Nghe người trong cuộc kể chuyện
Sinh ra và lớn lên trong gia đình giàu truyền thống cách mạng, hơn ai hết, bà Trương Thị Mỹ Hạnh - Trưởng Văn phòng Cơ quan đại diện phía Nam - Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam (Văn phòng), hiểu rất rõ sự mất mát, đau thương của chiến tranh và tổn thất về tinh thần của người ở lại.
Tại buổi tọa đàm, bà đã chia sẻ nhiều câu chuyện xúc động xoay quanh gia đình và các phần việc ý nghĩa mà Văn phòng đang làm.
Thông qua tọa đàm giúp thế hệ hôm nay trân trọng quá khứ, tri ân hiện tại và tạo ra tương lai tốt đẹp
Bà Hạnh kể: “Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, gia tộc họ Trương có 31 người được công nhận liệt sĩ, 9 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Lớp người trước hy sinh, lớp người sau tiếp tục thoát ly gia đình tham gia kháng chiến giành độc lập, tự do cho quê hương, dân tộc. Người trong cuộc mới hiểu hết được sự đau thương của gia đình. Do đó, tôi luôn dành hết tâm huyết cho các hoạt động hỗ trợ gia đình liệt sĩ”.
Những năm qua, Văn phòng đã hỗ trợ khoảng 50.000 trường hợp tìm kiếm và cất bốc hài cốt liệt sĩ vào nghĩa trang hoặc đưa về quê; xây tặng 1.300 căn nhà tình nghĩa; thử ADN cho 1.000 liệt sĩ và thân nhân liệt sĩ, trong đó có 500 trường hợp chính xác; trao sổ tiết kiệm và tặng quà cho gia đình chính sách, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng,... Tổng kinh phí các hoạt động gần 180 tỉ đồng từ nguồn xã hội hóa.
Là một trong nhiều gia đình được hỗ trợ cất bốc hài cốt liệt sĩ đưa về quê an táng, ông Nguyễn Văn Bính (quê Hà Tĩnh) đã gọi điện thoại đến chương trình để giao lưu, chia sẻ niềm vui.
Ông nói: “Anh của tôi là liệt sĩ Nguyễn Tiến Bính, hy sinh năm 1978 trong chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam. Nhiều lần tôi có ý định đưa anh về quê an nghỉ ở quê hương nhưng điều kiện gia đình không cho phép. May mắn, gia đình được Văn phòng hỗ trợ kinh phí, thủ tục cất bốc đưa về quê nhà. Bây giờ cảm xúc của tôi rất khó tả, chỉ biết cảm ơn Văn phòng và bà Trương Thị Mỹ Hạnh”.
Sáng mãi ngọn lửa tri ân
Những trải lòng của bà Trương Thị Mỹ Hạnh và ông Nguyễn Văn Bính tại buổi tọa đàm đã giúp thế hệ hôm nay cảm nhận sâu sắc một phần đau thương, mất mát của các gia đình. Điều này càng khẳng định:
Chiến tranh đã qua đi, vết thương trên thịt da đã lành theo năm tháng nhưng những tổn thương về tinh thần, vết thương lòng của người ở lại vẫn còn với thời gian. Để bù đắp một phần mất mát, hy sinh này, Đảng, Nhà nước và Nhân dân luôn thực hiện tốt truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”.
Phó Giám đốc Sở Nội vụ Đặng Ngọc Tảo chia sẻ: “Tri ân các gia đình chính sách, người có công không chỉ là trách nhiệm mà còn là mệnh lệnh từ trái tim. Thời gian qua, tỉnh có nhiều hoạt động thiết thực chăm lo về vật chất lẫn tinh thần cho các gia đình chính sách, người có công như: xây dựng, sửa chữa nhà tình nghĩa; thăm, tặng quà nhân các dịp lễ, tết; hành trình tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ tại nước bạn Campuchia,… Riêng năm 2024, tỉnh Long An (cũ) phát động phong trào tiết kiệm, huy động nguồn lực xã hội hóa và từ đóng góp của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đã hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 272 căn nhà tình nghĩa với tổng số tiền hơn 15 tỉ đồng. Bên cạnh đó, thực hiện Quyết định số 21/2024/QĐ-TTg, ngày 22/11/2024 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở đối với người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ, Long An đã xây dựng và sửa chữa 241 căn nhà tình nghĩa với số tiền hơn 25 tỉ đồng”.
Đền ơn đáp nghĩa là hoạt động thường xuyên, không có điểm kết thúc. Thế hệ trẻ hôm nay sẽ tiếp nối, phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” với những hoạt động thiết thực, ý nghĩa hơn.
Tại buổi tọa đàm, Bí thư Tỉnh Đoàn Trần Hải Phú chia sẻ về nhiều hoạt động thiết thực và tình cảm của thế hệ hôm nay đối với các anh hùng, liệt sĩ, gia đình chính sách, người có công với cách mạng: “Nhân kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, (27/7/1947 - 27/7/2025), các cấp bộ Đoàn đã triển khai hơn 800 lượt thăm hỏi Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, thương binh, bệnh binh, gia đình chính sách. Đặc biệt, tuổi trẻ Tây Ninh tổ chức được 102 Bữa cơm sum vầy tại các gia đình chính sách, tạo không khí ấm cúng, gắn kết; tổ chức hơn 110 hoạt động khám bệnh, tặng thuốc miễn phí cho 900 người có công, gia đình chính sách,... Các công trình, phần việc ý nghĩa đã góp phần hun đúc, nuôi dưỡng, bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước, niềm tự hào dân tộc, trách nhiệm của tuổi trẻ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Nhiều người con quê hương Tây Ninh cùng với cả nước viết nên những trang sử vàng của dân tộc trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ Tổ quốc. Cũng từ đó, Tây Ninh là mảnh đất chịu nhiều mất mát, hy sinh.
Với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, làm tốt công tác “Đền ơn đáp nghĩa” là cách thế hệ hôm nay thể hiện lòng tri ân một cách trọn tình, vẹn nghĩa nhất./.
Lê Ngọc
Nguồn: https://baolongan.vn/ven-nghia-tri-an-a199609.html
Bình luận (0)