Trận chung kết Champions League kỳ lạ
Quá nhiều lý do để đảm bảo rằng trận chung kết Champions League giữa Inter Milan và PSG hứa hẹn sẽ hấp dẫn và mới lạ nhất trong nhiều năm trở lại đây. Có một thực tế khiến nhiều người phải ngỡ ngàng: Lần đầu tiên sau 21 năm, trận đấu cuối cùng của Champions League không chứng kiến sự góp mặt của các đại diện của Anh, Tây Ban Nha hoặc Đức.
Trận chung kết Champions League giữa PSG và Inter Milan là trận đấu kỳ lạ (Ảnh: UEFA).
Lần gần nhất người hâm mộ được chứng kiến điều này chính là trận đấu giữa Porto và Monaco ở mùa giải 2003-04. Nhưng rõ ràng, xét trên nhiều khía cạnh, trận chung kết giữa Inter và Paris Saint Germain (PSG) là phiên bản nâng cấp hơn rất nhiều so với kịch bản của "câu chuyện cổ tích" năm 2004.
Một lý do khác cho thấy sự kỳ lạ của trận chung kết năm nay, đó là đây là lần đầu tiên Inter đụng độ với PSG trong lịch sử. Có nghĩa rằng, tất cả hiểu biết về nhau của họ gần như là con số 0 tròn trĩnh. Điều đó tạo nên sự mới lạ và sức hút của trận đấu được mong chờ nhất năm.
Có một thực tế rằng Inter và PSG không phải là những đội bóng mạnh nhất. Theo đánh giá của Opta sau buổi lễ bốc thăm vòng bảng Champions League mùa này, Inter là ứng cử viên số 3 (sau Man City, Real Madrid), còn PSG xếp thứ 9.
Ở giai đoạn vòng bảng, PSG thậm chí từng có lúc tụt xuống vị trí thứ 25 (tức nằm ngoài nhóm đi tiếp). Đội bóng thành Paris chỉ thực sự tỉnh giấc khi toàn thắng cả 3 trận đấu cuối cùng vòng bảng. Để rồi, sau đó, người hâm mộ đã được chứng kiến phiên bản PSG hoàn thiện qua từng trận đấu.
Trong hành trình trở lại từ vòng bảng, đội bóng thành Paris đã xuất sắc quật ngã Man City với tỷ số 4-2. Sau đó, họ loại đội bóng mạnh nhất ở giai đoạn vòng bảng là Liverpool, đánh bại hiện tượng giải đấu là Aston Villa, trước khi quật ngã Arsenal. Có thể thấy, đoàn quân của HLV Luis Enrique đã thực sự khiến người Anh phải khâm phục.
So với thời điểm vào chung kết Champions League 2020, PSG không có ngôi sao tầm cỡ thế giới nhưng giờ đây, họ lại trở thành tập thể toàn diện. Tờ The Athletic nhận xét: "PSG là tập thể gần như hoàn hảo. Họ có sức bền, tốc độ và khả năng kiểm soát nhịp nhàng trận đấu trong từng khu vực. Sự đoàn kết làm nên sức mạnh của đội bóng, đó là tổng hòa của sức mạnh tập thể, trong cả tấn công lẫn phòng ngự".
PSG vượt qua nhiều sóng gió, để góp mặt trong trận chung kết Champions League (Ảnh: Getty).
Một điều trớ trêu là sau nhiều năm vung tiền để tìm kiếm danh hiệu, PSG lại đang tìm thấy thành công nhờ sức trẻ từ lò đào tạo, với nhiều ngôi sao nổi bật như Zaire-Emery, Barcola, Doue… Bên cạnh đó, PSG cũng chiêu mộ khá nhiều ngôi sao "đúng người đúng thời điểm" như Kvaratskhelia, Dembele, Hakimi, Vitinha hay Fabian Ruiz.
Kiến trúc sư trong thành công của PSG là Luis Enrique, người từng gặt hái vinh quang ở Champions League cách đây tròn 10 năm cùng Barcelona. Kể từ thời điểm ấy, ông thầy người Tây Ban Nha chật vật trong việc tìm kiếm hào quang. Điều lạ lùng ở chỗ, hồi cuối năm ngoái, HLV Luis Enrique còn suýt nữa bị sa thải vì mâu thuẫn với dàn sao của PSG.
Cho tới bây giờ, khi nhắc tới cuộc cách mạng của Luis Enrique trong thời gian ngắn, không ít người còn cảm thấy ngạc nhiên. Nhưng điều quan trọng nhất, HLV người Tây Ban Nha đã hướng PSG đi đúng quỹ đạo và không gì có thể ngăn nổi họ. PSG là đội bóng duy nhất ở châu Âu có cơ hội giành cú ăn ba lịch sử.
