Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Sửa đổi Hiến pháp: Tránh vì sức ép thời gian mà làm hình thức

Việc sửa Hiến pháp lần này cần thực hiện các bước theo quy trình, thủ tục hiến định; không chỉ bảo đảm tiến độ, mà còn phải tôn trọng quy trình dân chủ, công khai, tránh hình thức hoặc làm vì sức ép thời gian.

VietNamNetVietNamNet14/05/2025

Sáng nay, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường thảo luận về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.

Đây là một nội dung quan trọng nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương của Đảng về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu quả; tạo cơ sở hiến định hoàn thiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.

Khẳng định vai trò trung tâm của MTTQ Việt Nam trong khối đại đoàn kết

Trao đổi với VietNamNet, đại biểu Hoàng Minh Hiếu (tỉnh Nghệ An) - ủy viên chuyên trách Ủy ban Pháp luật và Tư pháp nhấn mạnh, các nội dung sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 2013 lần này đều thể hiện tính dân chủ sâu sắc. Trước hết, đó là sự khẳng định vai trò trung tâm của MTTQ Việt Nam trong khối đại đoàn kết toàn dân, đại diện cho mọi tầng lớp xã hội, không phân biệt dân tộc, tôn giáo.

Định hướng sửa đổi lần này giúp tăng cường việc đảm bảo quyền làm chủ của nhân dân, tạo điều kiện để MTTQ Việt Nam giám sát và phản biện xã hội hiệu quả hơn.

Hôm nay, Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

Việc sửa đổi, bổ sung để sắp xếp, tinh gọn bộ máy cũng giúp giảm chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, nhằm nâng cao hiệu quả đại diện, giúp các cơ quan nhà nước tập trung nguồn lực, gần gũi hơn với người dân, phục vụ người dân tốt hơn.  

Về tính thực tiễn, theo ông Hiếu các nội dung sửa đổi, bổ sung lần này được đề xuất để giải quyết trực tiếp những vấn đề thực tiễn đang đặt ra. Cụ thể, việc làm rõ vai trò của MTTQ Việt Nam và tinh gọn các tổ chức chính trị - xã hội nhằm khắc phục tình trạng chồng chéo chức năng, nâng cao hiệu quả phối hợp trong khối đại đoàn kết toàn dân. 

“Việc đề xuất chuyển đổi mô hình chính quyền địa phương từ 3 cấp xuống 2 cấp là một giải pháp đột phá để giảm tầng nấc trung gian, tiết kiệm ngân sách và tăng tính linh hoạt trong quản lý. Những thay đổi này không chỉ phù hợp với yêu cầu cải cách bộ máy nhà nước mà còn đáp ứng bối cảnh hội nhập quốc tế, khi Việt Nam cần một hệ thống bộ máy nhà nước tinh gọn, hiệu quả để cạnh tranh và phát triển bền vững” – ông Hiếu khẳng định.

Lấy ý kiến qua VneID, mở rộng cơ hội để mọi tầng lớp nhân dân góp ý

Theo đại biểu tỉnh Nghệ An, điểm đặc biệt trong lần sửa đổi, bổ sung Hiến pháp này là yêu cầu sửa đổi, bổ sung trong một khoảng thời gian tương đối ngắn, với mục tiêu hoàn thành đúng tiến độ vào cuối tháng 6 tới. 

“Đây là một thách thức không nhỏ, đòi hỏi chúng ta phải rất tập trung, rất chọn lọc, và kiên định với nguyên tắc chỉ sửa những vấn đề thật sự cấp thiết, có tác động trực tiếp đến việc tháo gỡ các điểm nghẽn thể chế, phục vụ mục tiêu sắp xếp, tổ chức lại bộ máy”.

Theo ông, một yêu cầu đặc biệt cần lưu ý là phải bảo đảm nghiêm ngặt quy trình, thủ tục hiến định. Khác với các lần sửa đổi trước đây, Hiến pháp 2013 đã lần đầu tiên quy định cụ thể các bước trong quy trình sửa đổi Hiến pháp, từ việc đề xuất, lấy ý kiến, tiếp thu, chỉnh lý, cho đến việc thảo luận và thông qua tại Quốc hội.

Điều này đặt ra trách nhiệm rất lớn đối với từng cơ quan tham gia, không chỉ bảo đảm tiến độ, mà còn phải tôn trọng quy trình dân chủ, công khai, tránh hình thức hoặc làm vì sức ép thời gian.

Theo đại biểu Hoàng Minh Hiếu, các nội dung sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 2013 lần này đều thể hiện tính dân chủ sâu sắc. Ảnh: Hoàng Hà

Việc lấy ý kiến nhân dân tiếp tục được triển khai rộng rãi, cả trực tiếp lẫn gián tiếp. Điểm nổi bật trong lần này là việc ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại, trong đó có sử dụng ứng dụng VneID để lấy ý kiến. 

Theo ông, đây là một bước tiến quan trọng, bởi VNeID là nền tảng phổ biến, dễ tiếp cận, cho phép mọi người dân, từ thành thị đến nông thôn, tham gia đóng góp ý kiến một cách thuận tiện. 

“Việc này không chỉ đảm bảo tính dân chủ mà còn mở rộng cơ hội để mọi tầng lớp nhân dân bày tỏ quan điểm, đặc biệt là những người ở vùng sâu, vùng xa, giúp người dân có thể dễ dàng tham gia đóng góp ý kiến ở bất cứ đâu, bất cứ lúc nào”, đại biểu tỉnh Nghệ An nhấn mạnh.

Ngoài ra, vì Hiến pháp là văn bản pháp lý cao nhất, chứa đựng nhiều nội dung mang tính khái quát, trừu tượng, yêu cầu chuyên môn cao nên để người dân dễ dàng hiểu và đóng góp ý kiến hiệu quả, cần có các tài liệu giải thích rõ ràng, ngắn gọn và dễ tiếp cận. 

“Ví dụ, các tài liệu này có thể được biên soạn dưới dạng hỏi - đáp, hình ảnh minh họa giúp người dân nắm bắt nội dung sửa đổi mà không cảm thấy phức tạp. Đồng thời, cần tổ chức thêm các diễn đàn trực tiếp tại địa phương, kết hợp với kênh trực tuyến, để lắng nghe ý kiến từ nhiều nhóm dân cư, từ nông dân, công nhân đến trí thức", đại biểu phân tích.

Cùng với đó, cần tổ chức giải trình, tiếp thu đầy đủ các ý kiến góp ý, tổ chức phản hồi theo nhóm vấn đề và công khai các thông tin này. 

“Khi người dân cảm thấy tiếng nói của mình được lắng nghe thực sự và được phản hồi kịp thời thì Hiến pháp sẽ thực sự phản ánh đầy đủ ý chí và nguyện vọng của nhân dân” - ông Hiếu nói.

Vietnamnet.vn

Nguồn:https://vietnamnet.vn/sua-doi-hien-phap-tranh-vi-suc-ep-thoi-gian-ma-lam-hinh-thuc-2400778.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Mê mệt với loài chim dụ dỗ bạn tình bằng thức ăn
Bạn cần chuẩn bị gì khi du lịch Sapa vào mùa hè?
Vẻ đẹp hoang sơ và câu chuyện kỳ bí của mũi Vi Rồng tại Bình Định
Khi du lịch cộng đồng trở thành nhịp sống mới bên phá Tam Giang

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm