Hướng tới mục tiêu đưa tỉnh nằm trong TOP 10 địa phương dẫn đầu cả nước về chỉ số phát triển thương mại điện tử (TMĐT), UBND tỉnh đã ban hành Đề án phát triển TMĐT trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Với nhiều giải pháp cụ thể, đề án đã tạo động lực để tạo lập hệ sinh thái phát triển TMĐT một cách đồng bộ và hiện đại, thúc đẩy các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh (SXKD) thay đổi tư duy kinh doanh từ môi trường truyền thống sang môi trường số, tạo ra giá trị gia tăng cao cho ngành thương mại.
Các siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh đã trang bị nhiều thiết bị hiện đại cho phép người tiêu dùng thanh toán không dùng tiền mặt khi mua sắm hàng hóa. (ảnh chụp tại siêu thị Co.opmart Vĩnh Phúc).
Thực hiện Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm (OCOP)" giai đoạn 2021 - 2025, vừa qua, Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh đã tổ chức Hội nghị tập huấn bán hàng TMĐT cho các chủ thể tham gia Chương trình OCOP trong năm 2023. Tại đây, các chủ thể được chia sẻ những kinh nghiệm trong triển khai phương thức bán hàng trực tuyến tại một số cơ sở; từ đó, từng bước xây dựng được phương án sản xuất kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm phù hợp với điều kiện tình hình thực tế.
Theo đánh giá của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), Vĩnh Phúc được xem là địa phương nhanh nhạy trong việc áp dụng các phương thức TMĐT. Hạ tầng viễn thông và internet được đầu tư tương đối đồng bộ và hiện đại, chất lượng ổn định, đáp ứng nhu cầu của các tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn.
Nhận thức về vị trí, vai trò cũng như những lợi ích của TMĐT, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước ngày càng được nâng cao, tạo động lực cải cách, hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp tham gia SXKD trong bối cảnh nền kinh tế nước ta đang hội nhập sâu với kinh tế thế giới.
Từ năm 2021 - 2023, tỉnh luôn duy trì vị trí tốp 15 địa phương có chỉ số phát triển TMĐT tốt nhất cả nước. Nhiều người dân có tài khoản điện tử, mua sắm hàng hóa trực tuyến trên các trang TMĐT lớn của cả nước; 100% các siêu thị, trung tâm thương mại có thiết bị thanh toán - POS không dùng tiền mặt.
Tỉnh hiện có 72% doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng các nền tảng số trong quản lý, điều hành sản xuất kinh doanh với số lượng trang web của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có chức năng mua bán tăng từ 10 - 15%.
Mặc dù nằm trong tốp các địa phương có chỉ số phát triển TMĐT tốt nhất cả nước, tuy nhiên, so với 2 thành phố đầu tàu cả nước là Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, Vĩnh Phúc vẫn còn khoảng cách khá xa.
Năm 2022, quy mô TMĐT của tỉnh chỉ chiếm khoảng 7,5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng; trong đó, riêng lĩnh vực bán lẻ hàng hoá, tỷ lệ bán lẻ hàng hoá trực tuyến so với tổng mức bán lẻ hàng hoá chiếm khoảng 8,5%.
Tỉnh chưa có sàn giao dịch TMĐT quy mô lớn, các dịch vụ hỗ trợ phát triển TMĐT chưa thực sự phát triển, chưa tạo dựng được niềm tin và bảo vệ tốt người tiêu dùng trong các giao dịch TMĐT. Điều này phản ánh mặc dù tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ phát triển TMĐT nhưng chưa thật sự hiệu quả.
Để TMĐT phát triển một cách bền vững và tạo cơ sở cho các ngành, các cấp, cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức chính trị xây dựng, triển khai các kế hoạch, giải pháp cụ thể hướng tới mục tiêu đưa Vĩnh Phúc nằm trong tốp 10 địa phương dẫn đầu cả nước về phát triển TMĐT, mới đây, UBND tỉnh đã ban hành “Đề án Phát triển thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2025, tầm nhìn đến 2030”.
Theo đó, tỉnh định hướng phát triển TMĐT trở thành hình thức thương mại chủ đạo, khai thác có hiệu quả xu hướng số hóa với sự phát triển của phương thức thanh toán điện tử và các công cụ thanh toán mới, không dùng tiền mặt; tăng cường đầu tư, phát triển công nghệ, kết nối hạ tầng, đầu tư cho công nghệ thông tin để đảm bảo tính an toàn và thuận tiện cho người tiêu dùng trong quá trình tham gia giao dịch TMĐT.
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực TMĐT theo hướng chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của quá trình phát triển TMĐT. Tập trung ưu tiên phát triển các loại hình TMĐT có tính lan tỏa, tác động trong hỗ trợ sản xuất và lưu thông. Xây dựng và phát triển hệ sinh thái TMĐT đồng bộ và hiện đại.
Hình thành một số doanh nghiệp có quy mô lớn hoạt động trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ TMĐT có khả năng dẫn dắt thị trường TMĐT trong tỉnh và khu vực.
Đổi mới công tác quản lý nhà nước đối với TMĐT theo hướng tôn trọng quy tắc vận hành của thị trường TMĐT, thực thi chặt chẽ các quy định của pháp luật đối với lĩnh vực chống hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại, vi phạm lợi ích của người tiêu dùng.
Bài, ảnh: Lưu Nhung
Nguồn
Bình luận (0)