Qua 2 vụ cháy trên cho thấy công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) của các cơ quan, doanh nghiệp mặc dù đã được quan tâm thực hiện nhưng vẫn còn bộc lộ tồn tại, thiếu sót, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây cháy, nổ chưa được khắc phục, loại trừ; các hệ thống PCCC trang bị tại cơ sở chưa phát huy hiệu quả dẫn đến cháy lan, cháy lớn.
Để khắc phục ngay các tồn tại, thiếu sót, hạn chế trong công tác PCCC tại các cơ quan, doanh nghiệp, hộ gia đình, UBND tỉnh vừa ban hành văn bản yêu cầu Giám đốc, Thủ trưởng các sở, ban, ngành thuộc tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, UBND các xã, phường, thị trấn theo chức năng, nhiệm vụ tiếp tục thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công an, Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh về công tác PCCC và CNCH.
Giao Công an tỉnh phối hợp với các cơ quan chức năng khẩn trương điều tra xác định rõ nguyên nhân các vụ cháy, làm cơ sở xử lý trách nhiệm nếu có dấu hiệu vi phạm quy định về PCCC; đồng thời tuyên truyền, phổ biến, rút kinh nghiệm cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, tránh để xảy ra các vụ việc tương tự…
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Khoa học và Công nghệ, Đài Phát thanh - Truyền thình tỉnh, Báo Vĩnh Phúc, Trung tâm Thông tin công báo tỉnh, UBND các huyện, thành phố, UBND các xã, phường, thị trấn chủ trì, phối hợp với cơ quan Công an cùng cấp tăng cường, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, hướng dẫn kiến thức, kỹ năng PCCC và CNCH, các điều kiện an toàn cháy, nổ cho người dân và các cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao như nhà công nghiệp, nhà cao tầng, nhiều tầng, chợ, trung tâm thương mại, cơ sở kinh doanh karaoke, quán bar…
Sở Công thương phối hợp với Công an tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát hoạt động kinh doanh, bán lẻ, tàng trữ, sử dụng các loại chất, hàng hóa có tính chất nguy hiểm cháy, nổ cao của các cơ sở sản xuất nằm trong khu dân cư, cụm công nghiệp, làng nghề để chủ động phòng ngừa, không để xảy ra cháy, nổ…
Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với Công an tỉnh, UBND các huyện, thành phố thực hiện nghiêm việc thẩm định, cấp phép xây dựng, nghiệm thu đối với các công trình thuộc đối tượng thẩm duyệt thiết kế về PCCC. Thường xuyên kiểm tra, duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa, thay thế và lắp đặt mới các trụ nước chữa cháy tại các khu dân cư, khu đô thị, khu vực có nguy cơ cháy, nổ cao.
Sở Tài chính chỉ đạo rà soát quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị đối với khu dân cư, khu vực cải tạo, chỉnh trang đô thị, giải tỏa để có biện pháp, giải pháp hạn chế nguy cơ cháy, nổ; đặc biệt chú ý các điều kiện về giao thông, nguồn nước phục vụ công tác chữa cháy, CNCH.
Sở Nông nghiệp và Môi trường chỉ đạo lực lượng kiểm lâm, chủ từng tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện và ngăn chặn kịp thời nguy cơ gây cháy rừng; bố trí lực lượng ứng trực 24/24 giờ; bố trí các điểm chốt chặn, tuần tra, canh gác ở các khu vực trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng.
Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh tăng cường phối hợp với cơ quan Công an trong công tác kiểm tra bảo đảm an toàn PCCC và CNCH đối với các cơ sở trong các khu công nghiệp; chỉ đạo chủ đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp xây dựng duy trì hoạt động các đội PCCC chuyên ngành, đội PCCC cơ sở, bảo đảm các điều kiện để hoạt động hiệu quả.
Công ty Điện lực Vĩnh Phúc thường xuyên duy tu, bảo dưỡng, kiểm tra lưới điện, kịp thời phát hiện, xử lý các điểm có nguy cơ gây sự cố cháy nổ, thay thế các thiết bị đóng cắt đã bị hư hỏng, tiếp xúc kém có nguy cơ sinh ra tia lửa điện gây cháy, mất an toàn; phối hợp với các đơn vị truyền thông tuyên truyền, huấn dẫn kiến thức, kỹ năng an toàn trong quá trình sử dụng điện và kỹ năng xử lý tình huống khi có sự cố về điện xảy ra cho người dân, doanh nghiệp và các cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao…
Người đứng đầu các các sở, ban, ngành, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình tăng cường thực hiện công tác tự kiểm tra để phát hiện và khắc phục ngay các tồn tại, thiếu sót về PCCC, không để phát sinh nguy cơ gây cháy, nổ trong phạm vi quản lý; thường xuyên kiểm tra, thử nghiệm hệ thống PCCC được trang bị tại cơ sở, bảo đảm duy trì chế độ hoạt động của hệ thống này; duy trì chế độ thường trực của lực lượng PCCC cơ sở; thường xuyên tổ chức tập huấn, huấn luyện nghiệp vụ PCCC&CNCH, thực tập phương án CC&CNCH.
UBND các huyện, thành phố, UBND các xã, phường, thị trấn chỉ đạo tăng cường tuyên truyền về nguy cơ cháy, nổ, thường xuyên tập huấn kỹ năng thoát nạn, chữa cháy, phổ biến kiến thức, quy định của pháp luật về điều kiện an toàn PCCC đối với từng cơ sở, khu dân cư trong phạm vi quản lý.
Tổ chức kiểm tra kết quả khắc phục tồn tại, hạn chế và thực hiện kiến nghị về giải pháp bảo đảm an toàn PCCC của các cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao; kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, khắc phục ngay những tồn tại, thiếu sót về PCCC, đồng thời xử lý nghiêm, dứt điểm các trường hợp không chấp hành hoặc cố tình vi phạm các quy định pháp luật về PCCC.
Tin, ảnh: Hồng Chung
Nguồn: http://baovinhphuc.com.vn/Multimedia/Images/Id/128899/Tang-cuong-thuc-hien-cong-tac-phong-chay-chua-chay
Bình luận (0)