Nhiều khách nước ngoài đặc biệt thích thú khi đọc được những sử liệu có từ hơn 300 năm trước trên các ma nhai ở danh thắng Ngũ Hành Sơn.
Toàn cảnh khu danh thắng Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng vừa được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch không gian gần 105ha - Ảnh: NHỊ TRÌNH
Khu danh thắng Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng được xem là không gian "đặc quánh" di sản, di tích của vùng đất xứ Quảng.
Ở đây có Lễ hội Quán Thế Âm, Làng đá mỹ nghệ Non Nước đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Khu danh thắng được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, và mới đây nhất ma nhai (văn khắc trên đá) tại đây được UNESCO ghi danh di sản tư liệu thuộc Chương trình ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Theo Ban quản lý di tích danh thắng Ngũ Hành Sơn, với việc được UNESCO công nhận di sản tư liệu mới đây là điều kiện thuận lợi để tiếp tục triển khai các hoạt động xúc tiến, quảng bá nhằm phục hồi lượng du khách như thời điểm trước dịch (năm 2019 nơi đây đón 2,1 triệu lượt khách, trong đó khách nước ngoài hơn 1,3 triệu lượt, thu ngân sách hơn 85 tỉ đồng từ tiền bán vé và tổ chức các hoạt động).
Ông Hà Vỹ, phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP Đà Nẵng, nhận định điểm thú vị của bia ma nhai Ngũ Hành Sơn ngoài nhiều các bản ca ngợi cảnh đẹp của danh thắng này, nhiều bản có thể xem là nguồn cứ liệu lịch sử chân xác phản ánh mối quan hệ giao lưu văn hóa, kinh tế, xã hội của các quốc gia châu Á thời Hội An còn là thương cảng lớn của khu vực.
Đây thực sự là sợi dây quá khứ để du khách Trung Quốc, Nhật Bản tìm tới.
Khi xem bia ma nhai Phổ Đà sơn Linh Trung Phật trên ngọn Thủy Sơn, nhiều vị khách Trung Quốc đọc được những chữ khắc trên bia đá tỏ ra thích thú khi biết rằng tấm bia này đã được lập ra hơn 300 năm trước.
Nhiều người tỏ ra bất ngờ vì hơn 300 năm trước đã có nhiều người Trung và Nhật đến với vùng đất này và lưu lại những dấu tích.
Du khách trở lại danh thắng Ngũ Hành Sơn sau thời gian bị ảnh hưởng vì dịch COVID-19 - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
Động Huyền Không được xem là động đẹp nhất danh thắng Ngũ Hành Sơn - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
Ma nhai (văn khắc trên đá) ở Ngũ Hành Sơn chứa đựng nhiều thông tin. Trong đó có phản ánh mối quan hệ giao lưu văn hóa, kinh tế, xã hội của các quốc gia châu Á thời Hội An còn là thương cảng lớn của khu vực - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
Hai cây bàng, cây di sản có tuổi đời hàng trăm năm trước chùa Tam Thai - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
Trong số các ngọn núi Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ thì ngọn Thủy Sơn có nhiều hang động đẹp và kỳ bí nhất - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
Một góc chùa Quán Thế Âm nơi tổ chức lễ hội được công nhận di sản văn hóa phi vật thể - Ảnh: NHỊ TRÌNH
Từ đài vọng cảnh ở ngọn Thủy Sơn có thể nhìn thấy những ngọn núi khác - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
tuoitre.vn
Bình luận (0)