). Ảnh: Chí Hùng.

Cơ hội tiếp cận sách đa dạng

Bà Thái Minh Châu – Giám đốc Đối ngoại Fonos (ứng dụng sách nói có bản quyền) – chia sẻ trong đại dịch, sách không được coi là mặt hàng thiết yếu để vận chuyển. Việc chuyển đổi những cuốn sách giấy sang định dạng sách nói là bước đi lớn, bắt kịp thời đại, thể hiện sự nhanh nhạy của giới xuất bản.

“Tính tiện dụng của sách nói giúp độc giả được thụ hưởng sách thuận lợi hơn. Tốc độ tăng trưởng của Fonos trong đại dịch gấp 9 lần so với trước. Khoảng 500 cuốn sách của chúng tôi được thực hiện bởi hệ thống khép kín, thu âm, chọn giọng đọc chất lượng, đảm bảo cảm xúc của người nghe”, bà Minh Châu tiết lộ.

Cũng theo bà Châu, ngay từ nhỏ, chúng ta được ông bà, cha mẹ đọc truyện cho nghe; khi đi học lại được thầy cô đọc bài trên lớp. Điều đó cũng có nghĩa là thói quen nghe sách của người Việt đã được hình thành từ rất sớm.

Xét về tính tiện ích của sách nói, bà Minh Châu cho rằng sự ra đời của định dạng này hướng tới nhiều đối tượng độc giả hơn. Với những người thị giác kém hoặc quá bận rộn với công việc, sách nói là lựa chọn phù hợp. Từ đó, số lượng sách đọc trên đầu người sẽ tăng.

“Ứng dụng của công nghệ giúp ngành xuất bản hoạt động sôi nổi hơn. Chúng ta đang thực hiện chuyển đổi số, có những bước ngoặt lớn cho toàn ngành. Xuất bản truyền thống và phi truyền thống sẽ song hành cùng nhau”, bà Minh Châu nói.

Tuy nhiên, công nghệ phát triển không đồng nghĩa với việc sách giấy sẽ mất đi vị thế. Giám đốc Đối ngoại Fonos tin rằng sách giấy vẫn có vị trí với thị trường và văn hóa đọc.

Theo quan sát của TS Nguyễn Mạnh Hùng, ở các quốc gia Đông Nam Á, xuất bản điện tử hiện chưa mạnh như Mỹ hay các quốc gia châu Âu, nhưng đó chắc chắn sẽ là xu thế phù hợp thời đại.

Ông nói thêm: “Tại hội sách London (Anh) hay Bangkok (Thái Lan) mới diễn ra gần đây, trong nhiều diễn thuyết, các chuyên gia đều khẳng định sách điện tử, sách nói là hướng đi không thể dừng lại. Song chúng vẫn không thể thay thế sách giấy”.

Những ngày qua, khi chứng khiến không gian sách số tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (TP.HCM), thạc sĩ Thái Thu Hoài nhận định rằng ứng dụng công nghệ sẽ giúp nền xuất bản số cũng như việc đọc sách có thêm nhiều phương tiện hỗ trợ, mang đến cơ hội tiếp cận sách dễ dàng hơn cho độc giả.

Nguồn: Znews.vn

Đọc thêm

Khơi dậy niềm đam mê đọc sách để mở rộng kiến thức, phát triển tư duy

Đại diện Ban tổ chức, doanh nghiệp đã trao tặng sách cho Thư viện tỉnh Quảng Bình, tổng trị giá gần 20 triệu đồng.(PLVN) - Chiều 18/4, tại Thư viện tỉnh Quảng Bình, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Giáo dục và Đào...

Hơn 200 học sinh tham gia đọc sách tại Không gian Thư viện xanh

Học sinh hứng thú tìm đọc những cuốn sách theo sở thíchĐây là hoạt động hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2025, chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).Tham gia chương trình...

Lan tỏa phong trào đọc sách trong lực lượng Công an tỉnh Bình Thuận

Trải dài theo thời gian, sách được ví như kho tàng tri thức vô giá của nhân loại, lưu giữ những tinh hoa văn hóa, những bài học lịch sử và những kinh nghiệm quý báu được đúc kết qua nhiều thế hệ. Nhận thức sâu sắc tầm...

Độc giả trẻ tìm đọc sách văn học, lịch sử

Những tác phẩm không chỉ cung cấp kiến thức mà còn truyền tải những giá trị nhân văn, lòng yêu nước và niềm tự hào dân tộc.Một tín hiệu tích cực là các đầu sách văn học, lịch sử vẫn giữ được chỗ đứng, phản ánh những câu chuyện thời...

Hướng dẫn kỹ năng đọc sách hiệu quả cho học sinh

ThS Lê Thị Hiếu Thảo, Chuyên gia Giáo dục Kỹ năng sống - Kỹ năng Tự hướng nghiệp, giao lưu với HS Trường THCS Nguyễn Văn Linh (TP. Vũng Tàu).Đây là hoạt động nhân Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2025 (21/4).Các em học sinh...

Ngày hội đọc sách 2025