Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Vượt qua nỗi đau da cam

Việt NamViệt Nam29/04/2024


“Ba thương con vì con giống mẹ. Mẹ thương con vì con giống ba. Cả nhà ta cùng thương yêu nhau. Xa là nhớ gần nhau là cười…”. Tiếng hát của những đứa trẻ “đặc biệt” vang lên trong căn phòng nhỏ tại Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh Đà Nẵng làm chúng tôi thấy nhói lòng.

Bởi, bài hát thì tròn trịa mà giọng hát của các em lại không thể tròn vành, rõ chữ. Đây đều là những đứa trẻ say sưa với từng câu hát, vụng về với những điệu múa, con chữ mà có khi mất cả năm trời mới tập được. Nhìn những khuôn mặt hồ hởi, những nụ cười rạng rỡ tinh nghịch, ít ai biết được các em đã trải qua những năm tháng khó khăn nhường nào.

Các em ở nhiều độ tuổi khác nhau nhưng hầu hết đều bị thiểu năng trí tuệ, down, tự kỷ, một số thì khuyết tật vận động, liệt chi dưới, co rút cơ,… Nỗi đau mang tên chất độc màu da cam đeo đẳng các em suốt đời khiến cho hoàn cảnh sống đã khó khăn lại càng khó khăn hơn.

Đang ở cái tuổi vô tư, hồn nhiên nhưng em Mai Thị Mỹ Thuận (14 tuổi) phải chịu nỗi đau khôn tả bởi ảnh hưởng của chất độc da cam trên cơ thể. Thoạt nhìn, không ai nghĩ cô bé đang mang trong mình căn bệnh quái ác.

Hoàn cảnh của Thuận vô cùng khó khăn, gia đình đông con, cha mẹ quanh năm bươn chải làm phụ hồ, bốc vác mưu sinh. May thay, trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh Đà Nẵng như chiếc “phao cứu sinh” gieo mầm hy vọng, tiếp thêm nghị lực để em cùng những đứa trẻ khác vươn lên hòa nhập cộng đồng.

“Em vào trung tâm được 5 năm rồi, ở đây em không những được học kiến thức, văn hóa mà còn được các thầy, cô tạo điều kiện học nghề làm hương. Em mong mình sẽ có một công việc trong tương lai để phụ giúp ba mẹ”, Thuận nói.

18 năm nay, Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh Đà Nẵng (cơ sở 1 tại số 15 Nguyễn Văn Huề, quận Thanh Khê và cơ sở số 2 ở thôn Phước Hưng, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang) đang nuôi dưỡng, chăm sóc, phục hồi chức năng, dạy văn hóa, hướng nghiệp, dạy nghề cho 100 trẻ em bị ảnh hưởng của chất độc màu da cam và các trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn huyện Hòa Vang và khu vực lân cận.

Ngoài việc được học kiến thức văn hóa, các em còn được trung tâm chăm sóc, nuôi dưỡng chu đáo, chăm lo hỗ trợ ốm đau kịp thời. Công tác chăm sóc, đưa đón, tổ chức ăn uống cho trẻ tại trung tâm được bảo đảm an toàn, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng, vệ sinh an toàn thực phẩm.

Các em đều được học văn hóa và một số nghề cơ bản như: Thêu, may gia công, làm hương thủ công, kết cườm, làm hoa, điện cơ, điện tử... Toàn bộ nguồn kinh phí hoạt động của trung tâm từ các dự án triển khai hỗ trợ trung tâm và nguồn bảo trợ xã hội, đóng góp của các nhà hảo tâm, tổ chức từ thiện xã hội.

Bên cạnh đó, các em được đánh giá mức độ khuyết tật và khả năng học tập để phân loại về các lớp giáo dục phù hợp để từng bước tiến bộ. Hằng năm, trung tâm kết hợp với các hội, đoàn thể tổ chức vui chơi, giải trí, tham gia các hoạt động dã ngoại, giúp các em vui vẻ, lạc quan, thêm nghị lực vươn lên.

Trung tâm luôn duy trì hiệu quả các mô hình, sân chơi cho các em với nhiều hoạt động như: giao lưu văn nghệ, hoạt động thể dục - thể thao bổ ích, vật lý trị liệu... Nhiều em phát huy năng khiếu, sở trường của mình để trung tâm bồi dưỡng tham gia các hội thi thể dục - thể thao, văn hóa - văn nghệ các cấp, đáp ứng nguyện vọng nhu cầu của gia đình nạn nhân.

