P.V: Thưa Trung tướng, Chiến thắng lịch sử 30/4/1975 vẫn luôn là một dấu son chói lọi sống mãi trong lòng mỗi người dân Việt Nam. Và, với những người đã từng vào sinh, ra tử trực tiếp góp phần làm nên chiến thắng vĩ đại đó, không khí hân hoan của cả dân tộc kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước chắc hẳn cũng mang tới cho ông nhiều cảm xúc?
Trung tướng Phạm Xuân Thệ: Chiến tranh đã lùi xa từ rất lâu, nhưng cứ vào những ngày tháng Tư này, trong tôi lại ùa về thật nhiều cảm xúc lẫn lộn, đan xen. Đó là sự bồi hồi tưởng nhớ về những năm tháng từng sống, chiến đấu trên chiến trường ác liệt; nhớ về thời khắc lịch sử của dân tộc, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Tất cả vẫn vẹn nguyên trong tâm khảm. Trong ký ức của mình, tôi chưa thể nguôi quên những người đồng chí, đồng đội đã từng vào sinh, ra tử cùng tôi trong mỗi trận đánh. Sau cuộc chiến khốc liệt ấy, biết bao người đồng chí, đồng đội của tôi đã mãi mãi nằm lại nơi chiến trường ác liệt để đổi lấy nền độc lập dân tộc. Tôi và những người may mắn được trở về và hưởng cuộc sống hòa bình, hạnh phúc, ấm no ngày hôm nay xin được mãi mãi khắc ghi và biết ơn sự hy sinh xương máu của các Anh hùng liệt sĩ.
P.V: Mặc dù đã được đọc, được xem rất nhiều những bài viết, thước phim, hình ảnh tư liệu về chiến thắng vĩ đại 30/4/1975, về những người anh hùng như ông… nhưng, với những thế hệ sinh ra trong hòa bình, vẫn còn nhiều điều chưa được biết về thời khắc lịch sử đó.
Trung tướng Phạm Xuân Thệ: Những ngày đầu tháng 4/1975, quân ta chiến thắng giòn giã, giải phóng một loạt các tỉnh trên mặt trận phía Nam. Thời điểm này, quân và dân cả nước dồn sức hướng về Sài Gòn – Gia Định, tiến hành cuộc tổng tiến công và nổi dậy tại sào huyệt cuối cùng của địch, kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ vĩ đại của dân tộc ta. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, tôi là Trung đoàn phó Trung đoàn 66, Sư đoàn 304, Quân đoàn 2. Trung đoàn 66 được giao nhiệm vụ làm lực lượng dự bị của sư đoàn, sẵn sàng thay thế các trung đoàn 9 và 24 đang tiến công vào đánh chiếm căn cứ Nước Trong và Trường sĩ quan bộ binh ngụy ở căn cứ Thái Lan trước đây. Khi Trung đoàn 9 và Trung đoàn 24 hoàn thành nhiệm vụ đánh chiếm 2 căn cứ trên thì Trung đoàn 66 có nhiệm vụ nằm trong đội hình Binh đoàn thọc sâu của Quân đoàn 2 nhanh chóng tiến công vào nội đô Sài Gòn.
Đúng 17 giờ ngày 29/4, lực lượng thọc sâu xuất phát, Trung đoàn 66 cùng với lực lượng xe tăng, pháo binh của Quân đoàn tiến quân vào Sài Gòn. Trên đường hành quân chúng tôi liên tục đối mặt với sự kháng cự quyết liệt của quân địch… Khoảng 6 giờ sáng ngày 30/4, chúng tôi hành quân đến đầu cầu Sài Gòn. Tại đây, lực lượng địch trên bộ và dưới sông đều rất mạnh, chúng bắn trả dữ dội vào đội hình quân giải phóng. Lúc này, cấp trên ra lệnh bằng mọi cách đánh chiếm cầu và vượt qua bằng được, không để địch phá cầu. Sau 20 phút giao tranh, bộ đội ta bắn cháy 2 chiếc xe tăng của địch trên đỉnh cầu Sài Gòn, bắn cháy và chìm 2 tàu chiến địch trên sông, nhưng địch vẫn ngoan cố chống trả quyết liệt. Đến khoảng 8 giờ sáng ngày 30/4, trước sự tấn công mạnh mẽ của ta, sự kháng cự của địch yếu dần, sau đó bỏ chạy. Chúng tôi nhanh chóng vượt qua cầu để chiếm giữ đầu cầu bên kia, không cho địch phá cầu. Lúc này trên cầu xe tăng của địch đang bốc cháy dữ dội, từng xe của ta phải lách thật nhanh vì lửa bốc cao, đạn trong xe tăng vẫn nổ dữ dội.
Trong trận này, quân ta cũng bị thiệt hại 2 xe tăng; một số chiến sĩ hy sinh, trong đó có đồng chí tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn xe tăng hy sinh ngay trên tháp pháo. Trước sự hy sinh, mất mát ấy, bộ đội ta càng thêm quyết tâm với mục tiêu nhanh nhất giải phóng Sài Gòn. Trên đường tiến quân, ta đã đập tan mọi sự kháng cự của địch. Địch bỏ chạy, lực lượng thọc sâu của Quân đoàn 2 tiếp tục tiến sâu vào nội đô, chia làm 2 mũi lao thẳng về hướng Dinh Độc Lập với mục tiêu nhanh chóng đánh chiếm và bắt chính quyền Sài Gòn đầu hàng.
P.V: Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã có rất nhiều trận đánh với các chiến công vang dội của quân ta. Nhưng thưa ông, hình ảnh quân đội ta thần tốc tiến vào Dinh Độc Lập trưa ngày 30/4/1975 bắt giữ toàn bộ nội các chính quyền Sài Gòn, dẫn giải Tổng thống Dương Văn Minh ra đài phát thanh tuyên bố đầu hàng vẫn luôn khiến cho biết bao người xúc động và tự hào.
Trung tướng Phạm Xuân Thệ: Trưa ngày 30/4, sau khi chiến thắng vang dội ở khắp các nơi, đoàn quân chúng tôi đã tiến thẳng vào Dinh Độc Lập. Khi xe tăng húc đổ cánh cổng Dinh Độc Lập, chiếc xe Jeép của tôi nhanh chóng lao vào sân. Lúc này, các chiến sĩ Đại đội 2, Tiểu đoàn 7 cùng các xe tăng của Lữ đoàn 203 cũng tràn vào sân. Chúng tôi nhanh chóng xuống xe, người cầm cờ, cầm súng trong tư thế sẵn sàng chiến đấu, tiến vào tòa nhà lớn. Tôi dẫn anh em định tìm đường lên nóc Dinh Độc Lập cắm cờ Giải phóng, nhưng khi lên bậc thang trên cùng lối vào hành lang, một người to cao chạy đến trước mặt. Ông ta giơ tay tự giới thiệu: báo cáo cấp chỉ huy, tôi là Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh, phụ tá của Tổng thống Dương Văn Minh. Toàn bộ nội các của chính quyền ông Minh đang trong phòng họp, mời cấp chỉ huy vào làm việc.
Tại đây, Tổng thống Dương Văn Minh nói với tôi: Chúng tôi đã biết Quân giải phóng tiến công vào nội đô, chúng tôi đang chờ Quân giải phóng vào để bàn giao… Theo phản ứng tự nhiên, tôi nghiêm mặt, nói lớn: Các anh là kẻ thất bại, các anh bị bắt làm tù binh, các anh phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, không có bàn giao gì cả! Ai có vũ khí bỏ xuống giao cho quân giải phóng!
Tôi kiên quyết bắt Tổng thống Dương Văn Minh và Thủ tướng Vũ Văn Mẫu phải nhanh chóng ra đài Phát thanh tuyên bố đầu hàng. Cùng thời gian trên, quân giải phóng đã lên tầng 2 Dinh Độc Lập liên tục phất cao lá cờ giải phóng báo hiệu quân ta đã đánh chiếm được Dinh Độc Lập.
P.V: Sau khi Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, Sài Gòn được hoàn toàn giải phóng. Lúc đó, đất và người Sài Gòn như vỡ òa trong niềm vui chiến thắng. Còn với những người lính như ông, cảm xúc lúc bấy giờ như thế nào?
Trung tướng Phạm Xuân Thệ: Sau khi quân ta chiếm được Dinh Độc Lập, ngoài đường phố, tiếng súng AK nổ vang dội. Tôi nghĩ rằng quân ta đang bắn súng để chào mừng chiến thắng.
Sau khi Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, trên đường trở lại Dinh Độc Lập, chúng tôi thấy không khí trên đường phố Sài Gòn lúc bấy giờ thật đông vui nhộn nhịp. Bộ đội và nhân dân đổ ra đường cùng nhau phất cờ mừng vui trong chiến thắng. Tiếng súng nổ chào mừng chiến thắng rền vang khắp nơi… Tôi cũng như hàng triệu người dân Việt Nam vui mừng vì cuộc chiến đã thực sự kết thúc; vui và hạnh phúc vì những người lính chúng tôi đã có thể trở về với gia đình, với người thân của mình.
P.V: Trong cuộc kháng chiến gian khổ, ác liệt, hy sinh, điều gì khiến Trung tướng day dứt đến tận bây giờ?
Trung tướng Phạm Xuân Thệ: Ký ức về cuộc chiến đấu gian khổ, ác liệt không bao giờ chúng tôi nguôi quên. Nhưng với tôi, điều khiến tôi day dứt khôn nguôi đó là biết bao sự hy sinh của đồng chí, đồng đội, nhất là những chiến sĩ đã anh dũng ngã xuống ngay trước thời khắc giải phóng Sài Gòn ít phút, điều đó thật đáng tiếc biết bao. Những năm qua, để phần nào xoa dịu nỗi đau của gia đình liệt sĩ, tôi đã luôn đồng hành trong các cuộc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ ở khắp các chiến trường xưa với mong muốn đưa được nhiều nhất có thể những đồng đội của tôi trở về. Đây cũng là lời tri ân của tôi đối với sự hy sinh anh dũng của các Anh hùng liệt sĩ đã góp phần vào chiến thắng vẻ vang của dân tộc, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, để cho chúng tôi được sống hòa bình, hạnh phúc, ấm no.
P.V: Đi qua chiến tranh, 50 năm qua, quê hương, đất nước đã và đang từng ngày đổi mới, phát triển. Có được thành tựu này, hơn ai hết, Trung tướng là người thấu hiểu ý nghĩa, giá trị của cuộc sống hòa bình, hạnh phúc hôm nay…
Trung tướng Phạm Xuân Thệ: Đất nước ta sau 50 năm hoàn toàn giải phóng đã có sự phát triển nhanh, mạnh; nhân dân được sống trong ấm no, hạnh phúc. Đúng như cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.
Chúng ta phải hiểu rằng, cha ông ta và những thế hệ đi trước đã phải đánh đổi bằng bao xương máu của cả dân tộc mới có thể có được ngày hôm nay. Trong chiến tranh, dân tộc ta là một dân tộc anh hùng bất khuất. Còn trong công cuộc đổi mới, hội nhập như hiện nay, đất nước chúng ta cũng không hề thua kém một dân tộc nào trên thế giới… Những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia chiến đấu trở về đã luôn cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân xây dựng đất nước giàu mạnh, gìn giữ hòa bình; không kẻ thù nào, thế lực nào có thể làm lay chuyển được ý chí yêu chuộng hòa bình của nhân dân ta.
Nhân đây, tôi cũng muốn nhắn nhủ với thế hệ trẻ một điều: Hãy biết trân trọng quá khứ, trân trọng lịch sử, kế thừa và phát huy những giá trị tốt đẹp của truyền thống dân tộc; ra sức học tập, rèn luyện, giữ vững thành quả cách mạng, góp sức trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
P.V: Xin trân trọng cảm ơn Trung tướng!
Phương Dung (Thực hiện)
Nguồn: https://baohanam.com.vn/xa-hoi/trung-tuong-anh-hung-llvtnd-pham-xuan-the-hay-gin-giu-tran-quy-gia-tri-cuoc-song-hoa-binh-hom-nay-160413.html
Bình luận (0)