Inter Milan cũng là tập thể lạ lùng không kém PSG. Họ từng bị người Italy "ruồng rẫy" vì văn hóa ngoại lai, từng bị xem là "kẻ thừa thãi" xen vào thế thống trị của Juventus, AC Milan, nhưng vượt lên trên tất cả, Inter lại là đội bóng mang nhiều chất Italy nhất ở thời điểm này.
Không có đội bóng nào ở Champions League sở hữu hàng thủ tốt như Inter. Trong 10 trận đầu tiên ở mùa giải này (8 trận vòng bảng, 2 trận ở vòng knock-out), Nerazzurri chỉ thủng lưới đúng 2 bàn. Số bàn thua của Inter qua từng trận giống như chuỗi nhị phân như sau: 0-0-0-0-0-1-0-0-0-1.
Thế nhưng, điều lạ lùng ở chỗ, đội bóng thành Milan lại vượt qua hai đội bóng hàng đầu châu Âu là Bayern Munich và Barcelona nhờ… sức mạnh của hàng công. Trong 4 trận đấu vừa qua, đoàn quân của HLV Inzaghi ghi tới 11 bàn. Việc ghi gần 3 bàn mỗi trận vào lưới Bayern Munich và Barcelona gần như là điều không tưởng với mọi đội bóng. Thế nhưng, Inter lại làm nên điều không tưởng ấy.
Nói vậy để thấy rằng, Inter là kẻ đáng sợ. Khi cần thực dụng, họ sẵn sàng thực dụng tới tàn nhẫn, bóp nghẹt ý chí của mọi đối thủ. Nhưng khi cần tấn công, Nerazzurri có thể "nung chảy" được những hàng thủ tốt nhất châu Âu.
Inter Milan là đội bóng mang nhiều chất Italy nhưng cũng chơi rất hiện đại (Ảnh: Getty).
Về cơ bản, đội hình Inter vào trận chung kết Champions League mùa này không thay đổi là bao so với khi họ vào chung kết giải đấu năm 2023 (gặp Man City). Chỉ có hai sự thay đổi khi Marcus Thuram đá thay Edin Dzeko trên hàng công và Yann Sommer bắt thay Andre Onana ở trong khung gỗ. Nhưng nên nhớ, hồi năm 2023, nhiều người cho rằng đội hình Inter đã "hết đát" và đi tận cùng thành công.
Thế nhưng, nhiều nhân vật tưởng chừng đã lụi tàn sự nghiệp như Mkhitaryan (36 tuổi), Yann Sommer (37 tuổi), Francesco Acerbi (37 tuổi), Matteo Darmian (36 tuổi), Hakan Calhanoglu (31 tuổi), Stefan de Vrij (33 tuổi) vẫn có thể tiếp tục chiến đấu thêm 2 năm và thậm chí lọt vào trận chung kết Champions League.
Hãy nhìn cách những "ông già" Inter đối đầu với "những chàng trai trẻ" của Barcelona trong suốt 120 phút, mới thấy họ dẻo dai tới chừng nào. Tinh thần, sự tổ chức là điều người Italy luôn rất tự hào. Giờ đây, nó hiện hữu trong từng đôi chân của các chiến binh Inter.
Chứng kiến lão tướng Acerbi cởi phăng chiếc áo sau khi dứt điểm tung lưới Barcelona ở phút 90+3, đưa Inter trở về từ cõi chết, không ít người cảm thấy lạnh người. Gã chiến binh ấy năm nay đã 37 tuổi (2 năm trước từng bắt chết Haaland trong trận chung kết) và "trở về từ cõi chết" tới 2 lần trong cuộc đời khi chiến thắng căn bệnh ung thư tinh hoàn.
Nhưng nghị lực phi thường đã giúp Acerbi vượt qua thời khắc ngặt nghèo nhất để trở thành người hùng của Inter. Acerbi từng tâm sự: "Nếu không bị ung thư, có lẽ tôi đã giải nghệ ở tuổi 28, khi đang thi đấu ở Serie B. Tuy nhiên, nhờ ung thư, cuộc sống thực sự của tôi bắt đầu".
Nói vậy để thấy, cả Inter và PSG đều là đội bóng lạ lùng. Họ không phải là kẻ mạnh nhất nhưng đều xuất sắc vượt qua nghịch cảnh nhờ trái tim gan dạ, đôi chân không lùi bước và tính tổ chức ở mức độ rất cao. Như tờ The Athletic tổng kết: "Inter và PSG là những đội xứng đáng nhất góp mặt trong trận chung kết Champions League mùa giải này".
Vụn vỡ tuổi 17 và bước tiến lớn của Lamine Yamal
Lamine Yamal xứng đáng được nhắc tới sau loạt trận bán kết, dù cho giấc mơ Champions League của chàng trai 17 tuổi vẫn còn dang dở. Những giọt nước mắt của Yamal đã rơi sau trận thua nghiệt ngã trước Inter. Có lẽ, nhiều người đồng cảm với tâm trạng của thần đồng bóng đá Tây Ban Nha.