Đặc biệt, các em ở tuổi trưởng thành được hỗ trợ kết nối với các công ty, doanh nghiệp và cá nhân bên ngoài để có việc làm, tăng thêm thu nhập cuộc sống cho gia đình.

Theo ông Nguyễn Văn An, Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố Đà Nẵng, hiện nay, thành phố có trên 5.000 người nhiễm và nghi nhiễm chất độc da cam/dioxin, trong đó có gần 1.000 nạn nhân ở thế hệ thứ 2, 3; nhiều gia đình có 2-3 nạn nhân bị ảnh hưởng do di chứng của chất độc da cam/dioxin gây ra.

Hầu hết các gia đình nạn nhân đều có hoàn cảnh rất khó khăn, luôn luôn phải đối mặt với bệnh tật, thuốc men với sự đau đớn về thể xác và tinh thần, đối với cả bản thân nạn nhân và cả người thân trong gia đình nạn nhân.

"Thời gian qua, trung tâm luôn nhận được sự quan tâm, tham gia hỗ trợ từ nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các mạnh thường quân, nhà hảo tâm trong và ngoài thành phố để xây dựng, mở rộng các phòng học văn hóa, học nghề, làm đường bê-tông và khu vực chăn nuôi, tăng gia sản xuất. Từ đó, hoạt động tại trung tâm ngày càng được mở rộng và phát triển. Đồng thời, sự nỗ lực của thầy cô, cán bộ tại trung tâm đã giúp các em trang bị kỹ năng sinh hoạt xã hội, đủ điều kiện về hòa nhập cùng gia đình, cộng đồng", ông An chia sẻ.

Gắn bó với Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh cơ sở Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang gần 10 năm nay, đều đặn mỗi buổi sáng, chị Nguyễn Thị Lan (55 tuổi) cùng chiếc xe máy vượt đoạn đường gần 10km từ nhà đến trung tâm để bắt đầu công việc của mình.

Chị Lan tâm sự, ở trung tâm, có khi chị là người đầu bếp khéo léo nấu cho các em từng bữa cơm dẻo, có khi chị là người mẹ thứ hai, nuôi nấng, vỗ về, ru các em ngủ. Cũng có khi chị là cô giáo dạy các em học từng con chữ, “cầm tay chỉ việc” hướng dẫn các em thêu thùa, làm hoa…

Nhớ lại những ngày đầu mới bước vào trung tâm, làm quen với công việc, chăm sóc những đứa trẻ “đặc biệt”, bản thân chị Lan không khỏi bồi hồi với những cảm xúc khó quên.

Nuôi dạy những đứa trẻ bình thường đã vất vả, nuôi dạy những đứa trẻ mang trong mình di chứng của chất độc da cam lại càng khó khăn trăm bề. Mỗi đứa trẻ ở đây là một thế giới riêng đầy bí ẩn. Có em khóc cười vô cớ, em thì khó khăn trong vận động, em không biết biểu lộ cảm xúc, và kém về mặt giao tiếp…

Do đó, chị Lan cũng như đồng nghiệp của mình phải phân vai, dạy các em từng con chữ cho đến phép tắc giao tiếp cơ bản như: chào người lớn, cảm ơn, xin lỗi…. Điều  tưởng chừng như đơn giản, nhưng làm được như vậy đã là một kỳ tích đối với chính cuộc đời của các em. Bởi thời gian để các em có thể thuộc bài, định hình hành vi có thể lên đến hàng tháng, thậm chí nhiều năm liền.

“Chúng tôi quyết tâm dạy để làm sao mà các em biết đọc, biết viết, biết những phép ứng xử cơ bản, khi đó sẽ giúp các em mở mang đầu óc, để các em nhận thức được rằng mình cũng có thể học và làm việc như các bạn khác”, chị Lan chia sẻ.

Công việc khó khăn cùng với đồng lương ít ỏi, nên đã nhiều lần chị Lan từng có ý định buông xuôi nhưng nhìn ánh mắt trong veo, tiếng cười hồn nhiên của bọn trẻ đã níu giữ chân chị ở lại trung tâm cho đến ngày hôm nay.

“Có hôm ốm đau phải nghỉ ở nhà, lúc tôi đi làm lại thì các em chạy lại ôm tôi, hỏi thăm sức khỏe tôi và nói nhớ tôi. Lúc đó, tôi thấy bất ngờ vô cùng. Chính các em đã cho tôi được sống một đời ý nghĩa hơn là những gì tôi làm được cho chúng. Tôi yêu những nụ cười, tiếng khóc và yêu luôn cả những khiếm khuyết của chúng, chính tôi cũng hạnh phúc vì bản thân đã góp một phần nhỏ bé trong sự lớn lên của các em”, chị Lan bộc bạch.

