Nhân Ngày Thế giới không thuốc lá 31/5/2025, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phát động chiến dịch truyền thông toàn cầu với chủ đề “Vạch trần sự hấp dẫn giả tạo”, kêu gọi các quốc gia chung tay bảo vệ sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ, trước sự tấn công ngày càng tinh vi của ngành công nghiệp thuốc lá. Đồng thời chỉ ra sự thật đằng sau những tuyên bố gây hiểu lầm của các tập đoàn thuốc lá.
Ngành công nghiệp thuốc lá đóng góp cho nghiên cứu khoa học về tác hại của thuốc lá để bảo vệ sức khoẻ cộng đồng?
Sự thật thì ngành công nghiệp thuốc lá có lịch sử lâu đời trong việc tạo ra các tranh luận về hút thuốc và sức khỏe để bác bỏ hoặc làm giảm giá trị của các nghiên cứu khoa học về tác hại của thuốc lá. Trước đây, các nghiên cứu của họ tập trung vào phủ nhận tác hại của thuốc lá. Gần đây khi nhận thức về tác hại của thuốc lá trong cộng đồng đã được nâng cao, ngành công nghiệp thuốc lá đã chuyển sang quảng bá các sản phẩm mới như là một giải pháp thay thế "an toàn hơn" để tiếp tục thu hút người dùng. Các bằng chứng từ các nghiên cứu do các tập đoàn thuốc lá cung cấp thường do chính các công ty thuốc lá tài trợ, không đảm bảo tính khách quan, minh bạch.
Các công ty thuốc lá đang tuân thủ các quy định cấm quảng cáo, tiếp thị sản phẩm?
Thực tế, các tập đoàn thuốc lá trên toàn cầu sử dụng nhiều chiến lược quảng bá, tiếp thị tinh vi, chủ yếu nhằm vào thanh thiếu niên, phụ nữ và trẻ em gái thông qua các phương tiện truyền thông hiện đại, người có sức ảnh hưởng trong cộng đồng, tài trợ cho các hoạt động thể thao như đua xe, bóng đá...
Đã có các vụ kiện ngành công nghiệp thuốc lá, ví dụ như vào tháng 2/2025, cơ quan tư pháp bang New York (Hoa Kỳ) đã đệ trình đơn kiện 13 nhà sản xuất, phân phối và bán thuốc lá điện tử vì đã tiếp tay nhằm thúc đẩy “đại dịch” thuốc lá điện tử ở thanh thiếu niên.
Ngành công nghiệp thuốc lá đã thực hiện trách nhiệm xã hội (CSR) của doanh nghiệp và mang lại hiệu quả cho cộng đồng?
Sự thật thì ngành công nghiệp thuốc lá thực hiện trách nhiệm xã hội (CSR) với mục đích gây dựng hình ảnh để quảng bá, nhằm che đậy các tác động tiêu cực, bình thường hoá sản phẩm gây nghiện để thu hút người sử dụng.
Ủng hộ Chính phủ các nước trong phòng chống tác hại thuốc lá?
Trên thế giới, ngành công nghiệp thuốc lá có lịch sử lâu dài về việc thực hiện hành động pháp lý chống lại hoạt động PCTH thuốc lá. Họ luôn tạo ra những vụ kiện tụng, hoặc đe dọa kiện tụng hoặc tác động đến quá trình xây dựng chính sách nhằm trì hoãn việc ban hành hoặc làm suy yếu chính sách về PCTH thuốc lá.
Sản phẩm thuốc lá nung nóng (IQOS) chỉ dành cho người lớn và giúp cai nghiện thuốc lá điếu thông thường?
Thực tế thì các sản phẩm thuốc lá mới đang nhắm vào giới trẻ. Báo cáo phân tích mới đây của Tổ chức toàn cầu giám sát ngành công nghiệp thuốc lá (STOP) cho thấy, công ty Philip Morris Japan (PMJ) đã lập kế hoạch nhằm tạo ra sự chấp nhận rộng rãi của cộng đồng đối với IQOS (một sản phẩm thuốc lá nung nóng), trong đó bao gồm cả giới trẻ và thậm chí là học sinh chứ không chỉ nhắm tới những người trưởng thành đang hút thuốc.
Philip Morris quảng bá IQOS như một sản phẩm mang phong cách sống đầy khát vọng. Chiến lược tiếp thị này khiến các sản phẩm gây nghiện mới đã nhanh chóng đến tay những người chưa từng hút thuốc, đặc biệt là thanh thiếu niên, làm cho tỷ lệ sử dụng tăng nhanh trong học sinh.
Theo thống kê, tại Hoa Kỳ, giai đoạn 2017 - 2019 tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử tăng vọt từ 11,7% lên 27,5% ở học sinh THPT. Tại Vương quốc Anh, sử dụng thuốc lá điện tử ở trẻ em gái 15 tuổi đã tăng từ 10% vào năm 2018 lên 21% vào năm 2021. Trong khi ở New Zealand có 27% thanh niên sử dụng.
Tại Hàn Quốc, sau 1 năm thuốc lá nung nóng được giới thiệu trên thị trường, đã có 2,8% thanh thiếu niên THCS và THPT sử dụng sản phẩm này.
Tại Việt Nam, theo số liệu của Bộ Y tế, chỉ trong vòng 2 năm, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh 13 - 15 tuổi đã gia tăng một cách đáng kể (từ 3,5% năm 2022 lên 8,0% năm 2023). Sử dụng thuốc lá điện tử cao ở nhóm tuổi trẻ (15 - 24 tuổi) với tỉ lệ là 7,3%.
Các sản phẩm thuốc lá mới không phải là sản phẩm giảm hại. Cục Quản lý dược phẩm và thực phẩm Hoa Kỳ (DFA) chỉ xác nhận IQOS là sản phẩm giảm mức độ tiếp xúc với một số chất trong sản phẩm, không xác nhận đây là sản phẩm giúp giảm nguy cơ về sức khỏe, không công nhận thuốc lá nung nóng là sản phẩm an toàn cho sức khỏe hơn so với thuốc lá điếu thông thường.
Việc các công ty thuốc lá khuyến khích người nghiện thuốc lá điếu chuyển sang hút thuốc lá nung nóng để giảm hại là không có cơ sở khoa học. Thuốc lá nung nóng có chứa nicotine và cũng gây nghiện tương tự như thuốc lá điếu thông thường. Không thể coi là giảm tác hại thuốc lá điếu bằng cách cho sử dụng một sản phẩm gây nghiện khác, đồng thời tạo ra một thế hệ người nghiện mới (bao gồm cả trẻ em và phụ nữ). Bằng chứng từ các nước cho thấy việc người hút thuốc lá điếu chuyển sang thuốc lá nung nóng không làm cho họ có thể bỏ thuốc lá, mà ngược lại tiếp tục duy trì tình trạng nghiện nicotine và phơi nhiễm với nhiều hóa chất độc hại khi sử dụng đồng thời nhiều loại thuốc lá.
WHO đã khẳng định: “Không có bằng chứng nào chứng minh rằng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng ít gây hại hơn các sản phẩm thuốc lá điếu thông thường”. Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng chứa nicotine là chất gây nghiện cao, gây hại đến sức khỏe đặc biệt là sự phát triển não bộ ở trẻ em và thanh thiếu niên.
Nguồn: https://baophapluat.vn/su-that-dang-sau-nhung-cam-ket-cua-nganh-cong-nghiep-thuoc-la-post549161.html
Bình luận (0)