Tối ưu hóa quy trình sản xuất
Để chuyển đổi mô hình phát triển bền vững, Bình Dương đang nỗ lực triển khai chiến lược phát triển các khu công nghiệp (KCN) xanh, công nghiệp thế hệ mới, tạo nền tảng thu hút các nhà đầu tư chất lượng trong lĩnh vực công nghệ cao, kinh tế số và trí tuệ nhân tạo. Bên cạnh đó, Bình Dương đẩy mạnh chuyển đổi số trong các ngành kinh tế, đặc biệt là ngành thương mại điện tử, nhằm kết nối với chuỗi cung ứng toàn cầu; triển khai các KCN khoa học - công nghệ và phát triển nền kinh tế tuần hoàn.
Ông Nguyễn Thanh Lam, Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Lâm Việt, cho biết là doanh nghiệp (DN) đã có nhiều năm làm việc với các thị trường “khó tính” trên thế giới, công ty liên tục thích ứng với những yêu cầu ngày càng khắt khe từ phía đối tác. Chính vì vậy, các danh mục liên quan đến chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, chuyển đổi tuần hoàn và chuyển đổi carbon được công ty quan tâm đầu tư. Ông Lam chia sẻ, để chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ hiện đại nhằm tối ưu hóa quy trình, các DN cần chuẩn hóa hiện trường sản xuất, chuẩn hóa hệ thống quản lý của DN. Các quy trình cần phải được sắp xếp lại, tối ưu hóa lại, vận hành một cách liên tục, trơn tru để có thể thu được dữ liệu chính xác, dữ liệu sạch. Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất cũng cần sắp xếp lại, tiếp đó chuẩn hóa các luồng sản xuất. Sau tất cả những việc đó mới bắt đầu số hóa những dữ liệu đã thu nhận được và kết hợp nhuần nhuyễn giữa công nghệ và quản lý sản xuất.
“Tại Công ty Lâm Việt, chúng tôi đã áp dụng hệ thống ERP (hệ thống hoạch định nguồn lực DN) trên từng công đoạn sản xuất, công khai nguồn gốc sản phẩm và cho phép truy xuất chính xác thông tin sản phẩm, nguồn gốc gỗ hợp pháp của công ty trên từng bước sản xuất, tiêu thụ; đồng thời xây dựng báo cáo kiểm kê khí nhà kính từ phần mềm. Công ty còn sử dụng phần mềm quản lý, bảo dưỡng, bảo trì máy móc thiết bị và phần mềm ứng lương tự động cho công nhân viên. Giai đoạn 2025-2030, công ty xây dựng kế hoạch hành động giảm thiểu khí thải 10% mỗi năm so với năm 2024 dựa trên những nền tảng công nghệ”, ông Nguyễn Thanh Lam nói.
Theo bà Lê Thị Xuyến, Tổng Giám đốc Công ty CP Chế biến gỗ Thuận An, tính bền vững, chuyển đổi xanh trong sản phẩm gỗ không còn mang tính tự nguyện như trước đây mà đã trở thành điều kiện bắt buộc hiện nay. Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu, là thị trường khó tính nhưng ổn định và là thị trường truyền thống của nhiều DN gỗ trong những năm qua, ngày càng thắt chặt các quy định về những yếu tố bền vững gắn với bảo vệ môi trường. Trước những yêu cầu đó, công ty tiếp tục duy trì thực hiện hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001-2015 và hệ thống quản lý chuỗi hành trình sản phẩm FSC-CoC; kiểm soát tốt chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Nhân rộng mô hình hiệu quả
Hiện nay, Tổng Công ty Becamex IDC ưu tiên chỗ trợ phát triển sản xuất truyền thống sang ứng dụng công nghệ 4.0 để tối ưu hóa sản xuất và giảm thiểu tác động đến môi trường; đồng thời tăng cường hợp tác quốc tế, xây dựng và chuyển đổi sản xuất từ truyền thống sang hiện đại, phát triển những mô hình sản xuất hiệu quả.
Ông Phạm Ngọc Thuận, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Becamex IDC, cho biết thế giới đang chứng kiến một cuộc chuyển đổi mạnh mẽ trong ngành công nghiệp, nơi các yếu tố xanh, thông minh và bền vững trở thành tiêu chuẩn bắt buộc. Để bắt nhịp xu hướng đó, Becamex IDC đã đầu tư xây dựng các phòng thí nghiệm, trung tâm sản xuất, viện nghiên cứu, vườn ươm DN, cùng các chương trình đào tạo và hỗ trợ chuyển đổi công nghệ 4.0. Những nỗ lực này góp phần hình thành đội ngũ kỹ sư tay nghề cao, doanh nhân công nghệ và giúp Bình Dương chuyển mình hướng tới giá trị gia tăng cao hơn. Hệ sinh thái mới này không chỉ thu hút nhà đầu tư thế hệ mới mà còn giữ chân nhà đầu tư hiện hữu bằng cách đáp ứng các yêu cầu tiên tiến. Điển hình, dự án Nhà máy Lego Việt Nam của Tập đoàn Lego (Đan Mạch), với vốn đầu tư hơn 1,3 tỷ đô la Mỹ, là nhà máy trung hòa carbon đầu tiên của tập đoàn này. Hay như dự án nhà máy thông minh Orion của Hàn Quốc được Tổng Công ty Becamex IDC triển khai bằng giải pháp tự chủ.
“Becamex IDC tận dụng chuyển đổi số để thành lập các công ty công nghệ và năng lượng bền vững, xây dựng mô hình kinh doanh trên không gian số và xanh. Becamex IDC cũng hợp tác với đối tác Singapore hình thành Công ty Năng lượng thông minh, hợp tác với đối tác Nhật Bản để lập công ty công nghệ thông tin, kinh doanh viễn thông, trung tâm dữ liệu, giải pháp công nghiệp 4.0, thành phố thông minh và phát triển phần mềm...”, ông Phạm Ngọc Thuận chia sẻ.
Bình Dương luôn tạo điều kiện thuận lợi để DN đẩy mạnh chuyển đổi số, giúp các ngành hàng, hiệp hội, DN tiếp cận một số mô hình chuyển đổi số điển hình; hỗ trợ DN tối ưu hóa hoạt động, nâng cao năng lực và lợi thế cạnh tranh, tạo ra những giá trị mới dựa trên công nghệ số… Từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà. |
TIỂU MY - ANH TUẤN
Nguồn: https://baobinhduong.vn/ung-dung-cong-nghe-4-0-nang-cao-nang-luc-canh-tranh-a346919.html
Bình luận (0)