Trong nhiều năm làm việc với học sinh từ 13 đến 18 tuổi, cô Hà Minh - người sáng lập chương trình cố vấn phát triển bản thân Mentors14 đã có cơ hội đồng hành, hỗ trợ rất nhiều bạn trẻ đến từ cả các trường công lập lẫn trường quốc tế. Từ góc nhìn của một “mentor” - người cố vấn đồng hành thay vì một người đánh giá, cô Hà Minh chia sẻ những quan sát và trăn trở về sự mất kết nối giữa cha mẹ và con cái, cùng những giải pháp để tạo dựng một hành trình trưởng thành vững vàng cho thế hệ trẻ.
- Bà đánh giá mối quan hệ giữa phụ huynh và con cái trong giai đoạn dậy thì ở xã hội hiện nay ra sao?
Tôi cho rằng, một trong những mâu thuẫn lớn nhất hiện nay không nằm ở việc “khác biệt thế hệ” mà là “khác biệt trong cách nhìn nhận con cái”. Rất nhiều phụ huynh yêu con bằng sự hi sinh thầm lặng, nhưng lại thể hiện điều đó qua kỳ vọng: Điểm số tốt, ngoan ngoãn, không gây rắc rối. Trong khi đó, các em tuổi teen lại cần sự lắng nghe và được công nhận như một cá thể độc lập.
Nhiều bạn trẻ tâm sự với tôi rằng các em không dám nói thật với cha mẹ vì sợ bị mắng, sợ làm họ buồn. Từ đó, khoảng cách bắt đầu hình thành. Một đứa trẻ càng thông minh và nhạy cảm lại càng dễ giấu nỗi buồn. Và chính sự im lặng ấy khiến người lớn lầm tưởng rằng mọi thứ vẫn ổn, trước khi những vấn đề khó lường ập đến.

- Các vấn đề của học sinh trường công lập và trường quốc tế gặp phải thường là gì, thưa bà?
Các vấn đề hai nhóm học sinh gặp phải có khác biệt, song không phải ở bản chất vấn đề mà ở hình thức biểu hiện và cách các em được đối xử.
Học sinh trường công thường chịu áp lực từ thi cử, kỳ vọng điểm số và định hướng nghề nghiệp truyền thống. Trong khi đó, học sinh theo học môi trường quốc tế lại đối mặt với những khủng hoảng bản sắc, tự do nhưng cũng nhiều hoang mang, đặc biệt khi các em tiếp xúc sớm với giá trị hơi hướng quốc tế mà chưa có nền tảng vững chắc từ bên trong.
Tôi từng gặp những học sinh trường quốc tế có hồ sơ học tập rất đẹp, nhưng lại trống rỗng về định hướng sống. Và ngược lại, có những bạn ở trường công rất nhiều tiềm năng nhưng lại thiếu người dẫn lối, nên không biết bắt đầu từ đâu.
- Theo bà, điều quan trọng có thể giúp các em vượt qua giai đoạn “ẩm ương, nhiễu loạn” này một cách lành mạnh, hạn chế xung đột và suy nghĩ, hành động lệch lạc là gì?
Tôi không nghĩ học sinh cần thêm người giám sát hay quản lý, bởi các em đã có cha mẹ, giáo viên, kỷ luật và hệ thống đánh giá rồi. Điều các em cần hơn là một người đồng hành có thể tin cậy.
Thứ các em thiếu là một người có thể lắng nghe mà không phán xét, đặt câu hỏi đúng lúc, và dẫn dắt các em tự tìm câu trả lời cho chính mình. Người ấy không “dạy” các em phải sống thế nào, mà sẽ tạo ra không gian đủ an toàn để các em “muốn” sống tốt hơn mỗi ngày. Cố vấn cá nhân có thể giải quyết được những vấn đề đó.
- Bà có thể chia sẻ cụ thể hơn về giải pháp cố vấn cá nhân - công việc mà chính bà đang theo đuổi?
Tôi không áp dụng một công thức cố định, bởi mỗi học sinh là một thế giới riêng biệt. Tuy nhiên, tôi luôn bắt đầu bằng việc xây dựng niềm tin. Khi một học sinh đủ tin tưởng để chia sẻ thật - dù chỉ một câu chuyện nhỏ - đó là lúc hành trình cố vấn thực sự bắt đầu.
Chúng tôi làm việc với học sinh theo chu trình rõ ràng: Khám phá bản thân, định hình giá trị sống, thiết kế mục tiêu học tập và phát triển toàn diện (từ học thuật, kỹ năng, đến cảm xúc và định hướng nghề nghiệp). Không chỉ đưa ra lời khuyên, chúng tôi đồng hành cùng các em qua từng cột mốc chuyển tiếp - từ lớp 9 lên lớp 10, hay từ giai đoạn chuẩn bị hồ sơ du học cho đến khi cầm được thư mời nhập học.
- Chương trình cố vấn phát triển bản thân, đơn cử như Mentors14, vận hành và tiếp cận với các bạn trẻ ra sao, thưa bà?
Chương trình của chúng tôi Mentors14 không phải là một trung tâm luyện thi hay tư vấn du học thông thường. Chúng tôi xây dựng một hệ sinh thái cố vấn phát triển bản thân Mentoring 1:1 với mục tiêu hỗ trợ học sinh phát triển bản thân một cách bền vững - từ nội lực đến năng lực.
Thông qua những chương trình dài hạn cá nhân hóa, Mentors14 cung cấp mentor - người định hướng phù hợp cho từng học sinh, giúp các em có lộ trình phát triển rõ ràng và đồng hành sát sao trong suốt 1 - 3 năm, chứ không chỉ can thiệp ngắn hạn. Mỗi thành viên trong hệ thống không chỉ là chuyên gia, mà còn là người bạn lớn - những người “đủ gần” để lắng nghe và “đủ xa” để dẫn lối, định hướng.
Chúng tôi tin rằng, để một đứa trẻ có thể “tỏa sáng”, điều cần nhất không phải là ánh đèn sân khấu, mà là một sự thấu hiểu và một bàn tay vững chắc đặt sau lưng các em - âm thầm nhưng luôn hiện diện.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/su-im-lang-cua-tre-va-lam-tuong-cua-cha-me-2399389.html
Bình luận (0)