HLV Hansi Flick đã gọi Yamal là "thiên tài". Những người khác còn đi xa hơn khi cho rằng anh là cầu thủ xuất sắc nhất của Barcelona ở thời điểm này. Một vài quan điểm khác so sánh tầm ảnh hưởng của Yamal không khác gì Messi ở thời kỳ đỉnh cao. Thậm chí, HLV Inzaghi khẳng định sẽ bố trí 3 cầu thủ để kèm Yamal trước trận lượt về bán kết Champions League.
Thất bại ở Champions League mùa này là điều tốt với Yamal. Đôi khi, việc quá đầy đủ ở tuổi 17 không tốt cho sự phát triển của cầu thủ trẻ (Ảnh: Getty).
Chúng ta đang nói về cầu thủ mới 17 tuổi, người vẫn đang cắp sách tới trường và bận rộn với bài tập về nhà mỗi ngày. Trên sân bóng, Yamal dường như đã chạy quá xa so với tuổi 17. Ở độ tuổi đó, Messi mới chập chững lên đội 1 của Barcelona, C.Ronaldo thậm chí còn đang tập luyện ở đội trẻ Sporting Lisbon. Tuy nhiên, Yamal đã làm khổ không ít đồng nghiệp đáng tuổi cha, tuổi chú trên sân cỏ (bố của Yamal sinh năm 1990, tức kém tuổi nhiều cầu thủ Inter).
Về cơ bản, Yamal không thiếu kỹ năng gì để vươn lên trở thành siêu sao trong tương lai. Anh sở hữu kỹ thuật cá nhân tốt, khả năng dứt điểm đa dạng, tầm nhìn tuyệt vời và sự táo bạo. Tạm thời bỏ qua bàn thắng khó tin của Yamal, hãy nói về cú dứt điểm ở góc hẹp đập trúng xà ngang của Inter ở lượt đi, người ta mới thấy rõ phẩm chất của cầu thủ trẻ này.
Thế nhưng, HLV Hansi Flick lại là người lo lắng nhất về việc Yamal "chạy quá nhanh". Ông thừa nhận: "Điều tôi muốn từ Yamal là khả năng cải thiện. Cậu ấy phải làm việc chăm chỉ để đạt tới trình độ của Messi hay C.Ronaldo".
Có thể nói, về tiềm năng và kỹ năng, Yamal không thua kém bất kỳ ngôi sao nào. Thế nhưng, điều anh còn thiếu chính là những thất bại. Mọi thứ đang trở nên quá bằng phẳng với Yamal khi phá hàng loạt kỷ lục ở các giải đấu lớn, thâu tóm hàng loạt chức vô địch như La Liga, cúp nhà vua Tây Ban Nha, siêu cúp Tây Ban Nha (Barcelona) và Euro 2024 (đội tuyển Tây Ban Nha).
Giờ nếu giành thêm chức vô địch Champions League, Yamal sẽ có sự nghiệp quá đầy đủ ở tuổi 17. Ở khía cạnh nào đó, điều đó chưa hẳn đã tốt bởi nó khiến cho động lực cũng như cảm hứng chơi bóng của cầu thủ này không được "bơm đầy". Ở tuổi 17, Yamal cần một cú ngã đủ đau để nạp thêm động lực mới và có khát khao gặt hái thành công.
Đôi khi, sự đủ đầy, tròn trịa từ quá sớm không tốt với cầu thủ này. Để cải thiện, họ cần phải "tái sinh" từ những thất bại. Trong những năm qua, HLV Pep Guardiola đã lo ngại cảm hứng của Man City sẽ "tắt" khi họ giành quá nhiều chức vô địch Ngoại hạng Anh liên tiếp. Điều đó đã xuất hiện ở mùa giải này.
Messi hay C.Ronaldo đều biết cách tự đứng lên từ những giọt nước mắt. Thậm chí, Messi từng có ý định rời bỏ đội tuyển Argentina sau hai thất bại ở trận chung kết Copa America liên tiếp. Nhưng rồi, anh đã đứng dậy, gồng gánh Argentina vô địch Copa America, World Cup. C.Ronaldo cũng vậy. Sự nghiệp của anh nhiều lần bị "quật ngã" tơi tả vì những thất bại.
Không có những giọt nước mắt, làm sao có thành công rực rỡ. Chính vì thế, đối với riêng Yamal, thất bại ở Champions League mùa này còn tốt hơn cả giành chức vô địch. Nó gợi mở những phiên bản tốt hơn của Yamal trong tương lai.
Nguồn: https://dantri.com.vn/the-thao/tran-chung-ket-champions-league-ky-la-va-giac-mo-vun-vo-cua-lamine-yamal-20250508181244348.htm
Bình luận (0)