“Võ sư nông dân” Phi Long Vinh: “Tôi học cả những học trò của mình”
Ngoài những đóng góp quan trọng cho phong trào võ thuật, võ sư cao cấp Phi Long Vinh còn được biết đến với tư cách là một trong những điển hình nông dân tiêu biểu của huyện Tuy Phước. Vừa được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú nhờ những đóng góp cho võ cổ truyền, ông dành cho Báo Bình Ðịnh cuộc trò chuyện về hành trình vượt khó thành công của mình.
Nói đến võ phải thực chất
Học võ cổ truyền từ nhỏ, sau đó được chọn vào đội tuyển tỉnh, thi đấu giành nhiều huy chương quốc gia, đến nay, võ sư cao cấp Phi Long Vinh đã có gần 35 năm duy trì hoạt động võ đường, giới thiệu nhiều VĐV xuất sắc cho tỉnh. Ông còn thường xuyên phối hợp tổ chức võ đài, đề xuất nhiều hoạt động để khôi phục và phát huy phong trào võ cổ truyền ở địa phương.
● Thời VĐV, ông chủ yếu tập luyện và thi đấu nội dung quyền, nhưng lại sở hữu không ít học trò thành danh ở nội dung đối kháng, có gì mâu thuẫn ở đây không, thưa ông?
– Chắc anh muốn nhắc đến nhà vô địch 2 kỳ SEA Games liên tiếp Nguyễn Thị Hằng Nga và cựu VĐV xuất sắc Nguyễn Quốc Tiển chứ gì. Tôi vẫn lấy đó làm niềm tự hào cho công tác phát hiện, đào tạo của mình.
Đúng là tôi chuyên bên quyền hơn, nhưng cũng từng có chừng 50 lần thượng đài chứ không ít đâu. Hồi trẻ tôi tập dữ lắm, ngoài thời gian tập ở nhà thầy, tôi tự tập thể lực rất nhiều, nên các võ sĩ cùng thời không dễ gì thắng được tôi (cười). Nhưng tôi chuyên tâm hơn vào đối kháng sau khi có người trong giới dè bỉu “nó lùn tẹt mà võ vẽ gì”. Giờ thì tôi có thể hãnh diện rằng mình thành công trong công tác đào tạo, khi võ đường đoạt giải nhất ở giải võ cổ truyền huyện Tuy Phước suốt từ năm 1994 đến nay. Ở các giải cấp tỉnh, võ đường của tôi cũng không ít lần nằm trong nhóm đầu ở cả nội dung quyền lẫn đối kháng.
Võ sư cao cấp Phi Long Vinh với lớp võ cổ truyền miễn phí tại Trường Tiểu học Phước Nghĩa. Ảnh: LÊ CƯỜNG |
● Giới trẻ ngày nay có nhiều lựa chọn cho thời gian rảnh rỗi, bí quyết nào giúp ông duy trì số lượng lớn học trò trong nhiều năm liền?
– Dạy võ bây giờ khác xưa nhiều, nên mình cũng phải linh hoạt chứ không thể cứng nhắc với cách làm cũ. Sau thời gian cho tập căn bản, tôi chọn những em có tố chất đưa về nhà tập miễn phí, nhưng phải được sự đồng thuận của phụ huynh để cùng duy trì liên tục. Với tôi, những em có chút cá tính mới có tài, quan trọng là mình phải biết cách phát huy điểm mạnh thật tốt để các em đi đúng hướng.
● Với vai trò là Phó Chủ tịch Thường trực Hội Võ thuật huyện Tuy Phước, điều gì làm ông hài lòng nhất thời gian qua?
– Tôi cùng các anh em trong Hội đã tổ chức được các lễ tri ân võ sư, cố võ sư, nhằm thể hiện tinh thần “uống nước nhớ nguồn”. Từ đó, củng cố lại tổ chức hội, xây dựng phong trào sau quãng thời gian trầm lắng. Tuy Phước có nhiều võ sư giỏi, nhiều võ đường nổi tiếng, nên nếu không khơi gợi được họ tham gia cống hiến sẽ là sự lãng phí rất lớn.
Bản thân tôi cũng tranh thủ được sự ủng hộ của lãnh đạo huyện và các nhà tài trợ để có kinh phí tổ chức những đêm võ đài hoàn toàn miễn phí cho khán giả. Đây là một trong những cách kích thích phong trào của địa phương, là dịp cọ xát rất tốt cho võ sĩ. Huyện cũng đã có chủ trương để Hội tổ chức đưa võ vào trường học ở tất cả 13 xã, thị trấn. Việc được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú là động lực giúp tôi cố gắng hơn nữa trong công tác xây dựng phong trào thời gian tới.
“Cày” để có tiền… “chơi võ”
Khởi nghiệp với vỏn vẹn 1 chỉ vàng sau khi lập gia đình, nhờ chịu khó lao động, “võ sư nông dân” Phi Long Vinh dần gầy dựng được cơ ngơi vững vàng cho cả 3 người con. Ông nhiều năm liền đạt danh hiệu “Nông dân sản xuất giỏi” của huyện Tuy Phước.
● Nổi tiếng với công việc trồng nấm rơm, mở dịch vụ phục vụ đám tiệc, giờ lại dấn thân vào nuôi lươn giống, lươn thịt, ông quả là người tham công tiếc việc…
– Khối lượng công việc của tôi hiện giờ giảm nhiều so với trước đây rồi đó. Gia đình tôi vốn thuộc diện hộ nghèo, nên xác định chỉ có cách lao động cật lực mới thoát nghèo. Vì vậy, tôi làm mọi việc để có thu nhập, từ nuôi bò, nuôi gà, trồng lúa, trồng mai cảnh… Có những hôm tôi dẫn học trò đi đánh đài ở xa, khuya về đến nhà lại tranh thủ thu hoạch nấm đến sáng. Còn nuôi lươn thì cũng mới vài năm nay thôi, nhưng đó là công việc tôi ấp ủ đã lâu.
“Võ sư nông dân” Phi Long Vinh (bên trái) cùng con trai chăm sóc nấm rơm. Ảnh: LÊ CƯỜNG |
Trong đợt dịch Covid-19, tình cờ mở ti vi thấy chương trình hướng dẫn nuôi lươn, xem xong thấy hay quá tôi bắt xe vào miền Nam tìm đến các trại lươn để tìm hiểu rồi mua giống về nuôi. Hoạt động võ thuật giúp tôi mở rộng mối quan hệ, quen biết nhiều người chứ không giàu lên được. Vì vậy, tôi phải lo làm kinh tế để tiếp tục “chơi võ”, chớ suốt ngày đánh đấm bà xã nhăn sao chịu nổi (cười lớn).
● Sản phẩm lươn thịt mang thương hiệu Long Vinh của ông đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao, cũng là sản phẩm OCOP duy nhất đến thời điểm này của xã Phước Nghĩa, ông có tính đến việc mở rộng thị trường không?
– Xây dựng thương hiệu là khâu quan trọng trong tiêu thụ sản phẩm hiện nay, nhất là các mặt hàng thực phẩm. Tôi đang hướng đến việc cung cấp lươn thịt cho siêu thị. Tôi cũng đã thử chào hàng ở một vài tỉnh lân cận, sắp tới sẽ giới thiệu ở Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế… Điểm thuận lợi là các anh em trong giới võ thuật ở các tỉnh, thành như vệ tinh của mình vậy, luôn sẵn sàng hỗ trợ trong việc sản xuất đặng chơi võ dài lâu với họ (cười).
Nông dân sản xuất giỏi Phi Long Vinh (bên trái) giới thiệu lươn thịt cho khách hàng đến từ xã Cát Hải (Phù Cát). Ảnh: LÊ CƯỜNG |
Muốn giỏi phải học liên tục
Không ngại khó, khổ, luôn quan sát, học hỏi những người xung quanh là bí quyết giúp nông dân Phi Long Vinh thành công với nhiều mô hình kinh tế khác nhau.
● Giờ ông đã là nhà cung cấp lươn giống có tiếng trong tỉnh, nhận bao tiêu sản phẩm rồi phân phối mỗi ngày cả trăm ký, có vẻ ông làm việc gì cũng gặp thuận lợi?
– Cũng không dễ dàng như người ta thấy đâu, tôi từng phải “trả học phí” kha khá, khi tỷ lệ hao hụt lươn con nhiều đến phát hoảng. Lâu dần mới nắm được bí quyết rồi hướng dẫn lại cho người nuôi trong tỉnh. Hiện tôi chuyên tâm vào khâu sản xuất lươn giống để cung cấp ra thị trường, thay vì cùng lúc nuôi lươn thịt như trước.
● Ông đúc rút ra được điều gì sau khi thành công với những công việc mới?
– Theo tôi, làm việc gì cũng phải chuyên tâm, tìm tòi, học hỏi. Vài hôm nữa tôi sẽ sang xã Phước Thành để tham khảo mô hình nuôi lươn của chính người từng được tôi hướng dẫn cách nuôi. Bởi họ áp dụng kỹ thuật mới, nuôi lươn nhanh lớn hơn, tỷ lệ hao hụt cực thấp. Thấy hay thì học chứ ngại gì đâu, ngay như với võ cũng vậy, thời còn là VĐV, tôi cũng hay tò mò xem đồng đội bên đối kháng tập, nên cũng thu thập được chút kiến thức. Nhưng sau này tôi vẫn gửi học trò của mình cho học trò cũ hiện ở đội tuyển tỉnh rèn thêm, vì các em được tiếp cận với phương pháp huấn luyện hiện đại, hiệu quả hơn.
Điều làm tôi thấy vui là nhiều người học hỏi theo mô hình của tôi cũng đã thành công, tạo được thu nhập ổn định, trong đó có em ruột tôi. Các con tôi cũng hỗ trợ giải quyết được các công việc, nhờ đó tôi có thể làm chủ thời gian của mình.
● Xin cảm ơn ông!
– Võ sư cao cấp Phi Long Vinh (tên thật là Thái Hùng Vinh, SN 1973).
– Hiện là Phó Chủ tịch Thường trực Hội Võ thuật huyện Tuy Phước.
– Nông dân tiêu biểu cấp huyện nhiều năm liền.
– Được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú năm 2022.
LÊ CƯỜNG (Thực hiện)