Giá vật liệu xây dựng tăng cao khiến nhiều công trình buộc phải giãn tiến độ. TRONG ẢNH: Công trình xây dựng trên địa bàn phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu. Ảnh: TRỌNG HÙNG |
Giá vật liệu tăng vọt
Từ đầu năm 2025 đến nay, người dân và doanh nghiệp xây dựng tại Đà Nẵng liên tục than phiền vì giá vật liệu như cát, gạch, đá… tăng cao và ngày càng khan hiếm. Theo ghi nhận, giá cát xây dựng hiện dao động từ 550.000 đến 700.000 đồng/m³, trong đó cát tô (cát vàng) vượt ngưỡng 700.000 đồng/m³ - mức giá cao chưa từng thấy. Ghi nhận những ngày này, nhiều đại lý vật liệu xây dựng tại Đà Nẵng báo giá cát xây dựng dao động 550.000 đến 750.000 đồng/m³, tăng gần 150.000 đồng so với tháng trước và cao hơn 200.000 đồng/m³ so với đầu năm 2025. Không chỉ tăng giá, nguồn cung cát hiện cũng trở nên khan hiếm nghiêm trọng.
“Có ngày tôi gọi cả chục cuộc điện thoại mà vẫn không tìm được xe cát nào,” anh Nguyễn Tuấn, chủ một công trình nhà ở tại quận Thanh Khê chia sẻ. Ông Nguyễn Văn Hòa, Giám đốc Công ty CP Hy Mã, đơn vị đang thi công nhiều công trình lớn trên địa bàn cho rằng: “Nguồn cung không đáp ứng được nhu cầu. Dừng thì chậm tiến độ, thi công thì không có vật liệu hoặc có nhưng không đủ chứng từ hợp lệ, dễ dẫn đến sai phạm”. Cùng quan điểm, ông Nguyễn Công Hiếu, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Nam Trung Hiếu (doanh nghiệp kinh doanh vật liệu xây dựng) cho biết: “Nguồn cung cát, gạch ở Đà Nẵng chủ yếu phụ thuộc vào các mỏ ở huyện Đại Lộc (Quảng Nam). Khi đầu nguồn gặp trục trặc, thị trường lập tức bị tác động gây ảnh hưởng đáng kể cho nhà thầu thi công các công trình theo hợp đồng”.
Không chỉ giá cát tăng cao, giá gạch ống, gạch thẻ tại thị trường Đà Nẵng dao động từ 1.750-2.100 đồng/viên, tăng từ 400-600 đồng/viên so với đầu năm (tùy loại gạch). Tuy nhiên, nhiều đại lý cho hay, dù giá cao nhưng hàng vẫn “nhỏ giọt”, nguồn cung từ các nhà máy ở Quảng Nam không ổn định, nhiều nơi phải đặt hàng chờ 4 - 6 ngày mới có. Anh Nguyễn Hoàng (quận Liên Chiểu) chia sẻ: “Nhà tôi xây từ tháng 3. Dự toán căn nhà hết khoảng 60.000 viên gạch, giờ tăng giá khiến tổng chi phí gạch đội lên 25 triệu đồng. Lúc khan hiếm, thợ phải nghỉ vài ngày chờ vật liệu, ảnh hưởng lớn đến tiến độ”.
Bên cạnh đó, giá bê-tông tươi tại Đà Nẵng từ đầu năm đến nay cũng liên tục tăng khoảng 15% so với thời điểm đầu năm 2025. Đáng chú ý, nhiều doanh nghiệp cung cấp bê-tông thương phẩm đã phát đi thông báo tạm ngừng cung cấp sản phẩm cho các công trình, nguyên nhân chủ yếu là do khan hiếm nguyên liệu đầu vào, nhất là cát. Mới đây, Công ty CP Xây lắp phát triển nhà Đà Nẵng thông báo tạm dừng cung cấp bê-tông thương phẩm cho các công trình dân dụng và một số dự án đang triển khai kể từ ngày 18-5-2025. Lý do được đưa ra là do nhiều mỏ cát tại Quảng Nam đang tạm ngừng khai thác để phục vụ công tác thanh tra, khiến nguồn cung cát sản xuất bê-tông bị thiếu hụt nghiêm trọng.
Kiến nghị giải pháp “hạ nhiệt”
Trước tình trạng cung không đủ cầu, giá cả tăng “phi mã”, các doanh nghiệp và người dân kỳ vọng có sự can thiệp mạnh mẽ và kịp thời từ phía cơ quan quản lý nhà nước để bình ổn thị trường. Theo ông Nguyễn Viết Khuê, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng PKC, giá vật liệu xây dựng như cát, gạch, bê-tông tươi đã tăng 10-30%. Trong khi đó, nhiều hợp đồng thi công được ký trước với đơn giá thấp, không thể điều chỉnh. Điều này khiến doanh nghiệp phải chịu lỗ, gồng gánh chi phí vượt khả năng.
Theo Sở Xây dựng, hiện trên địa bàn không có mỏ cát xây dựng nên gặp nhiều khó khăn. Sắp tới, khi thành phố Đà Nẵng hợp nhất với tỉnh Quảng Nam, thành phố sẽ có giải pháp về bảo đảm nguồn vật liệu xây dựng trên địa bàn. Các doanh nghiệp xây dựng cho rằng, để ổn định nguồn cung, cơ quan chức năng cần minh bạch thị trường vật liệu, đặc biệt là cát và gạch; đồng thời xử lý nghiêm tình trạng găm hàng, trốn thuế, khai thác không hóa đơn. Việc quy hoạch lại vùng khai thác để giảm phụ thuộc vào một địa phương cũng là yêu cầu cấp thiết. Ngoài ra, cần xây dựng cơ chế điều chỉnh giá hợp đồng linh hoạt, nhất là với các công trình đã ký trước đợt tăng giá mạnh và khuyến khích sử dụng vật liệu thay thế, tái chế để giảm áp lực nguồn cung truyền thống. Doanh nghiệp cũng đề nghị Sở Xây dựng, Sở Công Thương tăng cường dự báo, công bố giá định kỳ, cung cấp dữ liệu giúp nhà thầu và người dân chủ động ứng phó.
TRỌNG HÙNG
Nguồn: https://baodanang.vn/kinhte/202505/gia-vat-lieu-xay-dung-tang-nha-thau-nguoi-dan-gap-kho-4006890/
Bình luận (0)