Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Tiềm năng nuôi trồng thuỷ sản ở Tây Ninh

Với hệ thống ao hồ dọc theo các bờ kênh thuỷ lợi và nguồn nước dồi dào từ công trình hồ Dầu Tiếng, Tây Ninh trở thành địa điểm lý tưởng cho những người làm nghề nuôi cá tra giống.

Báo Tây NinhBáo Tây Ninh25/05/2025

Tìm thấy vùng đất hứa

Hàng chục năm qua, nuôi cá tra lấy thịt xuất khẩu đã trở thành ngành công nghiệp phát triển mạnh mẽ ở các tỉnh miền Tây nước ta. Để nuôi được cá tra, những người dân, công ty, tập đoàn trong ngành này cần có nguồn con giống với số lượng lớn.

Nhiều năm qua, một số công ty ở miền Tây áp dụng thành công phương pháp ép cá tra đẻ trứng và “ấp” nở thành công cá tra bột. Từ những chú cá tra nhỏ với kích cỡ bé tí như hạt bột, phải qua công đoạn nuôi ban đầu để trở thành cá tra con, sau đó mới thả xuống ao, hồ nuôi dưỡng thành cá tra thịt.

Công đoạn nuôi cá tra bột thành cá tra con đòi hỏi điều kiện môi trường, ao hồ, nguồn nước, khí hậu với những tiêu chuẩn cực kỳ cao. Trong quá trình tìm tòi nơi nuôi dưỡng cá tra bột, những người chuyên kiếm sống bằng nghề này đã phát hiện ra tiềm năng rất lớn trên vùng đất Tây Ninh.

Nhân công bơi xuồng chở đầy cám thức ăn cho cá ăn.

Ông Nguyễn Văn Hiệp, ngụ tỉnh Tiền Giang, là một trong những người có thâm niên nhiều năm gắn bó với nghề nuôi cá tra bột ở miền Tây. Ông từng nuôi loài cá có kích thước li ti này với nhiều ao hồ ở Tiền Giang và nhiều tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, những năm gần đây, vì nhiều lý do khách quan, chủ quan, dẫn đến nguồn nước ở miền Tây bị nhiễm phèn, nhiễm mặn, nhiễm thuốc trừ sâu, làm ảnh hưởng đến nghề nuôi cá tra bột.

Trong quá trình đi tìm kiếm vùng đất mới cho nghề nuôi cá tra bột, tình cờ người nông dân Tiền Giang này nhìn thấy trên vùng đất Tây Ninh có nhiều ao, hồ dọc theo hai bên những tuyến kênh nội đồng. Những ao hồ này có thể dẫn nước từ hệ thống kênh thuỷ lợi của hồ Dầu Tiếng vào nuôi cá và dễ dàng xả nước ra theo hệ thống kênh tiêu, tạo thành nguồn nước chảy một chiều, ít gây bệnh cho cá. Với kinh nghiệm của người nhiều năm lăn lộn với nghề, ông Hiệp liền nhận ra nơi đây chính là “vương quốc” của nghề nuôi cá tra bột.

Chuẩn bị lưới thu hoạch cá.

Thế là, năm 2023, ông Hiệp quyết định thuê một vài ao hồ, cặp theo tuyến kênh trên địa bàn xã Tân Phong, huyện Tân Biên, bắt đầu mua cá bột từ Trung tâm cá giống ở huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp đem về nuôi thử. Ông Hiệp kể: “Để nuôi được loại cá này, đầu tiên chúng tôi phải bơm cạn nước trong ao, thuê xe kobe nạo vét đáy ao bằng phẳng, đắp hệ thống đê bao quanh ao chắc chắn, cao ráo. Sau đó, rải vôi bột đáy ao để khử khuẩn, khử phèn, cho nước vào ao, chờ thêm vài ngày nữa cho nước ổn định rồi thả con giống xuống nuôi”.

Sau lứa cá đầu tiên thành công tốt đẹp, người nông dân xứ Tiền Giang mạnh dạn thuê thêm 4 ao hồ khác để tăng diện tích nuôi lên quy mô lớn hơn. Sáng ngày 22.5, khi chúng tôi đến tham quan khu vực nuôi cá tra bột của ông Hiệp, thấy một nhân công bơi xuồng chở đầy ắp cám thức ăn ra giữa ao cho cá ăn. Từ dưới mặt nước, hàng triệu con cá tra nhỏ bằng ngón tay út bơi lên đớp mồi, kín cả mặt ao.

Nhân công căng vèo chứa cá.

Cách đó vài trăm mét, trong một ao khác, sáu người đàn ông đang trầm mình dưới ao, đóng cọc, giăng vèo, chuẩn bị thu gom số cá nuôi trong ao đem vào vèo, chờ thương lái đến mua. Thương lái sẽ chở số cá con này về các tỉnh miền Tây bán cho những hộ gia đình, công ty chuyên nuôi cá tra thịt.

Lúc này những chú cá trong ao đã có kích cỡ bằng ngón tay cái, chân cái người lớn. Ông Hiệp cho biết, nuôi cá bột từ 1,5 - 2 tháng vớt lên bán cho thương lái. Lúc này, chúng có số lượng từ 300 – 500 con/kg. Tuỳ theo giá cả thị trường, có thể bán cá tra con với giá dao động từ 55.000 – 60.000 đồng/kg.

Ông Hiệp chia sẻ: “Mỗi ao có diện mặt nước trung bình 1 ha, mỗi đợt thu hoạch ông bán ra từ 15-20 tấn cá tra con/ao. Tuỳ theo thời điểm, như lúc này giá cả thị trường ổn định, anh em trong nghề cũng kiếm sống được. Những lúc giá thị trường thấp, xem như bỏ công làm lời”.

Tiềm năng chưa khai thác hết

Hiện nay, ông Hiệp dự tính đi thuê thêm một số ao hồ khác để mở rộng thêm ngành nghề nuôi trồng thuỷ sản, ngoài việc nuôi cá bột, còn có thể nuôi thêm các loài khác như cá rô, cá trê giống để bán về các tỉnh miền khác. Ông Hiệp kể: “Hiện tại, ở huyện Châu Thành có một cái ao rộng đến 7 ha. Vừa rồi chúng tôi đã đến đó xem xét, dự kiến sẽ thuê lại ao đất này để nuôi các cá giống, nhưng vì một số quy định pháp lý nên đến nay chưa hợp đồng được”.

Cá tra bơi lên đớp mồi, kín cả mặt ao.

Theo ông Hiệp, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Tây Ninh còn rất nhiều ao hồ chưa được cải tạo lại để nuôi cá. Ông Hiệp rất mong chính quyền địa phương tạo điều kiện thuận lợi phát huy tiềm năng, lợi thế của ao hồ, nguồn nước hồ Dầu Tiếng, để nhiều người tham gia nuôi cá. Từ đó phát triển ngành nuôi trồng thuỷ sản, góp phần tạo công ăn việc làm cho người dân và đưa nền kinh tế địa phương đi lên.

Ông Đặng Thế Phương- Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Phong cho biết, mô hình nuôi cá tra bột ở xã Tân Phong mới xuất hiện khoảng 5 năm trở lại đây. Thời gian đầu chỉ có một người dân nuôi cá này trong diện tích ao khoảng 2 ha. Sau quá trình nuôi, nông dân nhận thấy môi trường ở đây phát triển nghề nuôi cá ổn định nên phối hợp với một kỹ sư thuỷ sản ở Thành phố Hồ Chí Minh lên đây mở rộng mô hình này. Hiện nay, chỉ tính riêng trên địa bàn xã Tân Phong đã có khoảng 7 hộ dân làm nghề nuôi cá tra bột. Qua thực tế cho thấy, nghề nuôi cá này đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế gia đình của người dân.

Nhân công thu hoạch cá.

Với vai trò của Hội Nông dân xã, ông Phương nhận thấy, trên địa bàn xã Tân Phong có tuyến kênh chính Tân Hưng chảy qua, tạo điều kiện cung cấp nguồn nước sạch cho nghề nuôi cá tra bột. Thời tiết, khi hậu ở Tây Ninh ấm áp, ổn định, lượng mưa thấp, không ảnh hưởng đến ngành nghề nuôi trồng thuỷ sản. Đất Tây Ninh ít nhiễm phèn so với các tỉnh miền Tây nên nuôi cá ở đây luôn có hiệu quả cao. Thời gian qua, UBND xã Tân Phong đã tạo điều kiện thuận lợi cho những người có nhu cầu nuôi cá tra bột và một số loại cá thịt, khảo sát tất cả những ao hồ trên địa bàn xã để phát triển nghề ngành nghề nuôi trồng thuỷ sản.

Trên địa bàn tỉnh Tây Ninh hiện có hai tuyến kênh chính Đông, kênh chính Tây. Từ hai tuyến kênh chính này dẫn ra hàng trăm tuyến kênh phụ khác để dẫn nước của công trình thuỷ lợi Dầu Tiếng - Phước Hoà cung cấp cho đồng ruộng, sinh hoạt một số tỉnh, thành trong khu vực.

Vận chuyển cá lên cân, chuẩn bị đưa về miền Tây.

Dọc theo những tuyến kênh chính, kênh phụ có vô số ao hồ được hình thành do quá trình thi công lấy đất đắp hai bên bờ kênh. Hàng chục năm qua, nhiều ao hồ nhân tạo này được tận dụng nuôi cá, nuôi vịt hoặc trồng rau nhút, bông sen, bông súng. Tuy nhiên, hiện vẫn còn rất nhiều ao hồ bỏ hoang, chưa được đầu tư, khai thác hết công năng.

Trong khi đó, khí hậu, thổ nhưỡng và đặc biệt là nguồn nước sạch, dồi dào từ hồ Dầu Tiếng là điều kiện rất tốt cho phát triển nuôi trồng thuỷ sản. Nếu tiềm năng, lợi thế này được khai thác tối đa, có thể sẽ phù hợp với ngành nghề nuôi cá tra bột và một số loài thuỷ sản khác, góp phần đáng kể vào việc phát triển kinh tế nông nghiệp cho Tây Ninh.

Đại Dương – Quốc Sơn

Nguồn: https://baotayninh.vn/tiem-nang-nuoi-trong-thuy-san-o-tay-ninh-a190548.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Hành trình bền bỉ trên cao nguyên đá
Cát Bà - bản giao hưởng của mùa hè
Đi tìm Tây Bắc cho riêng mình
Ngắm “cổng nhà trời” Pù Luông - Thanh Hoá

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm