Để ghi lại hành trình đầy cảm hứng của các thế hệ sinh viên trong 25 năm qua, đặc biệt là những người đã và đang tạo dựng được sự nghiệp quốc tế, Đại học RMIT Việt Nam vừa ra mắt mùa 2 của podcast "How My Journey Started". Từ London đến Paris, Barcelona đến TP. Hồ Chí Minh, qua lời dẫn của chính sinh viên RMIT, từng lát cắt trên hành trình trưởng thành của bốn cựu sinh viên RMIT dần hé lộ.
Khi Paul Huỳnh, cựu sinh viên Thạc sĩ Quản trị kinh doanh (Cấp quản lý) (EMBA), bước vào studio nơi thực hiện tập podcast ở London, bạn sẽ cảm nhận được sự hiện diện đầy khiêm tốn, thực tế và chú trọng vào con người – những nét chấm phá thể hiện rõ hành trình lãnh đạo của anh.
Hiện là Giám đốc nhân sự toàn cầu của KPMG, anh chịu trách nhiệm mảng nhân sự của toàn bộ tập đoàn trên 145 quốc gia. Song trước khi đạt được vị thế như hôm nay, sự nghiệp của anh cũng từng bắt đầu từ những mơ hồ, các quyết định khó khăn và cam kết sâu sắc với những giá trị của bản thân.
Từng học CNTT nhưng anh quyết định rẽ ngang sang học Kinh doanh, chuyên ngành Quản trị nhân sự. Bước ngoặt đó chỉ là khởi đầu. Năm 2007, anh về Việt Nam để tìm lại nguồn cội cũng như cơ hội nghề nghiệp. Sau khi gia nhập KPMG Việt Nam và Campuchia với vai trò lãnh đạo bộ phận Con người, Hiệu suất và Văn hóa, anh đã ghi danh theo học chương trình EMBA tại RMIT Việt Nam. Tốt nghiệp năm 2015, sự nghiệp của anh được đà phát triển rực rỡ, từ vai trò lãnh đạo khu vực châu Á-Thái Bình Dương đến vị trí hiện nay tại KPMG toàn cầu.
Với Huyền Lê, nhân vật của tập podcast thực hiện tại Paris, sự sắc sảo, bản lĩnh và tập trung là những gì người khác cảm nhận được khi gặp chị.
Chị không chỉ đưa ra những chiêm nghiệm sâu sắc về sự nghiệp mà còn thẳng thắn đặt câu hỏi: "Thành công thật sự là gì?".
Tốt nghiệp Cử nhân Thương mại (chuyên ngành Marketing) từ RMIT, Huyền nhanh chóng tạo dựng được sự nghiệp vững chắc trong ngành quảng cáo-truyền thông. Sau bảy năm, chị nhận thấy mình đã đạt đến điểm bão hòa và cần phải thay đổi. Cuộc trò chuyện tình cờ với người thân ở Pháp đã mở ra cho Huyền một hướng đi mới, để rồi chỉ vài tháng sau chị đã đăng ký học MBA và gói ghém hành lý bay sang Paris.
Bước đi táo bạo đó đánh dấu khởi đầu một hành trình mới mà Huyền chưa từng phải hối tiếc. Hiện đang sống và làm việc tại Paris (Pháp) với vị trí Giám đốc Tạo nhu cầu và Tiếp thị kỹ thuật số khu vực châu Âu, Trung Đông và châu Phi của Ingenico, Huyền cho rằng điều quan trọng không phải là chuẩn bị đủ mà là dám dấn bước khi cơ hội đến: "Bạn sẽ không bao giờ chuẩn bị đầy đủ hoàn toàn. Hãy mạnh dạn, dấn thân và chịu trách nhiệm về lựa chọn của bạn".
Câu chuyện của Huyền không chỉ là về hành trình vươn tầm ra biển lớn mà còn là những trăn trở khám phá và vượt qua giới hạn bản thân để trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình, đồng thời nhắc chúng ta nhớ rằng lãnh đạo không phải lúc nào cũng bắt đầu từ sự chắc chắn mà đôi khi đến từ quyết định đặt cược vào bản thân mình.
Tấm bằng y tá có thể đưa bạn đi đến đâu? Với Lisa Rice-Duek, cựu sinh viên Thạc sĩ Quản trị kinh doanh câu trả lời là từ châu lục này sang châu lục khác. Từ Bệnh viện Pháp-Việt ở TP. Hồ Chí Minh đến ngành y tế số phát triển nhanh nhất thế giới tại Barcelona, hành trình của chị là điển hình của việc làm mới bản thân với sự bền bỉ, thấu cảm và kết nối với cộng đồng.
Lisa luôn biết mình muốn trở thành một y tá, nhưng không thể đoán được rằng ngày nào đó con đường sự nghiệp lại đưa đẩy chị vào vai trò lãnh đạo một bệnh viện quốc tế tại Việt Nam. Đó là 2002, hai năm sau khi Đại học RMIT thành lập tại Việt Nam.
Không lâu sau đó, nhằm bổ sung thêm tư duy chiến lược cần có để lãnh đạo một tổ chức, chị đã ghi danh học MBA tại RMIT. Quyết định này đã tiếp thêm tự tin để chị điều hành hướng tới những tác động trực tiếp và hữu hình.
Sau 14 năm ở Việt Nam, gia đình chị chuyển đến Tây Ban Nha vào năm 2016. Bước chuyển này đem đến những thay đổi lớn cả về mặt nghề nghiệp lẫn cá nhân, buộc chị phải làm mới bản thân. Chị bắt đầu xây dựng sự nghiệp mới trong lĩnh vực y tế từ xa và đổi mới kỹ thuật số, biến những kinh nghiệm về y tế công cộng của mình thành các giải pháp chăm sóc sức khỏe với hỗ trợ của công nghệ.
Nhìn lại sự nghiệp của mình trong tập podcast thực hiện ở Barcelona, Lisa không đề cập nhiều đến chức danh hay thành công, thay vào đó, chị nói về các mối quan hệ, khả năng thích ứng và tầm quan trọng của việc không bao giờ dậm chân tại chỗ.
"Đặc biệt với phụ nữ – các bạn hãy duy trì sự nghiệp của mình, học hỏi, và đừng rời xa thị trường lao động quá lâu", chị nhấn mạnh.
Câu chuyện của Lisa đề cao khả năng thích ứng, lòng dũng cảm và tìm thấy ý nghĩa trên từng chặng đường, ngay cả trong những giai đoạn cảm thấy bấp bênh.
Mùa 2 kết lại với podcast được thực hiện ở TP. Hồ Chí Minh qua hồi tưởng 24 năm phát triển cùng RMIT của chị Angela Ngân Nguyễn – cựu sinh viên, cựu giảng viên trường và hiện là cố vấn cấp cao tại Viện Chính sách Australia-Việt Nam.
Khởi đầu từ sự tò mò, năm 2001, chị chọn RMIT để học Thương mại thay vì đi du học Pháp. "Và quyết định đó đã thay đổi tất cả", chị nhớ lại.
Sau khi tốt nghiệp RMIT, chị nhận học bổng toàn phần theo học Thạc sĩ ở Australia rồi trở về Việt Nam làm việc cho KPMG. Song mối lương duyên với RMIT không những không phai nhạt mà còn trở nên sâu sắc hơn khi cũng trong năm đó chị nhận được lời mời về trường giảng dạy.
Cân bằng giữa công việc, lịch dạy và chăm sóc gia đình nhỏ không phải là điều dễ dàng. Angela buộc phải cân nhắc và chị đã chọn giáo dục làm sự nghiệp trọn đời.
Chị hiện đang sống và làm việc tại Melbourne (Australia), kiến tạo tác động từ nhiều vai trò khác nhau mà chị đang đảm đương, gồm giảng viên, nhà nghiên cứu về y tế số và cố vấn cấp cao của Viện Chính sách Australia-Việt Nam. Với chị, sự hoang mang và thất bại là một phần của hành trình trưởng thành.
"Thành công không phải là một con đường thẳng. Hãy cởi mở. Hãy tò mò. Hãy ở cạnh những người tạo động lực cho bạn, và hãy thưởng thức từng chặng trên hành trình này", chị nói.
Bốn câu chuyện được chia sẻ là những nét chấm phá thể hiện những nỗ lực của RMIT Việt Nam nhằm chuẩn bị cho các thế hệ sinh viên có thể đóng góp cho xã hội và tỏa sáng trên chặng đường sự nghiệp, dù ngay tại Việt Nam hay ở bất cứ nơi nào trên thế giới.
Nguồn: https://thanhnien.vn/toi-buoc-ra-the-gioi-tu-rmit-viet-nam-185250526101400455.htm
Bình luận (0)