Tác động lớn tới xã hội
Ngay khi Thông tư 22 được ban hành, đã có rất nhiều ý kiến phản ánh, lo ngại về những hậu quả do việc đổi số điện thoại. Ðơn giản với mỗi người dân, việc phải thay đổi lại số điện thoại trong danh bạ đã mất rất nhiều thời gian và rắc rối. Tính sơ sơ chi phí in lại hàng triệu chiếc biển hiệu, hàng trăm triệu chiếc danh thiếp cũng đã là sự tốn kém lớn. Bị ảnh hưởng lớn nhất, có lẽ chính là doanh nghiệp dùng đầu số điện thoại mã vùng gắn với thương hiệu. Chị Lê Thị Thu Nga, chủ một cửa hàng thức ăn nhanh trên đường Xuân Thủy (Hà Nội) lo lắng chia sẻ: "Cửa hàng của tôi chủ yếu phục vụ khách hàng gọi đồ ăn qua điện thoại cố định. Nếu đổi số sẽ rất phiền toái, ảnh hưởng xấu việc kinh doanh. Bên cạnh đó, tôi phải cho in lại hết từ quần áo đồng phục nhân viên đến tờ rơi, biển hiệu quảng cáo,... tốn cả chục triệu đồng". Cùng mang tâm lý lo ngại, ông Lê Trung, phụ trách mảng kinh doanh của Công ty TNHH Posco VST - công ty kinh doanh thép của Tập đoàn Posco (Hàn Quốc) cho biết: Công ty có rất nhiều khách hàng ở khắp các tỉnh trên cả nước. Vì thế, việc thay đổi mã vùng điện thoại sẽ gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp trong việc giao tiếp với họ, đôi khi làm mất cơ hội bán hàng. Kể cả trong giao dịch với đối tác quốc tế hiện nay, tuy hầu hết đều thông qua thư điện tử cho chuẩn xác, nhưng khách hàng vẫn sẽ gọi điện nếu có việc gấp, mà họ làm sao biết được thông tin mình đã đổi số như thế nào?
Nói về hoạt động ta-xi, ngành kinh doanh chủ yếu thông qua điện thoại cố định, Chủ tịch Hiệp hội Ta-xi tải Hà Nội Nguyễn Phúc Thành nhận định: Mỗi số điện thoại với các hãng ta-xi cũng chính là một thương hiệu. Vì vậy, đổi số điện thoại chính là thay đổi thương hiệu, "bẻ lệch" cầu nối giữa các hãng ta-xi với khách hàng. Vì vậy, nhiều hãng ta-xi lớn như Mai Linh, Vinasun có thể mất nhiều tỷ đồng để sơn lại thùng xe cũng như in ấn lại các sản phẩm quảng cáo, nhưng cũng không thể so được với những thất thoát vô hình mà việc đổi số điện thoại gây ra. Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô-tô Việt Nam Thân Văn Thanh đánh giá: Việc đổi số điện thoại trước hết sẽ gây phiền phức cho mọi người dân trong việc liên lạc qua điện thoại. Bên cạnh đó, chưa biết mối lợi của việc này mang lại là gì, nhưng chắc chắn các doanh nghiệp, cơ quan sẽ mất những khoản chi phí rất lớn trong việc in lại các ấn chỉ của mình. Vì vậy, cần xác định rõ nếu thật sự cần hãy làm, để giảm lãng phí không đáng có cho xã hội.
Có cần quy hoạch lại?
Trước câu hỏi nêu trên, Trưởng phòng Cơ sở hạ tầng và Kết nối (Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông) Giang Văn Thắng khẳng định: Việc quy hoạch lại kho số viễn thông là điều cần thiết vì trên cả nước hiện có khoảng 130 triệu thuê bao điện thoại, thì đã có hơn 120 triệu thuê bao di động, số lượng thuê bao cố định chỉ chiếm hơn 5% và có xu thế ngày càng giảm. Theo quy hoạch cũ, trong tổng số tối đa chín đầu mã (1 đến 9) có thể quy hoạch làm mã vùng và mã mạng, có bảy số được sử dụng làm mã vùng cho mạng cố định, chỉ có hai số là 1 và 9 được dành cho mạng di động. Ðiều này bộc lộ sự thiếu hiệu quả trong quy hoạch, sử dụng kho số giữa mạng cố định và mạng di động. Về lâu dài, với sự phát triển mạnh mẽ của thị trường viễn thông di động như hiện nay, sẽ dẫn đến tình trạng thiếu số cho di động, trong khi cho cố định ngày càng thừa. Quy hoạch mới giải quyết được vấn đề này khi chỉ dành một số đầu mã làm mã vùng (số 2), sáu số cho mạng di động và một đầu mã làm mã mạng sử dụng cho thuê bao di động là thiết bị. "Cũng có thể kéo dài số thuê bao di động để tăng kho số, nhưng việc này sẽ gây ra rất nhiều bất cập cho người sử dụng. Chúng tôi đã cân nhắc rất kỹ và quyết định đi đến phương án tối ưu nhất là chỉ thay đổi số đầu mã, số điện thoại của người dân vẫn được giữ nguyên như cũ, để ảnh hưởng gây ra sẽ ở mức nhỏ nhất", ông Thắng quả quyết. Một thực tế khác, do số ký tự "dài hơn" nên các thuê bao 11 số dường như đang bị người dùng hắt hủi, thậm chí bị coi là số "rác", được rất ít người ưa chuộng và sử dụng thành số liên lạc chính. Vì vậy, theo ông Thắng, việc chuyển đổi các thuê bao di động 11 chữ số thành 10 chữ số sẽ giúp triệt tiêu sự bất bình đẳng giữa các số thuê bao, bảo đảm tốt hơn quyền lợi của người sử dụng các thuê bao này. Ðây cũng là yêu cầu cho quá trình hội nhập của Việt Nam, khi nhiều quốc gia khác, trong đó có Mỹ, khi tiến hành đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), rất quan tâm việc bảo đảm công bằng, quyền được quay số bình đẳng.
Trước những thắc mắc của người dân về sự "vội vàng" của Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc triển khai đổi số điện thoại, ông Thắng giải thích: Thực tế đang có sự nhầm lẫn về mặt thời gian. Ngày 1-3-2015 chỉ là thời điểm có hiệu lực của Quy hoạch kho số viễn thông chứ chưa phải mốc triển khai việc đổi số điện thoại. Sau khi quy hoạch được phê duyệt chính thức (hiện vẫn chưa được phê duyệt), Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tổ chức họp bàn, nghiên cứu, thu thập ý kiến của các doanh nghiệp viễn thông và từ phía người dân, nhằm tính toán chuẩn xác lộ trình chuyển đổi số điện thoại. Hiện vẫn chưa có thời gian chính thức áp dụng việc đổi số. Dự kiến, phải mất sáu đến tám tháng chuẩn bị mới có thể bắt đầu việc đổi mã vùng lần lượt theo từng vùng kinh tế và việc chuyển các thuê bao di động 11 chữ số thành 10 chữ số có thể tiến hành sớm nhất vào năm 2017. Cũng theo Nghị định hướng dẫn Luật Viễn thông, khi đổi số thuê bao, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phải thông báo trước ít nhất 60 ngày đến các thuê bao trên phương tiện thông tin đại chúng; đồng thời cho phép gọi đồng thời cách cũ và cách mới trong vòng 60 ngày. Kể cả khi quá thời gian này, khách hàng khi quay nhầm mã đầu số vẫn sẽ được nghe thông báo tự động bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt về việc đầu số đã được thay đổi với hướng dẫn cụ thể cách gọi theo đầu số mới. Vì vậy, mọi người dân và doanh nghiệp chắc chắn sẽ có đủ thời gian để chuẩn bị và làm quen dần với việc sử dụng mã đầu số mới.
Về những ý kiến đánh giá cho rằng, việc sắp xếp mã vùng của các địa phương vẫn còn lộn xộn, ông Thắng cho biết: Trước đây, do có nhiều lần các tỉnh nhập rồi lại tách, dẫn đến việc phân phối đầu mã cho các địa phương không đúng quy luật. Vì vậy, trong quy hoạch mới, Cục Viễn thông đã chủ động sắp xếp lại mã vùng của các tỉnh, theo quy tắc từ bắc xuống nam, từ đông sang tây; đồng thời cố gắng tối đa giữ lại các mã cũ (như Cao Bằng đổi từ 26 thành 206, Thanh Hóa từ 37 thành 237...). Tuy nhiên, vì phải sắp xếp lại toàn bộ mã vùng một cách khoa học cho nên không thể tránh tình trạng mã vùng một số tỉnh bị thay đổi hoàn toàn ( Ðà Nẵng từ 511 thành 236, Nam Ðịnh từ 350 thành 228...).
Có thể thấy, việc quy hoạch lại kho số viễn thông, tuy mang lại rất nhiều phiền toái và thiệt hại cho xã hội, nhưng bên cạnh đó, cũng là nhu cầu cấp thiết, là một sự đầu tư hợp lý hơn cho tương lai. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, mong rằng các cơ quan quản lý nhà nước mà trực tiếp là Bộ Thông tin và Truyền thông cần cân nhắc kỹ, thu thập ý kiến đóng góp từ nhiều phía... để thảo luận và đưa ra kế hoạch, lộ trình thực hiện tối ưu nhất, nhằm vừa bảo đảm quyền lợi của người dân, giảm chi phí xã hội, vừa đưa việc chuyển đổi số điện thoại được triển khai thông suốt và có hiệu quả cao nhất.
Nguồn: https://nhandan.vn/ve-viec-doi-dau-so-va-ma-vung-dien-thoai-post222639.html
Bình luận (0)