Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Thắp lửa bằng lời: Những văn nghệ sĩ đi qua chiến tranh

Họ là những người lính trở về từ chiến trường Điện Biên, Trường Sơn hay nước bạn Lào. Giữa bom đạn và mất mát, họ đã sống, chiến đấu và giữ lại cho đời không chỉ ký ức máu lửa mà cả những vần thơ, khúc nhạc, bức ảnh đậm sâu chất nhân văn. Trở thành nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, nghệ sĩ nhiếp ảnh… các văn nghệ sĩ Thái Nguyên mang theo trong tim ngọn lửa không tắt của những năm tháng chiến tranh, để viết, để kể, để tri ân và gìn giữ ký ức – như một cách sống tiếp với đồng đội, một lời nhắc nhớ với hậu thế hôm nay.

Báo Thái NguyênBáo Thái Nguyên28/07/2025

Nhà thơ Trần Cầu: "Điện Biên trong tôi – ngọn lửa không tắt”

 

Tôi đi chiến dịch Điện Biên năm 19 tuổi. Khi ấy, tôi chưa làm thơ, chưa biết thế nào là “câu chữ có hồn”, chỉ mang theo một trái tim trai trẻ đầy nhiệt huyết, sẵn sàng xông pha vì Tổ quốc. Chúng tôi – những người lính Điện Biên – chẳng ai nghĩ mình đang làm nên lịch sử. Chúng tôi chỉ biết mình đang đào hầm, vác đạn, băng rừng, vượt suối, ăn cơm nắm, ngủ võng, sống và chiến đấu bên nhau như một gia đình lớn, với niềm tin giản dị: Đất nước này rồi sẽ độc lập, tự do.

Những ngày ở Điện Biên là những ngày không quên. Tôi vẫn còn nhớ tiếng pháo rung trời, khói bụi mịt mù, nhớ những người bạn nằm lại không trở về. Chiến thắng đến – vỡ òa trong nước mắt và cả những cái siết tay không nói được thành lời. Tôi được chọn vào đoàn tiếp quản Thủ đô sau chiến thắng, khoảnh khắc Hà Nội rực rỡ cờ hoa năm ấy – đến giờ tôi vẫn còn xúc động mỗi khi nhớ lại. Tôi đi trên phố phường, mà lòng cứ như vẫn nghe vọng lại tiếng trống Điện Biên trong lồng ngực.

Sau này, khi rời quân ngũ, về làm việc ở khu Gang Thép Thái Nguyên, tôi luôn nỗ lực cống hiến hoàn thành tốt những nhiệm vụ được giao. Tôi viết những vần thơ đầu tiên khi đã nghỉ hưu, những vần thơ đến rất chậm, rất mộc, nhưng chất chứa bao điều không thể nói hết bằng lời. Thơ với tôi là một cách trở về, một cách tưởng niệm những người bạn năm xưa, một cách giữ gìn ký ức. Tôi không làm thơ để hay, chỉ làm thơ để không quên.

Giờ đây, ở tuổi 92, ký ức Điện Biên vẫn còn nguyên vẹn trong tôi – như ngọn lửa nhỏ cháy âm ỉ trong tim. Mỗi khi cầm bút, tôi vẫn thấy mình là chàng lính trẻ năm xưa, ngẩng cao đầu giữa chiến hào, mắt dõi theo từng đợt pháo dội, lòng thầm gọi tên quê hương. Điện Biên không chỉ là chiến thắng, với tôi, đó là điểm khởi đầu cho một cuộc đời sống có lý tưởng, có niềm tin, và có thơ.

Nhạc sĩ Phạm Đình Chiến: Ký ức biên cương và hành trình âm nhạc từ khói lửa

 

Tôi đi bộ đội năm 1982, lên đóng quân ở vùng biên giới Cao Bằng. Lúc đó, cả một dải đất nơi địa đầu Tổ quốc vẫn còn nguyên dấu tích chiến tranh: Đồi núi tan hoang, thôn bản xác xơ, người lính thì thiếu thốn trăm bề, nhân dân thì đói khổ bám riết từng ngày. Cái lạnh của rừng biên giới, cái đói của khẩu phần cạn kiệt, những đêm gác dài giữa sương mù và cả nỗi nhớ nhà rưng rức như vết cứa âm thầm… vẫn còn nguyên trong tôi đến tận bây giờ. Nhưng cũng chính từ nơi ấy, tôi tìm được âm nhạc – như một mạch sống ấm áp nuôi dưỡng tâm hồn.

Không có sân khấu, không có đèn màu, không có dàn âm thanh – chỉ có tiếng đàn, tiếng hát và những gương mặt đồng đội rực sáng trong đêm tối. Tôi bắt đầu viết những ca khúc đầu tiên như một nhu cầu tự nhiên – để sẻ chia cảm xúc, để vơi đi nỗi cô đơn và để động viên nhau đứng vững. Tôi viết về những cô gái biên cương hồn nhiên mà kiêu hãnh, viết về những người lính trẻ giữa núi rừng lặng gió, viết về tình anh – tình em – tình đất đai biên ải. Những bài hát như “Cô giáo Cao Bằng”, “Lên Cao Bằng quê em”, “Bài ca Quảng Hoà”, “Tình ca người lính trẻ”, “Tình anh tình em trên mảnh đất biên cương”... lần lượt ra đời trong những đêm thao thức.

Tôi không bao giờ nghĩ những giai điệu giản dị ấy lại có thể đi xa đến vậy. Anh em bộ đội hát lại trong các hội diễn cấp trung đoàn, sư đoàn, rồi bà con vùng cao hát trong lễ hội, sinh hoạt cộng đồng. Có bài, bao năm sau quay lại, người dân vẫn nhớ, vẫn ngân nga như một phần ký ức sống. Lần gần đây nhất, năm 2023, tôi trở lại mảnh đất cũ – những cô bé ngày xưa giờ đã thành những người phụ nữ U60, U70, tóc pha sương, vẫn hát lại bài tôi viết thuở ấy. Tôi lặng người. Có cái gì đó nghẹn ngào dâng lên trong lồng ngực. Âm nhạc thật kỳ diệu – khi nó sinh ra từ chân thành, nó có thể đi cùng con người cả đời.

Sau khi ra quân, tôi mới có điều kiện học hành chính quy tại Nhạc viện Hà Nội, tiếp tục hành trình âm nhạc chuyên nghiệp. Tôi đã viết hàng trăm tác phẩm với đủ sắc thái: Hùng tráng có, trữ tình có, dân gian đậm đà cũng có. Nhưng sâu thẳm trong tôi, những bài ca viết ở biên giới vẫn là phần máu thịt nhất. Không có trường lớp nào dạy tôi viết những bản tình ca ấy – chỉ có cuộc đời, có đồng đội, có nhân dân và đất trời biên cương dạy tôi. Viết bằng trái tim, viết từ những rung cảm thật nhất – đó là cách tôi giữ lại một phần tuổi trẻ của mình và dâng hiến cho đời những gì tôi chân thành nhất.

Tôi nghĩ, một người nghệ sĩ nếu may mắn được sống giữa thời cuộc, giữa gian khó, và biết hát lên từ chính tâm hồn mình – thì tác phẩm ấy không bao giờ chết. Nó sẽ sống mãi – như một phần máu thịt của quê hương.

Nghệ sĩ Khánh Hạ: “Giữa chiến trường, tôi thì thầm với đất”

 

Tôi đã đi qua cuộc chiến bằng cả tuổi trẻ và thân thể còn lành lặn trở về – đó là may mắn, là món nợ ân tình với những đồng đội đã nằm lại suốt dọc đường Trường Sơn, từ Tam Đảo đến Vàm Cỏ Đông, rồi cả Bình Long mùa hè đỏ lửa 1972. Tôi không thể nào quên được cảm giác của một người lính lúc nghe tiếng pháo hiệu vút lên trong sương sớm, rồi cả khu rừng cao su rung chuyển bởi pháo, bom, xe tăng, đạn réo và tiếng người gọi nhau. Lúc đó, tôi không kịp nghĩ đến cái chết, chỉ biết cắm đầu đào hầm, vác súng, kéo đồng đội bị thương, và rồi sau cùng, cõng thi thể anh em về rừng – trên vai là bạn mình, là một phần máu thịt mình.

Viết về chiến tranh, với tôi, là điều khó nhất. Tôi từng cầm máy ảnh, từng cầm bút, nhưng để gọi tên chính xác cảm xúc mình vào những ngày ấy thì rất khó. Không phải tôi sợ đau mà là không muốn kể lại một cách sáo mòn những gì đã quá nhiều người nói. Chiến tranh, không chỉ là chiến thắng. Chiến tranh là mồ hôi, là đói khát, là cái nhìn của người dân lặng lẽ dạt vào gầm cầu thang giữa bom đạn, là ánh mắt lính VNCH trước giờ rời trại cải tạo… Tất cả đều là con người.

Có lần, đứng trước mộ ba ngàn người ở Bình Long, tôi không dám thắp hương ngay. Tôi lặng đi, rồi ngẩng mặt lên trời mà thì thầm: “Tôi về rồi đây… các anh còn đó không?”. Bởi người lính thì nhớ nhau bằng mùi chiến trường – cái mùi khét lẹt, nồng mặn, tanh của đất, của xác pháo, của thân người đã tan vào nhau trong chiến địa. Mùi ấy tôi chưa bao giờ quên.

Khi miền Nam hoàn toàn giải phóng giang sơn thu về một mối, đến giữa năm 1977 tôi ra quân về Ty Giáo dục Bắc Thái công tác trong thời gian 10 năm, rồi năm 1988, tôi sang Hội VHNT Bắc Thái công tác đến lúc nghỉ hưu.

Khi tôi viết, tôi kể lại, không để tô vẽ cho chiến tranh. Tôi viết cho những người chưa biết, chưa từng đi qua, để họ hiểu vì sao mình có ngày hôm nay. Và cũng là để chính tôi nhìn lại – rằng mình đã từng sống như thế, không phải để tồn tại, mà để giữ cho những điều đẹp nhất không bị chôn vùi. Tôi không khóc. Tôi chỉ lặng lẽ mà nhớ. Và đó là cách tôi trả lời với cuộc đời.

Nhà văn Phan Thái: Tôi sáng tác như một sự tri ân

 

Tôi nhập ngũ tháng 8/1978 và được biên chế về Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 677, Sư đoàn 346. Cán bộ chiến sĩ trung đoàn đều cùng quê Bắc Thái. Kết thúc khóa huấn luyện chiến sĩ mới tại Ngân Sơn, chúng tôi hành quân làm nhiệm vụ phòng thủ tại Trà Lĩnh, Cao Bằng.

Cho đến hôm nay, tôi vẫn không thể nào quên những kỷ niệm trong lửa đạn cùng đồng đội. Ngày 17/2/1979, đại bác quân Trung Quốc trút hàng giờ liền lên toàn bộ tuyến phòng thủ. Đạn pháo chưa dứt, xe tăng và bộ binh của địch đã tấn công dữ dội. Đối mặt với kẻ thù, sự sống chết mong manh từng gang tấc, mỗi sự hy sinh của đồng đội tôi như một lời tuyên thệ với Tổ quốc, Nhân dân.

Nhiều ngày địch bao vây cắt đường tiếp viện. Những trận chiến đẫm máu cùng đói khát khiến tất cả gần như kiệt sức. Mỗi lần địch tấn công thất bại, chúng gọi pháo kích bắn dồn dập và mở đợt tấn công mới. Tai chúng tôi ù đặc vì đạn pháo. Chúng tôi nhằm thẳng đội hình địch nghiến răng siết cò súng, găm lưỡi lê vào những tên lính xông tới chiến hào. Trong những thời khắc sinh tử, mệnh lệnh “Giữ bằng được chốt” kết nối đồng đội thành chiến lũy thép. Nhiều người dành sẵn cho mình viên đạn trong ngực áo, quyết chiến đấu đến cùng, nếu bị thương cũng không để sa vào tay giặc. Một chiều giữa hai đợt tấn công của địch, tôi đặt mảnh giấy lên báng súng trên chiến hào ghi vội bài “Đồng đội trên điểm cao”. Bài thơ như một sự khởi đầu trong sự nghiệp sáng tác của tôi…

Trải nghiệm qua chiến tranh, tôi thấy mình hiểu rõ hơn về sức mạnh của dân tộc. Khi đất nước bị xâm lược, tinh thần yêu nước, sự đoàn kết, ý chí kiên cường của người Việt được nhân lên mạnh mẽ. Không chỉ bộ đội, bà con các dân tộc cũng ra trận: Phục kích đánh địch, đào công sự, tiếp đạn, tải thương… Không ít người ngã xuống như những người lính.