Nói đoạn, mắt chị Lan sáng bùng niềm tin: “Suốt thời gian qua, trung tâm chưa khi nào tắt tiếng cười nói, mỗi ngày lũ trẻ đều reo hò hồn nhiên, để mặc những điều thiệt thòi đang bủa vây ngoài kia”.

Đến bên cạnh cô bé đang ngồi làm hương, chị Nguyễn Thị Kim Yến (55 tuổi) bảo: "Bé này lúc vào trung tâm không tiếp xúc với ai, giờ thì hoạt bát hơn rồi, biết hát và giỡn, đặc biệt là học theo các cô làm hương khá nhanh”.

17 năm nay gắn bó với trung tâm, chị Nguyễn Thị Kim Yến cho biết, các em vào đây hầu như đều có gia cảnh rất khó khăn nên gia đình khó chăm sóc các cháu tốt được, ai cũng đầu tắt mặt tối để lo kiếm ăn hàng ngày. Ở đây, các em được ăn, được chơi, được dạy chữ, dạy kỹ năng sinh hoạt mà gia đình không phải tốn kém đồng nào.

Chị Yến gọi đây là “ngôi trường” đặc biệt vì ở đây giáo viên không giáo án soạn sẵn, không tà áo dài lung linh mỗi khi đến lớp, mỗi người đều kiêm nhiệm nhiều việc, luân phiên qua lại chăm sóc, nấu ăn, dạy dỗ các em. Còn lớp học không phân theo độ tuổi mà tùy theo tính cách, đặc đặc điểm của từng em để có phương pháp giáo dục, chăm sóc, uốn nắn khác nhau.

Chị Yến cho rằng, dạy các em nhỏ đặc biệt này giống như nghệ nhân vuốt gốm sứ, lúc cần cương quyết, lúc lại mềm mỏng nhẹ nhàng nhưng trên hết là nâng niu, gửi gắm tình yêu thương vào các em. Chỉ có vậy các em mới mở lòng và dịu đi cơn bạo bệnh.

“Tôi vẫn nhớ như in, lúc tôi còn công tác ở Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh Đà Nẵng cơ sở 1, cô học trò mà tôi dạy thường ngày vẫn tới trung tâm đúng giờ. Nhưng hôm đó, đến giờ vào lớp mà không thấy mặt mũi con bé đâu, tôi bắt đầu đứng ngồi không yên. Ai mà ngờ một lúc sau con bé xuất hiện, cả người ướt sũng mồ hôi, trên tay cầm cành hoa và nói rằng, con đi bộ tìm mua hoa tặng cô nhân ngày 20-11. Giây phút đó tôi lặng người đi vì xúc động”, chị Yến nghẹn ngào nhớ lại.

Với chị Yến, bất kỳ người làm cha, làm mẹ nào khi sinh ra con ra đều mong con mình mạnh khỏe, lành lặn. Thế nhưng, trong cuộc sống này không phải ai cũng may mắn như thế.

“Đứa trẻ sinh ra, dù lành lặn hay khuyết tật đều là những viên ngọc quý trời ban, ngoài gia đình ra, tôi nghĩ bản thân mình sẽ cố gắng mài dũa để những viên ngọc ấy ngày càng sáng hơn, quý hơn”, chị Yến nói.

Chiến tranh đã qua đi, nhưng những nỗi đau, sự mất mát, di chứng của chiến tranh vẫn còn hằn sâu trên mảnh đất này. Hơn nửa thế kỷ trôi qua, vết thương mang tên chất độc màu da cam vẫn còn đó và những nạn nhân của nỗi đau này vẫn phải hứng chịu những bất hạnh và khổ đau. Do đó, sự chung tay của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội không chỉ trực tiếp giúp đỡ, chăm sóc các nạn nhân mà còn tạo được niềm tin, nghị lực để nhiều người nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, vượt lên số phận, từng bước cải thiện cuộc sống của mình và gia đình.

THỦY THANH


Nguồn

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

PIECES of HUẾ - Mảnh ghép của Huế
Cảnh huyền ảo trên đồi chè 'bát úp' ở Phú Thọ
3 hòn đảo ở miền Trung được ví như Maldives, hấp dẫn du khách dịp hè
Ngắm phố biển Quy Nhơn của Gia Lai lung linh về đêm

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm