BHG - Sau hơn 20 ngày triển khai lấy ý kiến Nhân dân về sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, các công việc được triển khai đúng định hướng, đúng tiến độ, đúng kế hoạch, bước đầu cho thấy người dân đồng tình, ủng hộ cao chủ trương này.
Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, mới đây Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp, có sự tham gia của các nhà khoa học, cán bộ chuyên môn, lãnh đạo các tổ chức chính trị - xã hội... Với tinh thần trách nhiệm, tâm huyết, các đại biểu cho biết trước đó đã nghiên cứu rất kỹ những nội dung sửa đổi, bổ sung; nghiên cứu bản so sánh giữa các điều trong Hiến pháp năm 2013, nội dung sửa đổi lần này liên quan đến MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, việc xây dựng, tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp. Tại hội nghị, các đại biểu nhất trí, thống nhất cao với nội dung dự thảo nghị quyết, nhất là việc sắp xếp lại các đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương. Một số đại biểu góp ý sửa đổi, bổ sung một số cụm từ, câu từ cho rõ ràng, chính xác, logic, tạo thuận lợi trong quá trình thực hiện và các nội dung liên quan việc bổ sung quy định về vai trò, vị trí, chức năng, nguyên tắc tổ chức, hoạt động của MTTQ, bảo đảm phù hợp với mô hình tổ chức mới.
Lực lượng Công an phường Minh Khai hỗ trợ người dân góp ý kiến vào Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 trên ứng dụng VNeID. Ảnh: PV |
Trước đó, Liên đoàn Lao động tỉnh, Tỉnh đoàn, các xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh tổ chức nhiều hội nghị lấy ý kiến của Nhân dân; các thôn, tổ dân phố và lực lượng chức năng tích cực triển khai, hướng dẫn người dân đóng góp ý kiến qua ứng dụng VNeID. Tại hội nghị do Tỉnh đoàn tổ chức, các đại biểu, đoàn viên, thanh niên nhất trí cao với nội dung sửa đổi và kỳ vọng về bộ máy chính quyền địa phương tinh gọn, hoạt động hiệu quả. Nhấn mạnh nội dung sửa đổi lần này đã quy định rõ Đoàn Thanh niên hiệp thương dân chủ, phối hợp và thống nhất hành động dưới sự chủ trì của MTTQ Việt Nam thể hiện giá trị về mặt tổ chức, phản ánh tầm nhìn lâu dài, phù hợp với mô hình tổ chức mới sau khi sắp xếp, tinh gọn theo hướng gần dân, sát dân.
Còn tại hội nghị do Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức, 100% đại biểu đồng tình, nhất trí cao về sự cần thiết, chủ trương và các điều sửa đổi Hiến pháp. Đồng thời, đóng góp nhiều ý kiến thiết thực, đề xuất liên quan đến quyền và nghĩa vụ công dân; quyền của người lao động, vai trò của tổ chức Công đoàn và các tổ chức chính trị - xã hội trong hệ thống chính trị. Nhiều đại biểu kiến nghị sửa đổi cụm từ “các tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc MTTQ” thành “các tổ chức chính trị - xã hội là thành viên của MTTQ”. Ngoài ra, có kiến nghị cần thiết phải lấy ý kiến Nhân dân về việc xác định các loại đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư và trình tự, thủ tục thành lập, giải thể, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính do Quốc hội quy định. Đề xuất bổ sung quy định về việc phối hợp phù hợp với vai trò đại diện của Công đoàn Việt Nam trong quan hệ lao động và quốc tế.
Triển khai việc lấy ý kiến Nhân dân, cùng với chủ trương tổ chức các hội nghị có sự tham gia của đông đảo cán bộ, đảng viên, các chuyên gia, nhà khoa học... tỉnh ta đặt mục tiêu phấn đấu trên 95% công dân có tài khoản định danh diện tử mức độ 2 tham gia ý kiến vào dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 trên ứng dụng VNeID. Theo thống kê sơ bộ của cơ quan chức năng, số lượng người dân góp ý qua VNeID tăng từng ngày với tỷ lệ tán thành rất cao.
Kết quả bước đầu lấy ý kiến Nhân dân trên địa bàn tỉnh đã cùng cả nước tạo thành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, hiệu triệu được sự tham gia đóng góp ý kiến rất sâu sắc, trách nhiệm với Đảng, Nhà nước. Theo đồng chí Nguyễn Thị Hạnh, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự-Hành chính (Bộ Tư pháp): Qua theo dõi cho thấy, ý kiến của các bộ, ngành, địa phương và Nhân dân góp ý tập trung vào 4 nhóm nội dung: Thứ nhất là quy định sửa đổi, bổ sung Điều 9 và Điều 10 Hiến pháp năm 2013 khi thực hiện chủ trương sắp xếp các tổ chức chính trị - xã hội về trực thuộc MTTQ Việt Nam. Thứ hai là cách thiết kế quy định về đơn vị hành chính tại nội dung sửa đổi, bổ sung Điều 110 Hiến pháp năm 2013, trong đó các ý kiến tập trung vào việc nên quy định khái quát hay cụ thể về đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư. Thứ ba là cân nhắc việc giữ quy định “việc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính phải lấy ý kiến Nhân dân địa phương” tại khoản 2 Điều 110 Hiến pháp hiện hành. Thứ tư là cân nhắc việc giữ quy định đại biểu HĐND có quyền chất vấn Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tại khoản 2 Điều 115 Hiến pháp... Vụ trưởng Nguyễn Thị Hạnh cho biết thêm, tính đến 13h ngày 24/5/2025, có khoảng 14 triệu người tham gia góp ý trực tiếp trên ứng dụng VNeID và con số này ngày một tăng.
Mới đây, tại Phiên họp thứ 2 Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, công tác lấy ý kiến Nhân dân được thực hiện đúng định hướng, đúng tiến độ, đúng kế hoạch, bước đầu cho thấy các đại biểu Quốc hội đồng thuận, Nhân dân đồng tình, ủng hộ cao chủ trương này. Chủ tịch Quốc hội biểu dương tinh thần làm việc nghiêm túc, trách nhiệm của các cơ quan T.Ư, địa phương và đề nghị các cơ quan, thành viên Ủy ban theo phạm vi lĩnh vực phụ trách, tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ nhiệm vụ được giao, nhất là việc triển khai công tác tổ chức lấy ý kiến Nhân dân, các ngành, cấp bảo đảm chu đáo, hiệu quả, thiết thực; tiếp tục tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về mục đích, ý nghĩa, phạm vi, nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 bảo đảm phát huy dân chủ, tạo sự đồng thuận cao.
Tiến Chiến
Nguồn: https://baohagiang.vn/lay-y-kien-nhan-dan/202505/viec-lay-y-kien-nhan-dan-duoc-trien-khai-dung-tien-do-0573649/
Bình luận (0)