Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Thủ tướng chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với địa phương

Đây là hội nghị Chính phủ với địa phương đầu tiên, ngay sau khi tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp và sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh từ 63 tỉnh, thành phố thành 34 tỉnh, thành phố.

VietnamPlusVietnamPlus03/07/2025

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Chiều 3/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 năm 2025 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương.

Đây là hội nghị Chính phủ với địa phương đầu tiên, ngay sau khi tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp và sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh từ 63 tỉnh, thành phố thành 34 tỉnh, thành phố.

Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại Trụ sở Chính phủ, trực tuyến với Trụ sở UBND 34 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; kết nối trực tuyến tới hơn 3.300 điểm cầu các xã, phường, thị trấn trên toàn quốc.

Dự hội nghị có các Phó Thủ tướng Chính phủ; Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ; lãnh đạo tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đại diện cơ quan của Trung ương Đảng, Quốc hội; lãnh đạo bộ, ngành, cơ quan, Tập đoàn kinh tế lớn; lãnh đạo các địa phương.

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chúng ta đã đi qua 1/2 thời gian năm 2025 trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều diễn biến mới, phức tạp, khó lường nhiều hơn là thời cơ, thuận lợi.

Hoa Kỳ công bố mức thuế đối ứng rất cao, trên diện rộng, trong đó có Việt Nam; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn gay gắt; xung đột leo thang tại một số khu vực mới đây là giữa Israel-Iran, Thái Lan-Campuchia.

Chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy cục bộ, nhất là qua Biển Đỏ; giá dầu thô, giá vàng biến động mạnh; thiên tai, biến đổi khí hậu diễn biến khó lường; kinh tế, đầu tư, thương mại toàn cầu phục hồi chậm, thiếu vững chắc.

Ở trong nước, dưới sự lãnh đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Tô Lâm, cùng sự điều hành quyết liệt, linh hoạt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương, chúng ta đang nỗ lực triển khai đồng bộ 8 nhiệm vụ quan trọng.

Trong đó, thực hiện sáp nhập đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở mức cao, đạt 8% trở lên trong năm 2025; đàm phán thuế với Hoa Kỳ và mở rộng, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng; xây dựng và tổ chức triển khai “bộ tứ trụ cột” của Bộ Chính trị; phục vụ chu đáo Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV “lịch sử,” tạo đột phá toàn diện về thể chế, phân cấp, phân quyền, phân định trách nhiệm; tham gia chuẩn bị các văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIV; tổ chức đại hội Đảng các cấp, tiến đến Đại hội XIV của Đảng; tổ chức chu đáo, thành công chuỗi sự kiện kỷ niệm lớn của dân tộc; thúc đẩy để về đích sớm chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trong cả nước.

Trong bối cảnh đó, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, đồng tình và ủng hộ của bạn bè quốc tế, tình hình kinh tế-xã hội nhìn chung tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau tốt hơn quý trước, tính chung 6 tháng đầu năm 2025 tốt hơn cùng kỳ trên hầu hết các lĩnh vực.

Trong đó, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm; bội chi, nợ công thấp hơn nhiều ngưỡng cảnh báo. Cả 3 khu vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ phát triển tích cực; các lĩnh vực văn hóa, xã hội, an sinh xã hội được chú trọng.

Đời sống nhân dân được nâng lên; chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được củng cố, tăng cường; đối ngoại được đẩy mạnh; giữ vững được môi trường hoà bình, ổn định cho phát triển đất nước.

Tuy đạt nhiều kết quả quan trọng, song cũng còn nhiều hạn chế, khó khăn, thách thức, do đó để thúc đẩy thực hiện các nhiệm vụ cả năm, Thủ tướng yêu cầu các thành viên Chính phủ, đại biểu tập trung thảo luận, đánh giá tình hình kinh tế-xã hội, giải ngân vốn đầu tư công và các chương trình mục tiêu quốc gia.

Trong đó, phân tích bối cảnh, tình hình và sự ảnh hưởng đến nước ta; công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương; tình hình kinh tế-xã hội tháng 6 và 6 tháng, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm...

Thủ tướng cũng đề nghị các đại biểu nêu rõ, phân tích những yếu tố tích cực, tiêu cực và giải pháp ứng phó; xác định rõ nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong tháng 7, quý III và thời gian còn lại của năm 2025.

Đặc biệt là phải ổn định bộ máy chính quyền các cấp; từng bộ, ngành, địa phương và cả nước cần phải làm gì để đạt mức tăng trưởng 8% trở lên trong năm 2025; cơ chế, chính sách, giải pháp kích cầu tiêu dùng; các chính sách tài khoá, tiền tệ, thương mại, đầu tư; giải pháp tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia; đảm bảo các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại…

Theo chương trình, các đại biểu sẽ tập trung đánh giá tình hình kinh tế-xã hội tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2025; tình hình thực hiện Nghị quyết về phát triển kinh tế-xã hội của Chính phủ; tình hình phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công; tình hình triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia; tình hình thực hiện ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2025; công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; tình hình và kết quả cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia 6 tháng đầu năm 2025; công tác cải cách hành chính cùng nhiều nội dung quan trọng khác.

TTXVN tiếp tục cập nhật thông tin về Hội nghị./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn:https://www.vietnamplus.vn/thu-tuong-chu-tri-hoi-nghi-truc-tuyen-toan-quoc-chinh-phu-voi-dia-phuong-post1047781.vnp


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Hương vị miền sông nước
Bình minh đẹp rực rỡ trên các vùng biển Việt Nam
Vòng cung hang động kỳ vĩ ở Tú Làn
Trà sen - Món quà thơm của người Hà Nội

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm