0 ₫

Chưa có sản phẩm trong giỏ hàng.

0 ₫

Chưa có sản phẩm trong giỏ hàng.

Hướng đi tiềm năng cho ngành xuất bản

Ngày hội đọc sách 2023

Sách mới

Theo ông Nguyễn Nguyên, hoạt động văn hóa đọc đang được triển khai ở khắp tỉnh, thành trên cả nước, mở ra thị trường tốt cho ngành xuất bản.

Là người tiếp xúc và làm việc với giới xuất bản ở nhiều quốc gia, ông Phạm Trần Long – Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Thế Giới; Trưởng ban Đối ngoại, Hội Xuất bản Việt Nam – nhận thấy việc thúc đẩy người dân mua sách thông qua chương trình ưu đãi, giảm giá; tổ chức các hoạt động và tặng voucher mua sách; đưa tiết đọc vào chương trình học… là những chính sách khuyến đọc mà các nước bạn đang thực hiện.

“Các quốc gia, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á, đều thực hiện những chính sách tương đối giống chúng ta, nhưng tại sao kết quả thu về lại khả quan hơn? Tỷ lệ đọc sách của họ cao hơn chúng ta phải chăng là vì thời gian, cường độ áp dụng lâu và mạnh hơn?”, ông Long đặt câu hỏi.

Những thắc mắc xoay quanh vấn đề phát triển văn hóa đọc một lần nữa được nêu ra tại tọa đàm “Văn hóa đọc: Cơ hội, thách thức và những kiến nghị”, được tổ chức dưới hình thức trực tuyến tối 22/4. Đây là sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ nhất.

Hướng đi tiềm năng cho ngành xuất bản
Các hoạt động, sự kiện về sách và văn hóa đọc diễn ra sôi nổi trên cả nước kể từ đầu tháng tư. Ảnh: Hoàng Hà.

Số đầu sách không tỷ lệ thuận với lượng độc giả

Ông Lê Hoàng – Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, Giám đốc Công ty Đường sách TP.HCM – thông tin nếu so sánh số liệu của năm 2019 và 2014, số đầu sách của chúng ta tăng 30%, nhưng lượng bản in chỉ tăng 19% và số sách tiêu thụ được cũng chỉ tăng 16%.

“Điều đó chứng tỏ những giải pháp quan tâm tới thị trường đọc chưa đạt được kết quả như mong muốn. Sức đọc không theo kịp số lượng sách được xuất bản”, ông Lê Hoàng nhận định.

Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Thành Nam – Phó giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Trẻ – cho rằng những năm gần đây, nhờ nỗ lực trong việc tìm kiếm đề tài cùng sự ra đời của nhiều công ty sách tư nhân, số đầu sách tăng mạnh so với lượng bản in. Tuy nhiên, tỷ lệ người đọc lại không tăng tương xứng với số tựa sách.

Theo ông Nam, vấn đề đặt ra tiếp theo là sự xuất hiện của ebook và audio book khiến người làm công tác xuất bản, in và phát hành trăn trở: Liệu 2 định dạng này có giết chết sách giấy không? Đặc biệt, nạn sách lậu, sách giả còn tồn tại, trở thành rào cản thứ ba của ngành xuất bản.

Nhật Bản được biết đến là một trong số ít quốc gia ban hành 2 đạo luật về văn hóa đọc: Luật Khuyến khích đọc sách của trẻ em (2001) và Luật Chấn hưng Văn hóa đọc (2005).

Ông Nguyễn Nguyên – Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông), Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam – nhận thấy sự phát triển văn hóa đọc của người Nhật đến từ 5 yếu tố.

Thứ nhất, họ quan niệm văn hóa đọc là hoạt động thuộc về tinh thần. Thứ hai, khái niệm này gắn với sự phát triển của ngôn ngữ, hồn cốt của dân tộc. Do đó, nó là sự cộng hàm của văn hóa tinh thần và chữ quốc ngữ. Thứ ba, người Nhật coi văn hóa đọc là phạm trù bao hàm tất cả hoạt động xuất bản.

“Hai yếu tố quan trọng tiếp theo là ở nước bạn, khi đề cập văn hóa đọc là nói tới thói quen và thời điểm bắt đầu đọc. Họ đề cao vai trò tạo lập thói quen đọc từ khi còn nhỏ và luôn nghĩ rằng trách nhiệm thúc đẩy thói quen đọc sách không phải của riêng ai, mà là của gia đình, nhà trường, xã hội”, ông Nguyễn Nguyên nói.

Hướng đi tiềm năng cho ngành xuất bản
Đưa tiết đọc vào nhà trường là một trong số giải pháp phát triển văn hóa đọc. Ảnh: Chí Hùng.

Môi trường để tạo dựng thói quen đọc

Việc sử dụng cơ chế, chính sách tác động để có khung hành lang pháp lý đã đem lại hiệu quả cho giới xuất bản. Điều đó được thể hiện rõ qua quyết định của Thủ tướng khi công nhận 21/4 là Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam.

Bên cạnh đó, giới xuất bản nhận định gia đình và trường học là 2 môi trường quan trọng đối với việc tạo dựng thói quen đọc sách, từ đó phát triển văn hóa đọc.

“Thế nhưng, đưa sách vào trường học như thế nào, đọc sách gì, đọc như thế nào… là những vấn đề cần có thông tin, hướng dẫn cụ thể”, ông Nguyễn Tuấn Quỳnh – đại diện Saigon Book – nêu quan điểm.

Từ đó, ông Quỳnh đề xuất thực hiện thí điểm tiết đọc sách tại một vài trường học. Ông cũng cho rằng để người dân tiếp cận sách một cách thuận tiện nhất, các nhà sách phải phân bố đồng đều tại địa phương. Đặc biệt, người quản lý đường sách, nhà sách phải “coi việc kéo người đọc đến là nhiệm vụ chính, để những khu vực đó trở thành điểm hẹn văn hóa”.

Khi nghiên cứu và áp dụng các mô hình hướng dẫn đọc sách trong nhà trường tại một số tỉnh, thành, TS Nguyễn Thị Ngọc Minh – giảng viên Đại học Sư phạm Hà Nội, chủ dự án “Sách ơi, mở ra” – nhận thấy nhiều trường học đã nhận thức được vai trò của việc đọc, song mọi hoạt động mới chỉ dừng lại ở bề nổi, thiếu tính hệ thống, bài bản.

Chia sẻ tại tọa đàm, TS Ngọc Minh đưa ra 3 phương pháp đọc sách trong nhà trường. Thứ nhất, cả giáo viên và học sinh cùng đọc. Khi đó, vai trò của giáo viên sẽ chiếm khoảng 70% trong việc hướng dẫn trẻ cách đọc.

Thứ hai là mô hình chia lớp học thành nhiều nhóm nhỏ (mỗi nhóm không quá 5 em), phân loại sách theo độ khó, tùy vào trình độ để lựa chọn sách phù hợp cho từng nhóm. Giáo viên lên thời gian biểu cho tiết đọc và tiến hành các bài kiểm tra sau khi đọc.

“Đọc độc lập là mô hình thứ ba, rất phổ biến trên thế giới và đã được tôi áp dụng ở một số trường học. Học sinh sẽ tự chọn sách theo sở thích. Mỗi tháng, giáo viên tổ chức hội thảo để các em cùng chia sẻ về cuốn sách của mình với các bạn. Khi đó, vai trò cá nhân sẽ được đề cao”, TS Ngọc Minh nói.

Cũng trong tọa đàm, bà Khúc Thị Hoa Phượng – Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam – cho rằng gia đình là môi trường quan trọng để tạo dựng thói quen đọc. Hiện nay, nhiều bậc phụ huynh thường lúng túng trong phương pháp đọc và chọn sách cho con.

“Khi đó, các cuốn sách nói về vai trò của sách và hướng dẫn cách đọc sẽ là cẩm nang hữu ích cho cha mẹ. Một số cuốn có thể kể đến như: Nơi chỉ có người đọc sách mới có thể chạm tới; Readology: Đọc thế nào?; Hướng dẫn xây dựng tủ sách gia đình…”, bà Hoa Phượng gợi ý.

Đứng trước nhiều thách thức, người làm công tác xuất bản vẫn nhìn thấy những tiềm năng nhất định để phát triển văn hóa đọc.

Theo thống kê, hiện nay, Việt Nam có 21% người dân đọc sách. Ông Nguyễn Nguyên cho rằng con số này sẽ mở ra thị trường tiềm năng cho việc thúc đẩy văn hóa đọc. Cùng đó, các sự kiện, hội sách đang được triển khai ở khắp tỉnh, thành trên cả nước cũng là bước đi khả quan cho người làm sách.

Nguồn: Znews.vn

Đọc thêm

Đọc sách là bệ phóng giúp vĩ nhân vươn xa trong sự nghiệp

Bà Lee Ha-Young, tác giả cuốn "Thư viện của những thần tượng", cho rằng các nghệ sĩ luôn khao khát học hỏi lẫn nhau, từ thế giới tri thức nằm trong sách vở. Tác giả Lee Ha-Young. Ảnh: NVCC. Mỗi dịp tháng tư về, người yêu sách trên toàn thế giới lại...

Chung tay đóng góp mang sách đến trẻ em khó khăn ở ĐBSCL

“Ngoài việc học, nhu cầu đọc truyện thiếu nhi giải trí của các em học sinh tất cả khối lớp rất nhiều, số sách hiện có của nhà trường chưa thể đáp ứng hết”, đại diện trường Tiểu học Trường Xuân 2, huyện Tháp Mười, Đồng Tháp chia sẻ...

Độc giả Hà Nội, TP.HCM vượt nắng nóng đi hội sách mua giá hời

Dù đang bị gãy chân và thời tiết ngày cuối tuần khá oi bức, Vân Anh (19 tuổi, Hà Nội) vẫn nhờ bạn chở tới Hồ Văn (thuộc khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám) để tham dự hội sách. Vừa chống nạng khập khiễng, cô vừa...

Lan tỏa tri thức sâu – rộng – nhanh

Hôm nay (21/4), đánh dấu 10 năm nước ta tổ chức Ngày Sách Việt Nam (2014-2024) và sau này được nâng tầm lên là Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam (từ năm 2022). Sự khởi sắc rõ rệt thể hiện ở Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt...

Cởi bỏ áp lực thành tích để đồng hành cùng con

Bộ sách “Để con tự học” mang đến cho phụ huynh và độc giả nhiều phương pháp giáo dục con hiệu quả, đặc biệt là cách giúp con tự giác và chủ động học tập. Để nuôi dạy con cái tốt, các bậc cha mẹ nên xây dựng tính tự...

Ngày hội đọc sách 2024

Sách hay