Tốt nghiệp đại học, dù công tác trong ngành công nghiệp, tôi vẫn làm thơ, viết phóng sự, bút ký. Sau này khi chuyển hẳn sang chuyên ngành văn xuôi, tôi quan tâm sáng tác các tiểu thuyết về đề tài lịch sử và chiến tranh cách mạng. Bởi lịch sử và các cuộc chiến luôn có những góc khuất, đề cập, diễn giải cũng là trách nhiệm của người viết. Tôi không nghĩ chiến tranh ảnh hưởng thế nào đến cảm hứng sáng tác. Tuy nhiên viết về mảng đề tài đó, tôi như được tiếp thêm nguồn năng lượng sáng tạo. Mọi cống hiến hy sinh của các thế hệ trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đều vô giá. Những con chữ viết về họ cũng là một sự tri ân.

Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Phan Trọng Ngọc: “Gìn giữ nụ cười bình yên qua ống kính hậu chiến”

 

Tôi lớn lên ở Bắc Kạn, tháng 8/1973, đang học lớp 10, theo tiếng gọi của Tổ quốc, tôi lên đường nhập ngũ. Tham gia quân đội, nhờ có những kiến thức cơ bản về chụp ảnh, tôi được giao nhiệm vụ chụp những bức ảnh làm tư liệu, phục vụ cho công việc chung của đất nước. Từ năm 1973 đến năm 1981, tôi đã tham gia các chiến dịch dọc theo tuyến đường 559 (nay là đường Hồ Chí Minh); tham gia giải phóng Miền Nam; giải phóng Campuchia…

Những năm tháng ở chiến trường, tôi đã chứng kiến biết bao đau thương, mất mát do chiến tranh. Tôi có người bạn thân đã hy sinh ngay trước bữa cơm trưa, cũng có người vừa được kết nạp Đảng mà hôm sau mãi mãi ra đi. Trở về từ chiến tranh, tôi càng thấm thía giá trị của hòa bình, của từng tấc đất quê hương. Chính vì thế tôi rất thích đề tài về thiên nhiên và con người, nơi đâu có nụ cười, có bình yên là hạnh phúc và tôi muốn lưu lại những khoảnh khắc tuyệt vời đó.

Tôi thường chụp phong cảnh miền núi, nét đặc sắc của các dân tộc và người già, phụ nữ, các em bé dân tộc thiểu số là chủ yếu. Có lẽ là ngay từ nhỏ tôi đã gắn liền với đồi, núi và Bắc Kạn (nay đã sát nhập vào tỉnh Thái Nguyên) lại là tỉnh đặc thù về dân tộc. Tôi yêu mến bà con đồng bào dân tộc thiểu số, thích sự chất phác, thật thà của họ; ở họ tôi bị cuốn hút bởi sự tự nhiên, những cảm xúc chân thực ở nụ cười, sự chăm chỉ lao động. Chính vì vậy, tôi muốn đưa những hình ảnh đẹp ấy đến với mọi người, cho mọi người thấy và cùng cảm nhận những lúc bình dị nhưng quý giá ấy.

Tôi cũng chụp nhiều tác phẩm về cựu chiến binh, những người may mắn trở về từ chiến tranh. Tôi chụp nụ cười trong ngày gặp mặt, chụp gia đình cựu chiến binh hạnh phúc và chụp cả những khoảnh khắc đời thường của họ. Có nhân vật tôi chụp đã để lại một phần thân thể nơi chiến trường, dù chỉ còn đôi bàn tay, ông vẫn đan lát để có thu nhập và gương mặt ông rạng rỡ nụ cười. Đấy cũng là điều tôi muốn gửi gắm đến người xem, rằng chúng tôi, những người cựu chiến binh dù không lành lặn, cuộc sống nhiều khó khăn nhưng chúng tôi hạnh phúc khi được trở về và tự hào được góp sức mình cho Tổ quốc thân yêu.

Tác giả Đinh Hữu Hoan: “Cây đào ở nghĩa trang và khúc tráng ca người lính”

 

Vừa bước vào tuổi 18, năm ấy là năm 1970 khi đang là học sinh cấp 3 phổ thông, cũng là những năm cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta bước vào giai đoạn cam go, ác liệt. Tháng 4/1970, tôi được lệnh nhập ngũ. Rời ghế nhà trường, tôi trở thành người lính cầm súng tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước từ đó. Gần bốn năm trong quân ngũ, trong đó có hơn hai năm trực tiếp cầm súng chiến đấu trên chiến trường nước bạn Lào (lúc đó gọi là chiến trường C), trực tiếp tham gia chiến đấu các chiến dịch mùa khô năm 1970, 1971 và 1972, tận mắt chứng kiến những chiến thắng, và cả những gian khổ, hy sinh mất mát của dân tộc.

Không phải riêng tôi mà nhiều người trực tiếp cầm súng luôn nghĩ cần phải có những tác phẩm vừa là ghi lại hình ảnh của người lính, của dân tộc trong cuộc chiến đấu bảo vệ đất nước cho lịch sử, vừa khắc họa tính chất chính nghĩa anh dũng, vĩ đại của dân tộc. Và, bản thân nhận thấy hình ảnh người lính cầm súng là những tư liệu quý, là hình ảnh chân thực nhất để phản ánh về cuộc kháng chiến cứu nước của dân tộc, nên tôi đã có ý thức cầm bút sáng tác từ những ngày đó.

Tuy nhiên, là người lính chiến trong chiến trường không phải lúc nào cũng có điều kiện để sáng tác, có khi hứng lên tức khẩu được bài thơ lại không có giấy bút ghi lại, có lúc có điều kiện ghi chép rồi những ngày lăn lộn chiến trường lại mất cả bài viết lúc nào không hay biết... mãi về sau này những sáng tác mới được lưu lại thì đó không còn là những bài viết trong trận địa nữa.

Trong cả hành trình chiến đấu và công tác trong ký ức tôi có nhiều kỷ niệm về những ngày trực tiếp cầm súng. Tôi vẫn thường nghĩ đề tài về chiến tranh cách mạng và hình ảnh người lính trong các cuộc chiến tranh bảo vệ đất nước còn rất nhiều điều để viết và nên viết, chỉ tiếc là khả năng lại có hạn mà thôi. Tôi rất muốn thể hiện trong các sáng tác của mình về tình đồng đội, về niềm tin chiến thắng, tình quân dân, tình cảm quốc tế Việt Lào... Xin đơn cử một số bài như: Lời tháng Bảy, Cây đào ở nghĩa trang, Kỷ niệm Mường Lào, Chị của tôi...

Là một trong những người từ chiến trường trở về thông qua các tác phẩm văn học tôi chỉ muốn nhắn gửi một điều tới mọi người đặc biệt là thế hệ trẻ thấy được cái giá trị to lớn của cuộc sống hòa bình hôm nay. Để có được độc lập tự do và hòa bình dân tộc ta đã phải đổi bằng bao nhiêu của cải vật chất và bao nhiêu xương máu của các thế hệ cha anh. Một điều mong muốn nữa là mong ngày càng có nhiều người cùng viết tiếp về đề tài chiến tranh cách mạng và đề tài Người lính trong các cuộc chiến tranh bảo vệ đất nước trước đây cũng như hình ảnh Người lính trong xây dựng đất nước và bảo vệ chủ quyền biển đảo của chúng ta hiện nay.

Nguồn: https://baothainguyen.vn/van-nghe-thai-nguyen/202507/thap-lua-bang-loi-nhung-van-nghe-si-di-qua-chien-tranh-38806aa/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Đội hình mũi tên 5 tiêm kích SU-30MK2 đầy uy lực chuẩn bị cho đại lễ A80
Tên lửa S-300PMU1 trực chiến bảo vệ bầu trời Hà Nội
Mùa sen nở rộ thu hút du khách đến với vùng non nước hùng vĩ Ninh Bình
 Cù Lao Mái Nhà: Nơi sự hoang sơ, hùng vĩ và bình yên cùng hòa quyện

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm